Công ty tổ chức đào tạo học nghề cho người lao động mới vào thử việc để làm việc cho công ty. Vậy công ty có được quyền thu học phí của người học nghề? – Kim Văn (Bình Dương).
>> Hết thử việc, tiếp tục làm mà không ký hợp đồng lao động, có được coi là nhân viên chính thức?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không được thu học phí; phải ký hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.
Như vậy, người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề thì không được thu học phí của người học nghề. Trường hợp công ty có hành vi thu học phí của người học nghề để làm việc thì sẽ bị phạt hành chính theo mức quy định tại Mục 2 của bài viết.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 14 Nghị định 12/2022/NĐ-CP mức phạt đối với hành vi thu học phí của người học nghề, tập nghề để làm việc cho mình được quy định như sau:
- Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt nêu trên là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trường hợp công ty có hành vi thu học phí của người học nghề để làm việc cho mình thì có thể bị phạt hành chính từ 1 triệu đồng đến 40 triệu đồng (mức phạt bằng 02 lần so với mức phạt đối với cá nhân).
Hơn nữa, công ty có hành vi vi phạm nêu trên còn bị áp dụng biên pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lại học phí đã thu của người học nghề, tập nghề để làm việc cho mình (theo điểm a khoản 3 Điều 14 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Toàn văn File word Bộ luật Lao động 2019 và văn bản hướng dẫn (có hiệu lực từ 18/9/2023) |
Có được thu học phí khi đào tạo nghề của người lao động? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Tại khoản 4 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019 quy định về độ tuổi của người học nghề như sau:
- Người học nghề phải đủ 14 tuổi trở lên và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề, tập nghề.
- Người học nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành phải từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.
Căn cứ khoản 1 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019, thời gian học nghề theo chương trình đào tạo của từng trình độ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.
Cụ thể, Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 113 Luật giáo dục 2019) quy định về thời gian đào tạo như sau:
- Thời gian đào tạo trình độ sơ cấp được thực hiện từ 03 tháng đến dưới 01 năm học nhưng phải bảo đảm thời gian thực học tối thiểu là 300 giờ học đối với người có trình độ học vấn phù hợp với nghề cần học.
- Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên là từ 01 đến 02 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo.
+ Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ là thời gian tích lũy đủ số lượng mô-đun hoặc tín chỉ quy định cho từng chương trình đào tạo.
+ Người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao đẳng thì phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng văn hóa trung học phổ thông.
- Thời gian đào tạo trình độ cao đẳng theo niên chế:
+ Từ 02 đến 03 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông;
+ Từ 01 đến 02 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành, nghề đào tạo và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.
Thời gian đào tạo trình độ cao đẳng theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ là thời gian tích lũy đủ số lượng mô-đun hoặc tín chỉ cho từng chương trình đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.