Cách tính nghỉ hưu trước tuổi 2025 CBCC theo Nghị định 178 có ví dụ? Trợ cấp hưu trí một lần có phải đóng thuế TNCN?

Cách tính nghỉ hưu trước tuổi 2025 theo Nghị định 178 có ví dụ chi tiết theo Công văn 1307/UBND-KGVX năm 2025 của UBND tỉnh Đồng Nai? Trợ cấp hưu trí một lần có phải đóng thuế?

Cách tính nghỉ hưu trước tuổi 2025 theo Nghị định 178 có ví dụ?

Ngày 12/02/2025, UBND tỉnh Đồng Nai có Công văn 1307/UBND-KGVX năm 2025 về việc thực hiện Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Tải về

Trong đó, tại Mục IV Công văn 1307/UBND-KGVX năm 2025 hướng dẫn về chế độ, chính sách tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP như sau:

(1) Chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi:

Đối tượng đủ điều kiện và được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I hoặc Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP, thì được hưởng ngay lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;

Đồng thời được hưởng trợ cấp hưu trí một lần quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP; trợ cấp theo số năm nghỉ sớm và trợ cấp thêm thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP, cụ thể như sau:

(1.1) Đối với trường hợp có tuổi đời còn từ đủ 02 năm đến đủ 05 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại điểm a và điểm c khoản 02 Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP, được hưởng 03 khoản trợ cấp sau:

* Trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm:

- Đối với người nghỉ hưu trong thời hạn 12 tháng đầu tiên:

Mức trợ cấp hưu trí một lần = Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 3 Mục III Công văn 1307/UBND-KGVX x 1,0 x Số tháng nghỉ sớm tại khoản 4 Mục III Công văn 1307/UBND-KGVX

- Đối với người nghỉ hưu từ tháng 13 trở đi

Mức trợ cấp hưu trí một lần = Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 3 Mục III Công văn 1307/UBND-KGVX x 0,5 x Số tháng nghỉ sớm tại khoản 4 Mục III Công văn 1307/UBND-KGVX

* Trợ cấp cho số năm nghỉ hưu sớm: Cứ mỗi năm nghỉ sớm (đủ 12 tháng) được hưởng 05 tháng lương hiện hưởng

Mức trợ cấp số năm nghỉ sớm = Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 3 Mục III Công văn 1307/UBND-KGVX x 5 x Số năm nghỉ sớm tại khoản 5 Mục III Công văn 1307/UBND-KGVX

* Trợ cấp theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:

Đối với 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 05 tháng tiền lương hiện hưởng; đối với số năm còn lại (từ năm thứ 21 trở đi), mỗi năm được trợ cấp bằng 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.

Mức trợ cấp tính theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc = Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 3 mục III Công văn 1307/UBND-KGVX x 5 (đối với 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) + 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng x (Số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn lại từ năm thứ 21 trở di)

Ví dụ: Trường hợp Giám đốc Sở A có 36 năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thời gian công tác còn lại tính từ lúc nộp đơn xin nghỉ (trong thời gian 12 tháng đầu tiên kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền) do sắp xếp tổ chức bộ máy là 4 năm (48 tháng), đang hưởng mức lương là 18 triệu đồng/tháng, theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ thì được hưởng các chế độ hỗ trợ như sau:

+ Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

+ Mức trợ cấp hưu trí một lần: Tiền lương tháng hiện hưởng x 48 tháng = 18 x 48 = 864 triệu/đồng.

+ Mức trợ cấp cho số năm nghỉ sớm: 5 tháng tiền lương hiện hưởng x 4 năm 5 x 18 x 4 =360 triệu đồng.

+ Mức trợ cấp tính theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc: 5 x 18 triệu + 0,5 x 18 triệu x 16 năm = 234 triệu đồng.

Như vậy tổng mức hỗ trợ mà Giám đốc Sở A được nhận: 864 +360+234 = 1.458 triệu đồng

(1.2) Đối với tường hợp có tuổi đời còn trên 05 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP, được 03 khoản trợ cấp sau:

* Trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm:

- Đối với người nghỉ hưu trong thời hạn 12 tháng đầu tiên:

Mức trợ cấp hưu trí một lần Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 3 mục III Công văn 1307/UBND-KGVX x 0,9 x 60 tháng

- Đối với người nghỉ hưu từ tháng thứ 13 trở đi:

Mức trợ cấp hưu trí một lần Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 3 mục III Công văn 1307/UBND-KGVX x 0,45 x 60 tháng

* Trợ cấp số năm nghỉ sớm: Cứ mỗi năm nghỉ sớm (đủ 12 tháng) được hưởng 04 tháng tiền lương hiện hưởng.

Mức trợ cấp hưu trí một lần = Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 3 mục IIICông văn 1307/UBND-KGVX x 4 x Số năm nghỉ sớm quy định tại khoản 5 mục III Công văn 1307/UBND-KGVX

* Trợ cấp theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:

Đối với 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 05 tháng tiền lương hiện hưởng; đối với số năm còn lại (từ năm thứ 21 trở đi) mỗi năm được trợ cấp bằng 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.

Mức trợ cấp tính theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc = Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 3 mục III Công văn 1307/UBND-KGVX x 5 (đối với 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) + 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng x (Số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn lại từ năm thứ 21 trở đi)

Ví dụ: Phó Giám đốc Sở B có 31 năm công tác đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thời gian công tác còn lại tính từ lúc nộp đơn xin nghỉ (trong thời gian 12 tháng đầu tiên kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền) do sắp xếp tổ chức bộ máy là 8 năm (96 tháng), đang hưởng mức lương là 15 triệu đồng/tháng, theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ thì được hưởng các chế độ hỗ trợ như sau:

+ Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

+ Mức trợ cấp hưu trí một lần: 15 triệu x 0,9 x 60 tháng = 810 triệu đồng.

+ Mức trợ cấp hưu trí một lần cho số năm nghỉ sớm: 15 triệu x 4 x 8 năm = 480 triệu đồng.

+ Mức trợ cấp tính theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc: 15 triệu x 5 + 0,5 x 15 triệu x 11 năm = 157,5 triệu đồng.

Như vậy tổng mức hỗ trợ mà Phó Giám đốc Sở B được nhận: 1.447,5 triệu đồng.

- Trường hợp có tuổi đời còn dưới 02 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại điểm d và điểm d khoản 2 Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP thì được hưởng trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm như cách tính cho người nghỉ hưu trong thời hạn 12 tháng dầu tiên quy định tại điểm a khoản 1.1 mục IV Công văn 1307/UBND-KGVX năm 2025.

Ví dụ: Giám đốc Sở H có 39 năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thời gian công tác còn lại tính từ lúc nộp đơn xin nghỉ (trong thời gian 12 tháng đầu tiên kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền) do sắp xếp tổ chức bộ máy là 01 năm (12 tháng), đang hưởng mức lương là 20,5 triệu đồng/tháng, theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ thì được hưởng các chế độ hỗ trợ sau:

+ Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

+ Mức trợ cấp hưu trí một lần: 20,5 triệu x 1,0 x 12 tháng = 246 triệu đồng.

(2) Chính sách thôi việc đối với cán bộ, công chức và cán bộ, công chức cấp xã

Cán bộ, công chức và cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 1, khoản 2 Mục II Công văn 1307/UBND-KGVX năm 2025 được cơ quan có thẩm quyền cho nghỉ thôi việc thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 178/2024/NĐ-CP; đồng thời được hưởng 03 khoản trợ cấp quy định tại khoản 1 khoản 2 và khoản 4 Điều 9 Nghị định 178/2024/NĐ-CP như sau:

* Trợ cấp thôi việc

- Đối với người nghỉ hưu trong thời hạn 12 tháng đầu tiên:

Mức trợ cấp = Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 3 Mục III Công văn 1307/UBND-KGVX x 0,8 x Thời gian để tính trợ cấp thôi việc tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 178/2024/NĐ-CP

- Đối với người nghỉ hưu từ tháng 13 trở đi:

Mức trợ cấp = Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 3 Mục III Công văn 1307/UBND-KGVX x 0,4 x Thời gian để tính trợ cấp thôi việc tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 178/2024/NĐ-CP

- Trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc:

Mức trợ cấp = Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 3 Mục III Công văn 1307/UBND-KGVX x 1,5 x Số năm công tác có đóng BHXH bắt buộc quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 178/2024/NĐ-CP

- Trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm:

Mức trợ cấp = Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 3 Mục III Công văn 1307/UBND-KGVX x 3

Ví dụ:

* Trường hợp ông Nguyễn Văn D có 7 năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn 20 năm đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, nộp đơn xin thôi việc trong trong thời gian 12 tháng đầu tiên kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền, đang hưởng mức lương là 9 triệu đồng/tháng, theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ thì được hưởng các chế độ hỗ trợ như sau:

+ Được bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc hưởng BHXH một lần theo quy định của pháp luật về BHXH.

+ Trợ cấp thôi việc: 9 triệu x 0,8 x 60 tháng = 432 triệu đồng.

+ Trợ cấp cho thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc: 9 triệu x 1,5 x 5 năm = 67,5 triệu đồng

+ Trợ cấp tìm việc làm: 9 triệu x 3 = 27 triệu đồng.

Như vậy tổng mức hỗ trợ mà ông Nguyễn Văn D nhận được là: 499,5 triệu đồng

* Trường hợp ông Nguyễn Văn E có 04 năm (48 tháng) công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn 25 năm công tác đến tuổi nghỉ hưu, nộp đơn xin thôi việc trong thời gian từ tháng thứ 13 trở đi kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền, đang hưởng mức lương là 8 triệu đồng/tháng, theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ thì được hưởng chế độ hỗ trợ như sau:

+ Được bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc hưởng BHXH một lần theo quy định của pháp luật về BHXH.

+ Trợ cấp thôi việc: 8 triệu đồng x 0,4 x 60 tháng = 192 triệu đồng.

+ Trợ cấp cho thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc: 8 triệu x 1,5 x 4 năm – 48 triệu đồng, + Trợ cấp tìm việc làm: 8 triệu x 3 = 24 triệu đồng.

Như vậy tổng mức hỗ trợ mà ông Nguyễn Văn Ẹ nhận được là: 264 triệu dồng.

(3) Chính sách thôi việc đối với viên chức và người lao động

Viên chức và người lao động quy định tại Mục II Công văn 1307/UBND-KGVX năm 2025 được cơ quan có thẩm quyền cho nghỉ thôi việc thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 178/2024/NĐ-CP; đồng thời được hưởng 03 chính sách quy định tại khoản 1 khoản 2 và khoản 4 Điều 10 Nghị định 178/2024/NĐ-CP như sau:

* Trợ cấp thôi việc:

- Đối với người nghỉ hưu trong thời hạn 12 tháng đầu tiên:

Mức trợ cấp = Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 3 Mục III Công văn 1307/UBND-KGVX x 0,8 x Thời gian để tính trợ cấp thôi việc tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 178/2024/NĐ-CP

- Đối với người nghỉ hưu từ tháng 13 trở đi:

Mức trợ cấp = Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 3 Mục III Công văn 1307/UBND-KGVX x 0,4 x Thời gian để tính trợ cấp thôi việc tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 178/2024/NĐ-CP

- Trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc:

Mức trợ cấp = Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 3 Mục III Công văn 1307/UBND-KGVX x 1,5 x Số năm công tác có đóng BHXH bắt buộc quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 178/2024/NĐ-CP

- Được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng dẫn tại Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBHX hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm 2013 và một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH).

Ví dụ: Ông Nguyễn Văn Y công tác tại Trung tâm K thuộc Sở H có 09 năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn 25 năm công tác tính đến tuổi nghỉ hưu, nộp đơn xin thôi việc trong thời gian 12 tháng đầu tiên kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền, đang hưởng lương là 8,5 triệu đồng/tháng, theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ thì được hưởng các chế độ hỗ trợ như sau:

+ Được bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc hưởng BHXH một lần theo quy định của pháp luật về BHXH.

+ Trợ cấp thôi việc: 8,5 triệu đồng x 0,8 x 60 tháng = 408 triệu đồng.

+ Trợ cấp cho thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc: 8,5 triệu x 1,5 x 5 năm = 63,75 triệu đồng.

+ Được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Cách tính nghỉ hưu trước tuổi 2025 theo Nghị định 178 có ví dụ? Trợ cấp hưu trí một lần có phải đóng thuế TNCN?Cách tính nghỉ hưu trước tuổi 2025 theo Nghị định 178 có ví dụ? Trợ cấp hưu trí một lần có phải đóng thuế TNCN? (Hình từ Internet)

Trợ cấp hưu trí một lần có phải đóng thuế TNCN?

Theo tiết b.6 điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về các khoản thu nhập chịu thuế như sau:

Các khoản thu nhập chịu thuế
...
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:
b.1) Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.
b.2) Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ.
b.3) Phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang.
b.4) Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.
b.5) Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực.
b.6) Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.
...

Như vậy, trợ cấp hưu trí một lần là thu nhập không chịu thuế TNCN nên người nhận trợ cấp hưu trí một lần không phải đóng thuế TNCN.

Nguyễn Bảo Trân
Nghỉ hưu trước tuổi
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Pháp luật
Cách tính nghỉ hưu trước tuổi 2025 CBCC theo Nghị định 178 có ví dụ? Trợ cấp hưu trí một lần có phải đóng thuế TNCN?
Pháp luật
Công văn 1767 hướng dẫn chính sách nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178? Hưởng trợ cấp theo chính sách nghỉ hưu trước tuổi có nộp thuế?
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch