Gia đình tôi dự định bán thực phẩm chức năng tốt cho xương khớp, cho tôi hỏi điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm chức năng là gì? – Văn Hoàng (Sóc Trăng).
>> Năm 2023, thao túng thị trường chứng khoán mức độ nào sẽ bị phạt tù?
>> Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng năm 2023?
Khoản 23 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về khái niệm thực phẩm chức năng như sau:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
23. Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học.
Có thể thấy, thực phẩm chức năng có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho các chức năng trên cơ thể con người, tạo cho con người luôn có trạng thái thoải mái, tăng sức đề kháng của cơ thể cũng như giảm bớt các nguy cơ mắc bệnh. Bản chất của thực phẩm chức năng là dùng những dưỡng chất, dược liệu… nhằm hỗ trợ cho cơ thể của con người, qua đó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.
Dựa vào khái niệm của thực phẩm chức năng, ta thấy, thực phẩm chức năng được chia thành 3 loại:
- Thực phẩm bổ sung (xem chi tiết tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 43/2014/TT-BYT);
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (xem chi tiết tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 15/2018/NĐ-CP và khoản 2 Điều 2 Thông tư 43/2014/TT-BYT);
- Thực phẩm dinh dưỡng y học (xem chi tiết tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 15/2018/NĐ-CP và khoản 3 Điều 2 Thông tư 43/2014/TT-BYT).
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 và điểm a khoản 2 Điều 8 Luật An toàn thực phẩm 2010, các tổ chức, cá nhân khi tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình sản xuất.
Như vậy, khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng thì tổ chức, cá nhân cũng phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình về các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm chức năng.
Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm chức năng năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn internet)
Căn cứ theo quy định của pháp luật tại Điều 14 Luật An toàn thực phẩm 2010, các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm chức năng gồm:
- Có thông tin, tài liệu khoa học chứng minh về tác dụng của thành phần tạo nên chức năng đã công bố;
- Thực phẩm chức năng lần đầu tiên đưa ra lưu thông trên thị trường phải có báo cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng của sản phẩm;
- Tuân thủ quy định về quản lý thực phẩm chức năng tại Thông tư 43/2014/TT-BYT;
- Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người;
- Ngoài ra, tùy vào từng loại, thực phẩm còn phải đáp ứng một hoặc một số quy định sau đây:
+ Quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
+ Quy định về bao gói và ghi nhãn thực phẩm (xem chi tiết tại Điều 6 Thông tư 43/2014/TT-BYT);
+ Quy định về bảo quản thực phẩm.
Tóm lại, điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm chức năng bao gồm: đảm bảo thông tin, tài liệu chứng minh công dụng của sản phẩm; có báo cáo hiệu quả thử nghiệm của công dụng sản phẩm đối với sản phẩm được lưu thông lần đầu trên thị trường; tuân thủ quy định pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng; đảm bảo sự an toàn đối với sức khỏe, tính mạng con người và một số quy định khác về việc sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, bao nhãn, bảo quản thực phẩm.