PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP cho tôi hỏi: Tôi được hưởng trợ cấp thất nghiệp từ tháng 01/2022, đến nay tôi vừa tìm được việc làm tại công ty X và hiện đang trong quá trình thử việc. Vậy, tôi có được tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp không? Mong được hỗ trợ
>> Vợ sẩy thai thì chồng có được nghỉ thai sản?
>> Nhân viên văn phòng bị đau thắt lưng do làm việc thì có được xem là bệnh nghề nghiệp không?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Theo Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP quy định về các trường hợp NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm có:
(1) Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động;
(2) Có việc làm;
(3) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an
(4) Hưởng lương hưu hằng tháng
(5) Sau 02 lần người lao động từ chối việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng
(6) Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, 03 tháng liên tục không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định
(7) Ra nước ngoài để định cư, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng
(8) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên
(9) Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp
(10) Chết
(11) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc
(12) Bị tòa án tuyên bố mất tích
(13) Bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù
Trong đó, theo khoản 9 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP người lao động được xác định là có việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đã giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động có hiệu lực theo quy định của pháp luật;
- Có quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm trong trường hợp này là ngày người lao động được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm ghi trong quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm;
- Có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với trường hợp người lao động là chủ hộ kinh doanh hoặc có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp người lao động là chủ doanh nghiệp. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày người lao động thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm về việc hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh;
- Người lao động thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày ghi trong thông báo có việc làm của người lao động.
Bộ luật Lao động 2019 không quy định rõ về hợp đồng thử việc là gì mà chỉ định nghĩa thử việc theo khoản 1 Điều 24: “Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc”. Có thể hiểu, hợp đồng thử việc là sự thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ về việc làm thử. Những thỏa thuận liên quan đến việc làm thử như thời gian, điều kiện làm việc, quyền và lợi ích của các bên ... được ghi nhận trong hợp đồng thử việc.
Như vậy, Anh/Chị vẫn được cùng lúc hưởng tiền lương theo hợp đồng thử việc và trợ cấp thất nghiệp.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!