Tôi ký hợp đồng thử việc với một công ty, nhưng công ty không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho tôi. Công ty làm vậy có đúng luật? – Lan Anh (Hà Nội).
>> Phải đóng bảo hiểm xã hội bao lâu mới được rút bảo hiểm xã hội một lần?
>> Khi nào doanh nghiệp bảo hiểm được rút ngắn thời hạn bảo hiểm?
Để biết công ty có phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho nhân viên thử việc, cần xem xét quy định về đối tượng tham gia bắt buộc của các loại bảo hiểm này.
Cụ thể tại điểm a, b khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân Việt Nam làm việc tại công ty là: Người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên (kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa công ty với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động ), trừ trường hợp người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (căn cứ khoản 9 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Luật số 46/2014/QH13) quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đối với nhóm do người lao động và công ty đóng, bao gồm:
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức.
- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, khoản 1 và khoản 2 Điều 43 Luật Việc làm 2013 quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc như sau: Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên (trừ trường hợp đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp).
Như vậy, nếu người lao động thuộc các trường hợp nêu bên trên thì sẽ là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc. Lúc này, công ty có trách nhiệm đăng ký tham gia và trích nộp đầy đủ tiền đóng bảo hiểm cho người lao động theo mức nêu cụ thể tại Mục 3 bên dưới.
File Excel tính tiền đóng BHXH với cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ từ 01/7/2023 |
Trong thời gian thử việc có được đóng BHXH, BHYT và BHTN không? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019, công ty và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
Theo đó, trong trường hợp của bạn, bạn thử việc tại công ty thông qua việc giao kết hợp đồng thử việc. Trong khi đó, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp chỉ áp dụng bắt buộc đối với hợp đồng lao động mà không áp dụng bắt buộc đối với hợp đồng thử việc. Cho nên, việc công ty không đóng các loại bảo hiểm trên cho bạn là đúng theo quy định pháp luật.
Xem chi tiết mức trích đóng các loại bảo hiểm TẠI ĐÂY.
Điều 17. Các hành vi bị nghiêm cấm - Luật Bảo hiểm xã hội 2014 1. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. 2. Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. 3. Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. 4. Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. 5. Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng pháp luật. 6. Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động. 7. Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. 8. Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. |