Hoạt động bảo lãnh điện tử mới nhất có hiệu lực từ 01/4/2025?
Hoạt động bảo lãnh điện tử mới nhất có hiệu lực từ 01/4/2025?
Căn cứ điều 19 Thông tư 61/2024/TT-NHNN thay thế Thông tư 11/2022/TT-NHNN và Thông tư 49/2024/TT-NHNN quy định:
Hoạt động bảo lãnh điện tử
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được lựa chọn thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng qua việc sử dụng các phương tiện điện tử (sau đây gọi là hoạt động bảo lãnh điện tử).
Việc thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử phải phù hợp với quy định tại Thông tư này; quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; giao dịch điện tử; bảo vệ dữ liệu cá nhân; an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành ngân hàng và các quy định của pháp luật có liên quan.
2. Khi thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng qua phương tiện điện tử đối với khách hàng lần đầu thiết lập mối quan hệ với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ trường hợp khách hàng gửi đề nghị bằng điện xác thực thông qua hệ thống SWIFT hoặc khách hàng sử dụng chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện như sau:
a) Đối với khách hàng là người cư trú: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
b) Đối với khách hàng là người không cư trú: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng trên cơ sở tự đánh giá mức độ rủi ro để lựa chọn, quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ phù hợp, đảm bảo an toàn và tự chịu rủi ro phát sinh.
3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử áp dụng đối với toàn bộ hoặc từng khâu trong quy trình bảo lãnh, tự chịu rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:
a) Biện pháp, hình thức, công nghệ được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lựa chọn phải tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn, bảo mật theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
b) Áp dụng các hình thức xác nhận giao dịch điện tử phù hợp đối với khách hàng khi thực hiện các giao dịch điện tử trong quá trình thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh điện tử theo quy định của pháp luật liên quan;
c) Lưu trữ, bảo quản đầy đủ, chi tiết đối với các tài liệu, thông tin, dữ liệu nhận biết khách hàng trong quá trình thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh điện tử. Các thông tin, dữ liệu phải được lưu trữ an toàn, bảo mật, được sao lưu dự phòng, đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của dữ liệu để phục vụ cho công tác kiểm tra, đối chiếu, xác minh khách hàng trong quá trình thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh điện tử; giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền. Thời gian lưu trữ, bảo quản thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và pháp luật về giao dịch điện tử;
d) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn, bảo mật của các biện pháp, hình thức, công nghệ và thực hiện nâng cấp, cập nhật kịp thời trong trường hợp có dấu hiệu mất an toàn;
đ) Quy định vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, bộ phận xây dựng, thiết lập và vận hành hệ thống thông tin phục vụ khâu thẩm định và quyết định cấp tín dụng trong nghiệp vụ bảo lãnh điện tử. Trường hợp có rủi ro phát sinh, ngân hàng phải có cơ chế để xác định từng cá nhân, bộ phận chịu trách nhiệm và xử lý kịp thời các vấn đề, rủi ro phát sinh để đảm bảo hiệu quả, an toàn trong quá trình thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh điện tử của ngân hàng.
4. Trường hợp thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng qua phương tiện điện tử thì giá trị của mỗi cam kết bảo lãnh (trường hợp đồng tiền bảo lãnh là ngoại tệ, áp dụng tỷ giá quy đổi theo quy định của bên bảo lãnh tại thời điểm phát hành cam kết bảo lãnh) phát hành cho khách hàng cá nhân không được vượt quá 4.000.000.000 (bốn tỷ) đồng Việt Nam và cho khách hàng tổ chức không được vượt quá 45.000.000.000 (bốn mươi lăm tỷ) đồng Việt Nam, trừ các trường hợp sau:
a) Thông tin nhận biết khách hàng được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được xác thực điện tử thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử;
b) Khách hàng gửi đề nghị cấp bảo lãnh bằng điện xác thực thông qua hệ thống SWIFT;
c) Thông tin khách hàng và nghĩa vụ được bảo lãnh được đối chiếu khớp đúng thông qua Cổng thanh toán điện tử hải quan hoặc hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
d) Khách hàng sử dụng chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật khi đề nghị cấp bảo lãnh hoặc ký thỏa thuận cấp bảo lãnh với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
đ) Khách hàng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
5. Hệ thống thông tin thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử phải tuân thủ theo quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên theo quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, quy định của Ngân hàng Nhà nước về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng.
Như vậy, theo quy định trên, bảo lãnh điện tử quy định cụ thể như sau:
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng có thể lựa chọn thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng thông qua các phương tiện điện tử.
- Tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể thực hiện bảo lãnh ngân hàng qua phương tiện điện tử, đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng, chống rửa tiền, giao dịch điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân và an toàn, bảo mật trong cung cấp dịch vụ trực tuyến.
- Nhận biết và xác minh thông tin khách hàng: Khi khách hàng lần đầu thiết lập mối quan hệ, tổ chức tín dụng cần thực hiện nhận biết và xác minh thông tin khách hàng qua phương tiện điện tử.
Đối với khách hàng là người cư trú, việc này sẽ tuân theo quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán. Đối với khách hàng không cư trú, tổ chức tín dụng sẽ tự đánh giá mức độ rủi ro và quyết định biện pháp phù hợp.
- Tổ chức tín dụng có quyền tự quyết định biện pháp, hình thức và công nghệ thực hiện bảo lãnh điện tử, nhưng phải đảm bảo các yêu cầu tối thiểu về an ninh và bảo mật.
- Giá trị của mỗi cam kết bảo lãnh cho khách hàng cá nhân không được vượt quá 4 tỷ đồng và cho khách hàng tổ chức không vượt quá 45 tỷ đồng, trừ một số trường hợp đặc biệt.
- Hệ thống thông tin thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử phải tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên.
Hoạt động bảo lãnh điện tử mới nhất có hiệu lực từ 01/4/2025? (Hình từ Internet)
Hoạt động bảo lãnh điện tử có phải chịu thuế GTGT không?
Căn cứ theo điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC (được sửa đổi bởi Điều 8 Thông tư 151/2014/TT-BTC và khoản 3 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC như sau:
Đối tượng không chịu thuế GTGT
...
8. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán sau đây:
a) Dịch vụ cấp tín dụng gồm các hình thức:
- Cho vay;
- Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác;
- Bảo lãnh ngân hàng;
- Cho thuê tài chính;
- Phát hành thẻ tín dụng.
Trường hợp tổ chức tín dụng thu các loại phí liên quan đến phát hành thẻ tín dụng thì các khoản phí thu từ khách hàng thuộc quy trình dịch vụ cấp tín dụng (phí phát hành thẻ) theo quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng như phí trả nợ trước hạn, phạt chậm trả nợ, cơ cấu lại nợ, quản lý khoản vay và các khoản phí khác thuộc quy trình cấp tín dụng thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Theo đó, dịch vụ bảo lãnh ngân hàng được liệt kê trong danh sách các dịch vụ tài chính, ngân hàng không chịu thuế GTGT do đó hoạt động bảo lãnh ngân hàng điện tử không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
- Phụ lục 03-4/TNDN thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp ở nước ngoài? Cách điền mẫu Phụ lục 03-4/TNDN?
- Tổng hợp lỗi vi phạm giao thông bị tịch thu phương tiện đối với xe máy 2025? Xe máy có phải nộp phí sử dụng đường bộ?
- Mẫu Đơn đăng ký dạy thêm cho giáo viên từ 14/02/2025? Giáo viên đăng ký dạy thêm theo diện hộ kinh doanh có phải nộp thuế TNCN?
- Lỗi rẽ phải không xi nhan phạt bao nhiêu 2025? Loại xe nào phải nộp phí sử dụng đường bộ?
- Đối tượng nào được tuyển thẳng vào trung học phổ thông năm học 2025 2026? Người dưới 18 tuổi có phải nộp thuế thu nhập cá nhân?
- Xe máy dừng đèn đỏ quá vạch bị phạt bao nhiêu tiền theo Nghị định 168? Có được miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với xe gắn máy?
- Ngày 25 Âm lịch là ngày mấy Dương lịch 2025? Ngày 25 Âm lịch cán bộ, công chức thuế nghỉ tết chưa?
- Trình tự, thủ tục đề nghị cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán như thế nào?
- Lương tối thiểu vùng 2025 Bà Rịa Vũng Tàu là bao nhiêu?
- 1 CCCD đăng ký được bao nhiêu mã số thuế?