Khi cho thuê lại lao động nước ngoài, doanh nghiệp có cần phải xin cấp mới giấy phép hay không? – Tuyết Mai (Sơn La).
>> Xin cấp giấy phép lao động tại chi nhánh đang làm việc có được không?
>> Thời hạn của giấy phép lao động có phụ thuộc vào thời hạn của hợp đồng?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.
Mẫu xác định nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài |
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động phải báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Thời hạn báo cáo: Báo cáo trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài.
Mẫu Báo cáo thay đổi nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài |
Lưu ý: Đối với người lao động nước ngoài thuộc trường hợp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 154 của Bộ luật Lao động và các khoản 1, 2, 8, 9, 10, 11, 12 và 13 Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP thì người sử dụng lao động không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
Sau khi được chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động phải đề nghị cấp giấy phép lao động.
Nếu người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động nhưng có nhu cầu làm việc cho người sử dụng lao động khác thì phải thực hiện việc cấp mới giấy phép lao động theo quy định của pháp luật.
Xin cấp mới giấy phép lao động khi cho thuê lại lao động nước ngoài (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
>> Xem thêm công việc: Tuyển dụng lao động là công dân nước ngoài
Thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động được quy định tại Điều 11 Nghị định 152/2020/NĐ-CP cụ thể:
Bước 1. Nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động
Người nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động bao gồm:
- Người sử dụng lao động mà người lao động nước ngoài làm việc; hoặc
- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hoặc tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam mà người lao động nước ngoài đến làm việc; hoặc
- Người lao động nước ngoài vào Việt Nam để chào bán dịch vụ, người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại.
Thời hạn nộp hồ sơ: Trước ít nhất 15 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam.
Nơi nộp hồ sơ: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.
>> Chi tiết hồ sơ và biểu mẫu xem tại: Đề nghị cấp giấy phép lao động
Bước 2. Cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài
Trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động dự kiến làm việc cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài. Mẫu giấy phép lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội in và phát hành thống nhất.
Nếu không cấp giấy phép lao động thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Lưu ý:
Đối với người lao động nước ngoài làm việc theo hình thức thực hiện hợp đồng lao động, sau khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động thì người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến làm việc cho người sử dụng lao động.
Đồng thời, người sử dụng lao động phải gửi hợp đồng lao động đã ký kết theo yêu cầu tới cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép lao động đó. Hợp đồng lao động là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực.
>> Xem thêm bài viết: Thời hạn của giấy phép lao động có phụ thuộc vào thời hạn của hợp đồng?