Nhà tôi bán tạp hóa trong chợ Kim Biên, cho tôi hỏi, điều kiện bảo đảm an toàn đối với phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm năm 2023 là gì? – Tuyết Lan (TP. Hồ Chí Minh).
>> Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm biến đổi gen, đã qua chiếu xạ năm 2023?
>> Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm chức năng năm 2023?
Khoản 13 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về khái niệm phụ gia thực phẩm như sau:
Điều 2. Giải thích từ ngữ
13. Phụ gia thực phẩm là chất được chủ định đưa vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, nhằm giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm.
Có thể hiểu rẳng, phụ gia thực phẩm là những chất được sử dụng trong quá trình sản xuất ra thực phẩm một cách chủ động, phụ gia thực phẩm có thể không có giá trị dinh dưỡng, tuy nhiên nó có thể giúp giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm.
Chất hỗ trợ chế biến được định nghĩa tại khoản 3 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010, theo đó:
Điều 2. Giải thích từ ngữ
3. Chất hỗ trợ chế biến thực phẩm là chất được chủ định sử dụng trong quá trình chế biến nguyên liệu thực phẩm hay các thành phần của thực phẩm nhằm thực hiện mục đích công nghệ, có thể được tách ra hoặc còn lại trong thực phẩm.
Qua khái niệm trên, ta thấy, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm là những chất được sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm một cách chủ động nhằm thực hiện mục đích công nghệ.
Điều kiện bảo đảm an toàn đối với phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn internet)
Tổ chức, cá nhân khi tiến hành sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm phải có nghĩa vụ thực hiện đúng nghĩa vụ về bảo đảm an toàn đối với thực phẩm theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 và điểm a khoản 2 Điều 8 Luật An toàn thực phẩm 2010.
Theo đó, Điều 17 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm như sau:
- Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm;
- Có hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn hoặc tài liệu đính kèm trong mỗi đơn vị sản phẩm bằng tiếng Việt và ngôn ngữ khác theo xuất xứ sản phẩm;
- Thuộc Danh mục phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm được phép sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định (xem quy định chi tiết về danh mục phụ gia thực phẩm tại Thông tư 28/2021/TT-BYT);
- Đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường;
- Đối với tổ chức, cá nhân khi tiến hành sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm phải đáp ứng thêm các điều kiện sau (theo Điều 30 Nghị định 15/2018/NĐ-CP):
+ Đáp ứng các quy định chung tại khoản 1 Điều 19, khoản 1 Điều 20, khoản 1 Điều 21 Luật an toàn thực phẩm 2010 về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong việc bảo quản thực phẩm, vận chuyển thực phẩm;
+ Chỉ được phối trộn các phụ gia thực phẩm khi các phụ gia thực phẩm đó thuộc danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định và sản phẩm cuối cùng của sự phối trộn không gây ra bất cứ tác hại nào với sức khỏe con người; trường hợp tạo ra một sản phẩm mới, có công dụng mới phải chứng minh công dụng, đối tượng sử dụng và mức sử dụng tối đa;
+ Việc sang chia, san, chiết phụ gia thực phẩm phải được thực hiện tại cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và ghi nhãn theo quy định hiện hành.