Các khoản thu nhập nào của doanh nghiệp phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp? Câu hỏi của anh Phú (Buôn Ma Thuộc – Đắk Lắk).
>> Thời hạn kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là khi nào?
>> Người bán có phải thông báo cho người mua khi hủy, điều chỉnh hóa đơn không?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Thông tư 78/2014/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 2 Thông tư 96/2015/TT-BTC), các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) bao gồm:
(1) Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;
(2) Thu nhập khác:
- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán;
- Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản;
- Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư; chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư; chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản;
- Thu nhập từ quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bao gồm cả tiền thu về bản quyền dưới mọi hình thức trả cho quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; thu nhập về quyền sở hữu trí tuệ; thu nhập từ chuyển giao công nghệ;
- Thu nhập từ tiền bản quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ;
- Thu nhập từ cho thuê tài sản dưới mọi hình thức;
- Thu nhập từ chuyển nhượng tài sản, thanh lý tài sản (trừ bất động sản), các loại giấy tờ có giá khác;
- Thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn bao gồm cả tiền lãi trả chậm, lãi trả góp, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn;
- Thu nhập từ hoạt động bán ngoại tệ;
- Thu nhập từ chênh lệch tỷ giá;
- Khoản nợ khó đòi đã xóa nay đòi được;
- Khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ;
- Thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót phát hiện ra;
- Khoản thu về tiền phạt, tiền bồi thường do bên đối tác vi phạm hợp đồng hoặc các khoản thưởng do thực hiện tốt cam kết theo hợp đồng phát sinh cao hơn khoản chi tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng (không bao gồm khoản tiền phạt về vi phạm hành chính), sau khi bù trừ, phần chênh lệch còn lại tính vào thu nhập chịu thuế.
- Chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để góp vốn, để điều chuyển tài sản khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp,
- Quà biếu, quà tặng bằng tiền, bằng hiện vật; thu nhập nhận được bằng tiền, bằng hiện vật từ các nguồn tài trợ; thu nhập nhận được từ các khoản hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán, thưởng khuyến mại và các khoản hỗ trợ khác.
- Các khoản tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác doanh nghiệp nhận được từ các tổ chức, cá nhân theo thỏa thuận, hợp đồng phù hợp với pháp luật dân sự do doanh nghiệp bàn giao lại vị trí đất cũ để di dời cơ sở sản xuất kinh doanh sau khi trừ các khoản chi phí liên quan như chi phí di dời (chi phí vận chuyển, lắp đặt), giá trị còn lại của tài sản cố định và các chi phí khác (nếu có).
- Các khoản trích trước vào chi phí nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hết theo kỳ hạn trích lập mà doanh nghiệp không hạch toán điều chỉnh giảm chi phí; khoản hoàn nhập dự phòng bảo hành công trình xây dựng.
- Các khoản thu nhập liên quan đến việc tiêu thụ hàng hóa, cung cấp dịch vụ không tính trong doanh thu như: thưởng giải phóng tàu nhanh, tiền thưởng phục vụ trong ngành ăn uống, khách sạn sau khi đã trừ các khoản chi phí để tạo ra khoản thu nhập đó.
- Thu nhập về tiêu thụ phế liệu, phế phẩm sau khi đã trừ chi phí thu hồi và chi phí tiêu thụ.
- Trường hợp khoản tiền hoàn thuế xuất, nhập khẩu của hàng hóa đã thực xuất khẩu, thực nhập khẩu phát sinh của các năm quyết toán thuế TNDN trước thì tính vào thu nhập chịu thuế của năm quyết toán phát sinh khoản thu nhập.
- Các khoản thu nhập từ các hoạt động góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết kinh tế trong nước được chia từ thu nhập trước khi nộp thuế TNDN.
- Thu nhập nhận được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ở nước ngoài.
- Các khoản thu nhập khác theo quy định của pháp luật.
Xem thêm tại:
Các khoản thu nhập miễn thuế thu nhập doanh nghiệp;
Xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!