Hiện tại, tôi có kinh doanh một số loại hàng hóa đã được giảm thuế còn 8%, tuy nhiên, tôi lỡ xuất hóa đơn 10% thì có bị xử phạt không? – Thị Hạnh (Nghệ An).
>> Trường hợp nào cá nhân, doanh nghiệp không phải nộp hồ sơ khai thuế?
>> Chi phí đi lại của nhân viên đi công tác có được trừ khi tính thuế TNDN?
Bản chất của thuế VAT là phần giá trị tăng thêm của các hàng hóa hoặc dịch vụ phát sinh do bất cứ hành vi nào trong quá trình sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng cho tới khi đến người tiêu dùng cuối cùng. Theo đó, thuế GTGT chỉ quan tâm việc có phát sinh giá trị tăng thêm hay không để trở thành đối tượng chịu thuế GTGT mà không cần quan tâm đến hành vi tác động là gì.
Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về việc xử phạt liên quan đến việc doanh nghiệp thuộc diện được giảm thuế GTGT nhưng vẫn xuất hóa đơn theo mức thuế suất 10%.
Trường hợp, doanh nghiệp kê khai không đúng mức thuế suất thì cán bộ tiếp nhận sẽ trả lại hồ sơ cho doanh nghiệp để tiến hành điều chỉnh cho đúng theo quy định.
Tuy nhiên, chính sách giảm thuế GTGT là chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân. Do đó, Tổng cục Thuế trước đây đã ra Công điện 02/CĐ-TCT ngày 09 tháng 02 năm 2022 yêu cầu giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT năm 2022. Theo đó, trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo tinh thần tại Công điện trên thì trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cụ thể, đối với hành vi cố tình khai sai, khai không đầy đủ thông tin trong hồ sơ thuế (ở đây là cố tình khai sai mức thuế suất thuế GTGT áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ kinh doanh) nhưng không dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 12 Nghị định 125/2020/NĐ-CP như sau:
Điều 12. Xử phạt hành vi khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế không dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc không dẫn đến tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn 1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu trong hồ sơ thuế nhưng không liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế, trừ hành vi quy định tại khoản 2 Điều này. 2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với hành vi khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu trên tờ khai thuế, các phụ lục kèm theo tờ khai thuế nhưng không liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế. 3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế trong hồ sơ thuế; b) Hành vi quy định tại khoản 3 Điều 16; khoản 7 Điều 17 Nghị định này. 4. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc khai lại và nộp bổ sung các tài liệu trong hồ sơ thuế đối với hành vi quy định tại khoản 1, 2 và điểm a khoản 3 Điều này; b) Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau (nếu có) đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này. |
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt đối với tổ chức. Hộ gia đình, hộ kinh doanh có hành vi vi phạm thì sẽ áp dụng mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (căn cứ điểm a khoản 4 Điều 7 và khoản 5 Điều 5 Nghị định 125/2020/NĐ-CP).
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn mới nhất (còn hiệu lực) |
Luật Thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn mới nhất (còn hiệu lực) |
Có bị xử phạt nếu được giảm thuế còn 8% nhưng vẫn xuất hóa đơn 10%? (Ảnh minh họa - Nguồn từ internet)
Theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 44/2023/NĐ-CP thì:
"5. Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng chưa được giảm theo quy định tại Nghị định này thì người bán và người mua xử lý hóa đơn đã lập theo quy định pháp luật về hóa đơn, chứng từ. Căn cứ vào hóa đơn sau khi xử lý, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có)."
Như vậy, khi lỡ xuất nhầm hóa đơn GTGT theo thuế suất 10% cho hàng hóa, dịch vụ thuộc diện được giảm thuế suất còn 8% và đã kê khai thuế theo mức thuế suất 10% cho hàng hóa, dịch vụ này, thì cần thực hiện như sau:
(1) Người bán và người mua xử lý hóa đơn đã lập theo quy định pháp luật về hóa đơn, chứng từ.
(2) Căn cứ vào hóa đơn sau khi xử lý, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).
Tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định giảm thuế GTGT xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.
Trừ các nhóm hàng hoá, dịch vụ sau:
- Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP.
- Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP.
- Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP.
- Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế giá trị gia tăng.
Các tổng công ty, tập đoàn kinh tế thực hiện quy trình khép kín mới bán ra cũng thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng than khai thác bán ra.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và không được giảm thuế giá trị gia tăng.