Logo

...loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu...

Doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng với nhiều người lao động do dịch Covid-19 thì phải làm gì?

14:09 25/04/20

Sắp tới công ty tôi sẽ cho nhiều người lao động nghỉ việc vì dịch bệnh khó khăn, công ty chỉ giữ lại một vài người chủ chốt để duy trì hoạt động. Vậy cho hỏi trường hợp này doanh nghiệp phải thực hiện những công việc nào? - Anh Văn Thanh (Sơn La).

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin giải đáp như sau:

Căn cứ Khoản 1 Điều 44 Bộ luật lao động 2012:

"Điều 44. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế

1. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.

Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.
...
3. Việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh."

Theo Khoản 1 Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định thay đổi cơ cấu, công nghệ gồm các trường hợp sau đây:

- Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;

- Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm;

- Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.

Như vậy, trước khi thực hiện việc thay đổi cơ cấu tổ chức thì người sử dụng lao động phải trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh. Nội dung thông báo gồm:

- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động;

- Tổng số lao động; số lao động phải thôi việc;

- Lý do người lao động thôi việc;

- Thời điểm người lao động thôi việc;

- Số tiền phải chi trả trợ cấp mất việc làm.

Ngoài ra, người sử dụng lao động phải xây dựng lại phương án sử dụng lao động theo Điều 46 Bộ Luật lao động 2012, bao gồm các nội dung sau:

- Danh sách và số lượng người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động đưa đi đào tạo lại để tiếp tục sử dụng;

- Danh sách và số lượng người lao động nghỉ hưu;

- Danh sách và số lượng người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian; người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;

- Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.

Về nghĩa vụ đối với người lao động thì người sử dụng lao động phải thực hiện chi trả trợ cấp mất việc làm theo Điều 49 Bộ Luật lao động 2012:

"Điều 49. Trợ cấp mất việc làm

1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm."

Người sử dụng lao động xác định số tiền trợ cấp theo quy định trên và chi trả cho người lao động trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày (Điều 47 Bộ Luật này).

Quang Bình

2,125