Cho tôi hỏi, biển hiệu quảng cáo đặt phía trước công ty có phải tuân thủ theo quy định pháp luật gì không? – Ánh Tuyết (Phú Yên).
>> Việc quảng cáo trong chương trình văn hoá, thể thao, hội nghị 2023 được quy định thế nào?
>> Việc cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo 2023 được quy định thế nào?
Biển hiệu là một trong những phương tiện quảng cáo mà tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể sử dụng để quảng cáo sản phẩm (căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Luật Quảng cáo 2012).
Theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Quảng cáo 2012, biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh sử dụng để quảng cáo phải có những nội dung sau đây:
(1) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có).
(2) Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
(3) Địa chỉ, điện thoại.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 34 và Điều 18 Luật Quảng cáo 2012, chữ viết thể hiện trên biển hiện quảng cáo phải tuân thủ các quy định sau:
- Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau:
+ Nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt.
+ Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.
- Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh 2023 được quy định thế nào? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Kích thước biển hiệu quảng cáo được quy định tại khoản 3 Điều 34 Luật Quảng cáo 2012, cụ thể như sau:
- Đối với biển hiệu quảng cáo ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà.
- Đối với biển hiệu quảng cáo dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
Như vậy, biển hiệu quảng cáo sản phẩm của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh không được vượt quá kích thước tối đa nêu trên.
Căn cứ theo khoản 4 và khoản 5 Điều 34 Luật Quảng cáo 2012, vị trí đặt biển hiệu quảng cáo của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ các quy định sau đây:
- Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
- Việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định của Luật Quảng cáo 2012 và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Ví dụ, tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 17:2018/BXD về Xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời (ban hành kèm theo Thông tư 04/2018/TT-BXD) quy định tại Mục 2.2.3 về vị trí đặt biển hiệu quảng cáo ngoài trời đứng độc lập hoặc gắn/ốp vào công trình xây dựng như sau:
+ Vị trí biển hiệu quảng cáo ngoài trời: treo/gắn/ốp sát cổng hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân.
+ Trường hợp biển hiệu treo ngang cổng hoặc lối vào phải đảm bảo khoảng cách thông thủy từ mép dưới biển xuống điểm cao nhất của mặt lối đi không nhỏ hơn 4,25 m.