Nhà máy chúng tôi ở Nghệ An có hơn 2.000 công nhân viên. Nếu dựa theo mức lương hiện tại thì nhà máy phải chi một số tiền rất lớn để đóng BHXH. Do đó, chúng tôi đang có dự định điều chỉnh thang bảng lương, theo đó chuyển 30% mức lương hiện nay thành tiền thưởng để giảm tiền đóng các loại bảo hiểm. Xin tư vấn giúp chúng tôi các vấn đề sau: - Các khoản thu nhập nào không phải đóng BHXH? - Dự định trên của chúng tôi có phù hợp với quy định của pháp luật không? Xin chân thành cảm ơn.
>> Hồ sơ đóng bảo hiểm từ năm 2018
>> Phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác có phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không?
Chào chị,
PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP đã nhận được đề xuất hỗ trợ của chị về các khoản thu nhập không phải đóng bảo hiểm xã hội nên Ban hỗ trợ có ý kiến trao đổi như sau:
Căn cứ Khoản 2.3 Điều 6 của Quyết định 595/QĐ-BHXH, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi như:
1. Tiền do doanh nghiệp thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động theo Quy chế thưởng đã được ban hành và công bố (chị có thể tham khảo công việc Xây dựng quy chế khen thưởng).
2. Tiền thưởng sáng kiến;
3. Tiền ăn giữa ca;
4. Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;
5. Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động;
6. Trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Chị có thể tham khảo về tiền lương đóng BHXH, BHYT, BHTN tại công việc Tiền lương tháng tính đóng các loại bảo hiểm.
Như vậy, trong trường hợp như chị đã trình bày, công ty chị có thể điều chỉnh thang bảng lương để chuyển một phần trong tiền lương thành tiền thưởng để giảm tiền lương đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, công ty chị cần lưu ý:
- Mức lương sau khi điều chỉnh không được thấp hơn 2.760.000 đồng/tháng (mức lương tối thiểu vùng áp dụng tại tỉnh Nghệ An theo Nghị định 141/2017/NĐ-CP).
Đối với người lao động làm công việc đòi hỏi lao động phải trải qua học nghề, mức lương sau khi điều chỉnh không được thấp hơn 2.953.200 đồng/tháng (cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng).
- Công ty chị phải tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi mức lương đóng BHXH, BHYT, BHTN với cơ quan BHXH.
Thành phần hồ sơ bao gồm:
1. Tờ khai điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK1-TS ban hành kèm theo Quyết định 888/QĐ-BHXH);
2. Tờ khai đơn vị điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK3-TS ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH);
3. Danh sách lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Mẫu D02-TS ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH);
4. Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH);
5. Trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: bổ sung Giấy tờ chứng minh được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế cao hơn (nếu có) (theo Phụ lục 03 ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH).
Chị vui lòng xem chi tiết trình tự thực hiện, hồ sơ, biểu mẫu tại công việc Đăng ký điều chỉnh mức lương đóng BHXH, BHYT, BHTN.