Phụ cấp xăng xe của NLĐ có phải đóng thuế TNCN?
Phụ cấp xăng xe của NLĐ có phải đóng thuế TNCN?
Căn cứ khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC) quy định thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công, trong đó có quy định:
Các khoản thu nhập chịu thuế
...
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:
...
đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:
...
đ.4) Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,... cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:
...
Đồng thời, Tổng Cục thuế đã có Công văn 2192/TCT-TNDN năm 2017 hướng dẫn trường hợp doanh nghiệp trả khoản khoán chi xăng xe theo mức cố định hàng tháng cho nhân viên phục vụ cho việc đi lại của cá nhân thì khoản thu nhập này được tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của cá nhân chịu thuế.
Như vậy, từ những căn cứ trên thì phụ cấp xăng xe là khoản chịu thuế TNCN. Do đó, NLĐ khi nhận phụ cấp xăng phải đóng thuế TNCN.
Phụ cấp xăng xe của NLĐ có phải đóng thuế TNCN? (Hình từ Internet)
Phụ cấp xăng xe có được xem là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN?
Theo Công văn 79557/CT-TTHT năm 2018 cũng quy định về khoản phụ cấp tiền xăng xe thì được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng quy định tại Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC và tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.
Cụ thể, khoản phụ cấp xăng xe mà công ty trả cho NLĐ hàng tháng sẽ được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (hay nói cách khác là thực tế công ty có trả phụ cấp xăng xe cho người lao động);
- Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật (trường hợp, công ty cần ghi chi tiết trong bảng lương công ty trả cho người lao động về số tiền trả phụ cấp xăng xe cho người lao động);
- Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt;
Ngoài ra, khoản chi phụ cấp xăng xe cho người lao động được ghi cụ thể điều kiện hưởng, mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau đây: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
Như vậy, chi phí phụ cấp xăng xe cho NLĐ là khoản chi được trừ vào khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng được các điều kiện nêu trên.
Phụ cấp xăng xe có phải đóng bảo hiểm xã hội không?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH quy định về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
...
3. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động quy định tại tiết c2 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH.
...
Theo đó, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi sau đây:
- Các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019;
- Tiền thưởng sáng kiến;
- Tiền ăn giữa ca;
- Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ, đi lại;
- Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, sinh nhật của người lao động, người lao động có người thân kết hôn, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Các khoản trợ cấp, hỗ trợ khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động quy định tại tiết c2 điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH.
Như vậy, phụ cấp xăng xe không thuộc thu nhập tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, NLĐ không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ở mức phụ cấp này.
- Cơ sở kinh doanh nào áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT kể từ ngày 01/07/2025?
- Từ ngày 01/07/2025, nước sinh hoạt chịu mức thuế suất thuế GTGT bao nhiêu?
- Hướng dẫn kiểm tra số điện thoại chính chủ? Đăng ký thuế khi đăng ký doanh nghiệp có phải sử dụng số điện thoại chính chủ không?
- Doanh nghiệp có được đăng ký thuế khi đã bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh không?
- Công ty mẹ phải đáp ứng điều kiện gì để không phải lập Báo cáo tài chính hợp nhất?
- Các dịch vụ y tế không chịu thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 01/07/2025?
- Có bị chấm dứt hành nghề đối với nhân viên đại lý thuế hành nghề 02 đại lý thuế tại một thời điểm không?
- Đối tượng nào được tổ chức cập nhật kiến thức hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế?
- Thuế sử dụng đất có thuộc các khoản thu ngân sách từ đất đai không?
- Nhân viên đại lý thuế bị chấm dứt hành nghề công khai những thông tin nào?