Người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều công ty thì được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như thế nào? – Minh Tuyền (Hải Dương).
>> Trường hợp nào vẫn được hưởng bảo hiểm y tế sau khi nghỉ việc?
>> Trong thời gian thử việc có được đóng BHXH, BHYT và BHTN không?
Người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, nếu bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, được Quỹ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả các chế độ sau đây:
(i) Các chế độ theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
- Chi phí giám định thương tật, bệnh tật.
- Trợ cấp hằng tháng hoặc một lần.
- Trợ cấp phục vụ.
- Hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.
- Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
- Trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động.
- Đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
(ii) Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp; phục hồi chức năng lao động và huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động quy định tại Chương III Nghị định 88/2020/NĐ-CP.
(Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 88/2020/NĐ-CP).
Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn (có hiệu lực từ ngày 20/6/2023) |
Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với người làm việc nhiều nơi?
(Ảnh minh hoạ - Nguồn từ Internet)
Tiền lương để tính chi trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng hoặc một lần quy định tại đoạn (i) Mục 1 nêu trên được xác định như sau:
- Tiền lương tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trường hợp người lao động bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong tháng đầu trở lại làm việc đóng bảo hiểm sau thời gian đóng gián đoạn do chấm dứt hợp đồng lao động thì bằng tiền lương đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của chính tháng đó.
- Tiền lương tháng cuối cùng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của công việc đã làm mà công việc đó gây ra bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp.
- Trường hợp người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 mà thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp được tính trên cơ sở hệ số tiền lương và phụ cấp (nếu có) nhân với mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng trợ cấp.
- Trường hợp người lao động đồng thời giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì tiền lương tính hưởng trợ cấp bằng tổng các mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của tất cả các hợp đồng lao động tại tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc bị bệnh nghề nghiệp của lần sau cùng nhưng không quá 20 tháng lương cơ sở.
(Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 88/2020/NĐ-CP).
Hồ sơ, điều kiện, thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động được thực hiện như sau:
- Hồ sơ, điều kiện, thủ tục thực hiện chế độ quy định tại đoạn (i) Mục 1 nêu trên thực hiện theo quy định tại Điều 45, Điều 46, Điều 47, Điều 48, Điều 49, Điều 50, Điều 51, Điều 52, Điều 53, Điều 54, Điều 57, Điều 58, Điều 59, Điều 60 và Điều 61 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015;
- Điều kiện, hồ sơ, thủ tục thực hiện việc hỗ trợ quy định tại đoạn (ii) Mục 1 nêu trên thực hiện theo quy định tại Chương III Nghị định 88/2020/NĐ-CP.
(Căn cứ khoản 3 Điều 4 Nghị định 88/2020/NĐ-CP).