"Sông bao nhiêu nước cũng vừa. Trai bao nhiêu vợ cũng chưa bằng lòng" có ý nghĩa gì? Chồng có hành vi ngoại tình sẽ bị xử lý như thế nào? "Sông bao nhiêu nước cũng vừa. Trai bao nhiêu vợ cũng chưa bằng lòng" có ý nghĩa gì? Về nghĩa đen: "Sông bao nhiêu nước cũng vừa": Sông dù có nhiều nước đến đâu cũng có thể chứa được. "Trai bao nhiêu vợ cũng chưa bằng lòng": Đàn ông dù có bao nhiêu vợ cũng chưa cảm thấy đủ. Về nghĩa bóng: Câu tục ngữ "Sông bao nhiêu nước cũng vừa. Trai bao nhiêu vợ cũng chưa bằng lòng" ám chỉ tính tham lam và không biết đủ của một số đàn ông trong chuyện tình cảm. Nó so sánh sự vô hạn của lòng sông với lòng tham vô đáy của những người đàn ông như vậy. Câu tục ngữ này phản ánh một khía cạnh trong văn hóa truyền thống Việt Nam, khi chế độ đa thê còn tồn tại. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, nó chủ yếu được sử dụng như một lời châm biếm, cảnh tỉnh về tác hại của lòng tham và sự thiếu chung thủy, phổ biến là hành vi ngoại tình của người chồng. Tại sao ngoại tình gọi là cắm sừng? Chồng có hành vi ngoại tình sẽ bị xử lý như thế nào? Chúng ta thường gọi hành động ngoại tình là “cắm sừng”, và người bị ngoại tình được xem như “mọc sừng”. Thực tế, không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới đều dùng “bị cắm sừng” để nói người có chồng hay vợ phản bội. Đa số ý kiến đều đồng thuận rằng cụm từ này bắt nguồn từ câu chuyện của hoàng đế Andromic I Comin xứ Vizantin, nắm quyền trong một thời gian ngắn từ năm 1183 - 1185. Chỉ trong 2 năm trị vì, Andromic đã cai trị dân chúng bằng những biện pháp tàn khốc, trả thù một cách man rợ những người chống đối cũ và rất có biệt tài chinh phục phụ nữ một cách dâm loạn. Nhà vua tống chồng các cô nhân tình vào ngục để dễ bề thỏa chí dục vọng, còn trước cửa nhà họ, cho đặt đầu hươu nai, hoặc thủ cấp động vật có sừng khác mà ông kiếm được trong những dịp đi săn như để đánh dấu “Ta đã ghé thăm nhà này”. Từ đó những người đàn ông có vợ ngoại tình được gọi là “bị mọc sừng”, sau cụm này dùng chung cho cả hai giới tính. Ngoại tình là hành vi mà một người tham gia vào một mối quan hệ tình cảm hoặc tình dục với người khác mà người đó đã kết hôn hoặc một người đã kết hôn mà lại có mối quan hệ tình cảm hoặc tình dục với một người khác. Hành vi ngoại tình là hành vi vi phạm pháp luật và trái đạo đức xã hội, thuần phong mĩ tục dân tộc Việt Nam. Việc ngoại tình làm ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân hiện tại, vi phạm chuẩn mực về văn hóa con người và xâm phạm đến chế độ hôn nhân và gia đình mà luật pháp bảo vệ. Hành vi ngoại tình tùy theo mức độ mà có thể xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. + Xử lý hành chính Căn cứ khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP có quy định như sau: (1) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: - Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; - Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; - Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; - Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; - Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn. Theo đó, có thể thấy hành vi ngoại tình với người đã có gia đình hoặc đã có gia đình mà ngoại tình với người khác, nếu bị phát hiện có thể bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. + Trách nhiệm hình sự Căn cứ theo Điều 182 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. (1) Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: - Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; - Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. (2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: - Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; - Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó. Như vậy, người có hành vi ngoại tình thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất lên đến 03 năm tù. Như vậy, nếu người chồng có hành vi ngoại tình có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 03 đến 05 triệu đồng, trường hợp nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt đến 03 năm tù. Tóm lại, câu tục ngữ "Sông bao nhiêu nước cũng vừa. Trai bao nhiêu vợ cũng chưa bằng lòng" phê phán thói trăng hoa, tham lam trong tình cảm của một số đàn ông đã có vợ, có hành vi ngoại tình làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Bên cạnh đó, gián tiếp khuyên người ta nên biết đủ và chung thủy trong tình yêu, hôn nhân bởi: Vợ chồng là nghĩa cả đời Ai ơi nhớ nghĩ những lời thiệt hơn.
"Cá không ăn muối cá ươn, Con cãi cha mẹ trăm đường con hư" là gì?
Trong các mối quan hệ gia đình, mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái là thiêng liêng và quan trọng nhất. Vì vậy, trong dân gian mới có câu: "Cá không ăn muối cá ươn, Con cãi cha mẹ trăm đường con hư". Vậy "Cá không ăn muối cá ươn, Con cãi cha mẹ trăm đường con hư" là gì? "Cá không ăn muối cá ươn, Con cãi cha mẹ trăm đường con hư" là gì? Về mặt nghĩa đen: + “Cá ăn muối” có nghĩa là cá được ướp muối để bảo quản và giữ cho thịt cá tươi ngon. Ngược lại, nếu cá không được ướp muối thì sẽ trở thành cá ươn, tức là cá đã hỏng và có mùi khó chịu. + “Con cãi cha mẹ” chỉ những hành động hoặc lời nói trái ngược với sự dạy dỗ của cha mẹ. Điều này dẫn đến việc con cái trở thành “con hư”, tức là không kính trọng cha mẹ và vi phạm những chuẩn mực đạo đức. Về mặt nghĩa bóng: + Câu tục ngữ này nhấn mạnh sự quan trọng của việc nghe lời cha mẹ và biết kính trọng họ, phải sống hiếu thảo với cha mẹ. + Trong cuộc sống, những lời dạy của cha mẹ nhằm giúp con cái trưởng thành. Vì vậy, chúng ta cần tôn trọng và lắng nghe cha mẹ. Nếu cần thuyết phục, phải làm khéo léo, tránh cãi lại hay mắng chửi cha mẹ. Đây là hành vi bất hiếu và cần được phê phán. Vì vậy, câu “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” chứa đựng lời khuyên quý giá, nhắc nhở mỗi người cần phải biết nghe lời cha mẹ. Hãy sống sao cho trọn đạo làm con, nhấn mạnh đức hiếu kính cha mẹ. Con cái bỏ mặc không chăm sóc cha mẹ già yếu bị xử phạt hành chính thế nào? Hiện nay, pháp luật cũng đã đề cấp đền hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình sẽ bị xử phạt hành chính nhằm răn dạy, giáo dục con cái sống phải biến yêu thương, kính trọng gia đình, cha mẹ, sống trọn đạo làm con. Căn cứ theo Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình như sau: (1) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: - Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; - Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ. (2) Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại (1) Như vậy, trường hợp con cái bỏ mặc không chăm sóc cha mẹ già yếu thì bị xử lý hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra còn buộc xin lỗi công khai khi cha mẹ có yêu cầu. Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con thế nào? Căn cứ theo Điều 72 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con như sau: - Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập. Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con. - Cha mẹ hướng dẫn con chọn nghề; tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của con. - Cha mẹ có thể đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện việc giáo dục con khi gặp khó khăn không thể tự giải quyết được. Như vậy, câu “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” chứa đựng lời khuyên quý giá, nhắc nhở mỗi người cần phải biết nghe lời cha mẹ. Hãy sống sao cho trọn đạo làm con, nhấn mạnh đức hiếu kính cha mẹ.
"Trăm nghe không bằng một thấy" là gì? Tung tin đồn thất thiệt bị xử phạt hành chính ra sao?
Tục ngữ Việt Nam là giá trị văn hóa dân gian được truyền lại qua nhiều thế hệ. Mỗi câu tục ngữ mang một ý nghĩa, một tinh thần khác nhau và nói về một vấn đề nào đó trong xã hội. Vậy câu tục ngữ "Trăm nghe không bằng một thấy" có nghĩa là gì và nó mang lại bài học gì trong cuộc sống? 1. "Trăm nghe không bằng một thấy" nghĩa là gì? Câu tục ngữ "Trăm nghe không bằng một thấy" có ý muốn nhắc nhở mỗi con người cần sống chậm, lắng nghe quan sát nhiều hơn trước mọi sự vật, mọi câu chuyện trong cuộc sống thay vì nghe thông tin từ một người nào đó mà không xác định được độ tin cậy, chính xác của thông tin đó. - "Trăm nghe" có thể hiểu là: Trong quá trình truyền tai nhau về câu chuyện nào đó, sự thật của mỗi câu chuyện đều được thêm ý khác thành nhiều dị bản khác nhau. Chính vì vậy mà đôi khi câu chuyện mỗi người nghe được hoàn toàn trái ngược với sự thật thực tế diễn ra. Người nghe thường dễ tin tưởng vào những gì họ nghe được hoặc nghe kể đồn thổi từ một nguồn thông tin không xác thực, cho dù họ không chứng kiến sự việc hay biết về nhân vật, sự việc được nói đến nhưng vẫn kể những câu chuyện sai sự thật đó cho những người khác. Từ đó dẫn đến hiểu nhầm không mong muốn và nhiều khi còn gánh thiệt vào chính bản thân. - “Một thấy” là từ ám chỉ mỗi người nên chứng kiến sự việc diễn ra hoặc đã tìm hiểu xác minh thật kỹ càng trước khi tin hoặc trước khi nói. Việc tận mắt theo dõi, tìm hiểu sẽ có giá trị hơn rất nhiều so với việc nghe đồn từ người khác. Chính vì vậy, "Trăm nghe không bằng một thấy" là câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta không nên chỉ nghe những lời đồn thổi mà vội vàng tin và kết luận một vấn đề nào đó. Để chắc chắn bất cứ sự việc, câu chuyện nào, chúng ta đều nên trực tiếp quan sát kĩ càng, có sự suy xét trước khi kết luận. 2. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mỗi công dân được quy định như thế nào? Lời đồn thổi đôi khi sẽ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Theo đó, về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mỗi công dân được quy định cụ thể tại Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: - Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. - Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. - Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ. - Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng. - Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. 3. Người tung tin đồn thất thiệt bị xử phạt hành chính ra sao? Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì người tung tin đồn thất thiệt về người khác nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Đồng thời, người tung tin đồn thất thiệt buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn và buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm, trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu (theo khoản 14 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP). Trong trường hợp người tung tin đồn thất thiệt có lời nói đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng và buộc xin lỗi công khai (theo điểm b khoản 2, khoản 4 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP). Trường hợp người tung tin đồn thất thiệt nhằm lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu (Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP). Kết luận: Câu tục ngữ "Trăm nghe không bằng một thấy" nhằm nhắc nhở mỗi chúng ta nên tự xác thực, tự chứng kiến sự việc xảy ra chứ không nên tin theo nhưng lời đồn thổi thất thiệt. Chúng ta đều hiểu rõ giao tiếp chính là chìa khóa kết nối những mối quan hệ. Các mối quan hệ được xây dựng trên sự tin tưởng và sự thật sẽ luôn bền vững. Nếu chúng ta bỏ qua những điều đó mà lựa chọn tin và lời bịa đặt hay những câu chuyện chưa rõ đúng sai thì rất khó để chúng ta giao tiếp, tạo dựng mối quan hệ với mọi người. Do đó, việc tận mắt theo dõi, tìm hiểu sẽ có giá trị hơn rất nhiều so với việc nghe đồn từ người khác. Đồng thời, khi không xác thực độ chính xác của thông tin mình nghe được mà đi đồn thổi thông tin đó cho người khác nhiều khi sẽ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó. Bởi vì pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mỗi công dân nên khi có hành vi vi phạm liên quan đến vấn đề này thì chắc chắn sẽ bị xử phạt.
Thông thầu: Khi nào bị phạt hành chính, khi nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Thông thầu là một trong những hành vi bị cấm theo Luật Đấu thầu nhằm đảm bảo tính minh bạch cho hoạt động đấu thầu. Quy định pháp luật hiện nay thì hành vi thông thầu này sẽ bị xử lý như thế nào? Xử phạt hành chính hay xử lý hình sự? Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thông thầu như thế nào? Theo khoản 3 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 thì những hành vi sau đây được gọi là thông thầu: - Dàn xếp, thỏa thuận, ép buộc để một hoặc các bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu hoặc rút hồ sơ dự thầu để một bên trúng thầu; - Dàn xếp, thỏa thuận để từ chối cung cấp hàng hóa, dịch vụ, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc thực hiện các hình thức thỏa thuận khác nhằm hạn chế cạnh tranh để một bên trúng thầu; - Nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu. Hành vi thông thầu là hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu (Điều 16. Các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu). Theo khoản 2 Điều 37 Nghị định 122/2021/NĐ-CP có quy định hành vi thông thầu sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng mà không phải là tội phạm theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015. Lưu ý, theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP thì mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với tổ chức vi phạm, nếu cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 so với mức phạt tiền này. Truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi thông thầu trong trường hợp nào? Theo điểm b khoản 1 Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015, được bổ sung bởi điểm k khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, cụ thể: “1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: … b) Thông thầu; … 2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. 3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. …” Như vậy, theo như quy định thì người nào thực hiện một trong những hành vi thông thầu như đã nêu ở trên mà gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Hình phạt cao nhất đối với người phạm tội là 20 năm tù trong trường hợp gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Tóm lại, nếu như không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi thông thầu như vừa phân tích ở trên thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng (đối với tổ chức vi phạm) hoặc từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng (đối với cá nhân vi phạm) tùy từng trường hợp cụ thể.
Cần xác minh tình tiết trước khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không?
Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Như vậy quyết định xử phạt hành chính do cá nhân ban hành, vì vậy việc xác minh tình tiết có vai trò quan trọng nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành hình phạt. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính và phải tuân theo nguyên tắc sau: - Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật; - Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật; - Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng; - Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. - Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. - Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó. - Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng; - Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính; - Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Cần xác minh tình tiết trước khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không? Căn cứ tại Điều 59 Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012 quy định khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết sau đây: - Có hay không có vi phạm hành chính; - Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm hành chính; - Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; - Tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra; - Trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm: + Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết; + Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng; + Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ; + Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng; + Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính; + Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính; + Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; + Cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt; + Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm. - Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt. Trong quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định. Lưu ý: Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính phải được thể hiện bằng văn bản. Như vậy, không phải trong mọi trường hợp cần phải xác minh tình tiết trước khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chỉ trong các trường hợp cần thiết thì người có thẩm quyền xử phạt mới xác minh các tình tiết trên để ra quyết định xử phạt.
Người dưới 14 tuổi có bị xử phạt hành chính không?
Người dưới 14 tuổi là đối tượng được pháp luật bảo vệ đặc biệt. Vậy, nếu một người dưới 14 tuổi vi phạm hành chính thì có phải chịu trách nhiệm pháp lý và bị xử phạt hành chính không? (1) Xử phạt hành chính là gì? Theo khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định, vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Như vậy, có thể hiểu xử phạt hành chính là một biện pháp xử lý khi một người có hành vi vi phạm những điều pháp luật nghiêm cấm mà chưa phải là tội phạm và theo pháp luật hình sự. Việc xử phạt vi phạm hành chính nhằm đảm bảo trật tự, kỷ cương trong xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân và tổ chức, đồng thời khuyến khích việc tuân thủ pháp luật. (2) Người dưới 14 tuổi có bị xử phạt hành chính không? Theo Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, đối tượng bị xử phạt hành chính bao gồm: - Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính. - Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý; - Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra; - Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác. Như vậy, đối tượng bị xử phạt hành chính có thể là cá nhân, tổ chức. Trong đó, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính phải là người từ đủ 14 tuổi trở lên, cụ thể: - Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý. - Người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính. Do đó, người chưa đủ 14 tuổi thì không thuộc đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính. (3) Người dưới 14 tuổi vi phạm pháp luật thì xử lý thế nào? Theo quy định tại khoản 1 Điều 90 và khoản 1 Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung 2020), người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi mà thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 thì sẽ áp dụng biện pháp xử lý hành chính tương ứng như sau: - Nếu thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý thì áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. - Nếu thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015: - Tội phạm rất nghiêm trọng: là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù. - Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Như vậy, người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi mà phạm các tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng theo Bộ luật Hình sự 2015 thì sẽ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như giáo dục tại xã, phường hoặc đưa vào trường giáo dưỡng. Việc áp dụng các biện pháp này nhằm bảo đảm giáo dục và cải tạo cho trẻ em, đồng thời ngăn chặn tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật.
Chi nhánh của công ty có hoạt động đánh bạc thì bị xử phạt như thế nào?
Chi nhánh của công ty có hoạt động đánh bạc thì bị xử phạt như thế nào? Trong Quyết định xử phạt hành chính sẽ xử phạt chi nhánh hay xử phạt công ty? Chi nhánh của công ty có hoạt động đánh bạc thì bị xử phạt như thế nào? Căn cứ Khoản 3 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định: Chủ sở hữu, người quản lý máy trò chơi điện tử, chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử hoặc các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác thiếu trách nhiệm để xảy ra hoạt động đánh bạc ở cơ sở do mình quản lý sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Do đó, đối với công ty có chi nhánh vi phạm quy định trên thì sẽ bị phạt từ từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời, còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng. Chi nhánh của công ty để xảy ra hoạt động đánh bạc thì xử phạt chi nhánh hay công ty? Theo Điều 3 Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính như sau: - Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau đây: + Là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật; + Hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và hành vi đó được quy định tại nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. - Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. - Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của pháp nhân, tổ chức hoặc theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là pháp nhân, tổ chức đó và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức đó thực hiện. - Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện. => Theo quy định trên thì tùy vào việc chi nhánh thực hiện hành vi vi phạm có phải do thực hiện theo ủy quyền, chỉ đạo hay sự phân công, chấp nhận của công ty hay không. Nếu có thì sẽ xử phạt đối với công ty, nếu việc thực hiện vi phạm này không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của công ty thì sẽ xử phạt chi nhánh. Hi vọng thông tin trên hữu ích đối với bạn!
Hạt nhài là gì? Chê người khác hạt nhài có phải bồi thường?
Gần đây, dân cư mạng thường gọi nhau bằng thuật ngữ "hạt nhài", chắc hẳn biệt danh anh A hạt nhài hay chị B hạt nhài đang ngày càng được nhiều người sử dụng để gọi nhau như một biệt danh thân mật. Vậy, hạt nhài là gì? Chê người khác hạt nhài có phải bồi thường không? Hạt nhài là gì? Hạt nhài trong ngôn ngữ Gen Z là một cách chơi chữ để chỉ những câu chuyện hoặc tình huống hài hước nhưng không quá đặc sắc, kiểu "hài nhạt". Đây là một ví dụ về cách Gen Z sáng tạo và linh hoạt trong việc sử dụng ngôn ngữ để tạo ra những thuật ngữ mới và thú vị. Cách chơi chữ này thường được sử dụng trong các cuộc trò chuyện hàng ngày hoặc trên mạng xã hội để mô tả những tình huống mà mọi người cảm thấy không quá ấn tượng hoặc không gây cười nhiều như mong đợi. Ví dụ, nếu ai đó kể một câu chuyện cười mà không làm bạn cười, bạn có thể nói: "Câu chuyện đó đúng là hạt nhài." Trend "hạt nhài" trở nên phổ biến trong thời gian gần đây bắt nguồn từ nhân vật "Long Hạt Nhài" hay kênh YouTube "Hạt Nhài Family" một hiện tượng mạng nổi tiếng với những video hài hước và đời thường, thu hút hàng triệu lượt xem với các video về cuộc sống gia đình, du lịch, và nhiều nội dung giải trí khác. Mặc dù các video này không có quá nhiều "mảng, miếng" hài hước nhưng vẫn khiến người xem bật cười vì những điều khác biệt trong ngôn từ sử dụng, một chút “ngờ nghệch” cuốn hút từ nhân vật này và khiến người xem thích thú. Những video này thường mang lại tiếng cười nhẹ nhàng và sự gần gũi, khiến nhiều người yêu thích và theo dõi. Chê người khác hạt nhài có phải bồi thường không? Việc chê người khác hạt nhài là đùa, giỡn và không có ý định xúc phạm hay làm tổn thương người khác, thì thường sẽ không có vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, đôi khi những lời nói đùa có thể bị hiểu lầm và gây ra những cảm xúc không mong muốn, điều này có thể làm tổn thương cảm xúc của người bị chê và gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là việc chê một cách công khai hoặc trên mạng xã hội. Tại khoản 1 Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Nếu chê người khác hài nhạt và khiến họ bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 592 của Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, khoản 2 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác chịu trách nhiệm bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Những chi phí bồi thường thiệt hại do danh dự và nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm gồm: + Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại + Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút + Thiệt hại khác theo quy định. Mức bồi thường là do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Căn cứ tại Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định tăng lương cơ sở lên 2.340.000 đồng/tháng từ 1/7/2024 (mức cũ là 1.800.000 đồng) Do đó, hiện nay mức lương cơ sở là 2,340 triệu đồng/tháng. Vậy, người chê người khác hạt nhài có thể phải bồi thường tối đa là 23.400.000 triệu đồng. Ngoài ra, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện cung cấp, chia sẻ thông tin xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, đồng thời buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm này. Do đó, tùy tính chất và mức độ nghiêm trọng mà việc chê người khác là hạt nhài trên mạng xã hội gây xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm thì có thể bị phạt hành chính lên đến 20.000.000 đồng. Như vậy, hạt nhài là một thuật ngữ thú vị trong ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay, thường được dùng để chỉ những câu chuyện hoặc tình huống hài hước nhưng không quá đặc sắc, kiểu "hài nhạt". Tuy nhiên, tùy vào tính chất, mức độ khác nhau mà việc chê người khác hài nhạt và khiến họ bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm có thể phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
"Năm thê bảy thiếp" là gì? Kết hôn với người đang có vợ bị xử phạt ra sao?
Người xưa thường có câu "Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng". Vậy "Năm thê bảy thiếp" là gì? Tại sao lại có câu nói này? Hành vi kết hôn với người đang có vợ sẽ bị xử phạt như thế nào? “Năm thê bảy thiếp" là gì? "Năm thê bảy thiếp" nhằm ám chỉ việc một người đàn ông cưới nhiều vợ. Những người phụ nữ khi được gả vào gia đình mà người chồng có thêm nhiều vợ thì sẽ phải chịu cảnh chia sẻ chồng chung với những người phụ nữ khác. Vì sao đàn ông thời xưa thường "Năm thê bảy thiếp"? Thời xa xưa, trong hôn nhân, nữ giới không có quyền chủ động trừ khi họ là thiên kim tiểu thư. Nếu đã gả vào nhà ai thì họ phải chịu cảnh đó cho dù người đàn ông không ra gì cũng không được phép ly hôn. Thậm chí, họ còn phải chịu cảnh "chia" chồng với nhiều phụ nữ khác. Một trong những lý do dẫn đến việc người đàn ông thời xưa thường có năm thế bảy thiếp có thể kể đến: - Thời cổ đại, kinh tế kém phát triển, mọi xung đột đều được giải quyết bằng chiến tranh. Mỗi khi xã hội rối loạn, thì số lượng người chết không ít. Nhưng bất kể là loạn gì, phụ nữ bao giờ cũng được giữ lại. Chính vì thế, sau mỗi lần chiến loạn, tỷ lệ phụ nữ lại nhiều hơn nam giới, để cân bằng nên hai gái lấy chung một chồng là chuyện thường thấy. - Do sự xâm nhập của văn hóa của một số dân tộc thiểu số, thêm việc cứ vài trăm năm lại thay đổi triều đại và có sự ra đời một triều đại mới. Đây chính là một nguyên nhân quan trọng nhất. - Do trình độ y học còn kém, tỉ lệ sinh không cao, tỷ lệ trẻ sơ sinh chết yểu cũng cao, cộng thêm tuổi thọ của người cổ đại cũng ngắn. Giai cấp thống trị đương thời muốn gia tăng dân số để có thêm tô thuế, có thêm binh lính để bảo vệ thiên hạ của mình nên cổ vũ việc sinh nhiều. Với tư tưởng "đông con nhiều phúc" tỉ lệ sinh tăng mạnh, nam ít hơn nữ nên việc phụ nữ phải tự nguyện chung chồng là bình thường. - Đàn ông vốn tính háo sắc, tục ngữ có câu: "Vợ không bằng thiếp, thiếp không bằng lén lút vụng trộm", trong xã hội nặng tư tưởng nam quyền thì một người đàn ông có quá nhiều quyền hành trong tay việc cho mình thêm quyền có nhiều vợ cũng là điều dễ hiểu. Do đó, đàn ông ngày xưa thường "Năm thê bảy thiếp" là vậy. Kết hôn với người đang có vợ bị xử phạt ra sao? Người đàn ông ngày xưa có "Năm thê bảy thiếp" là chuyện thường tình và không bị lên án trong xã hội bấy giờ. Nhưng hiện nay, việc kết hôn với người mà khi biết rõ họ đã có vợ được xem là hành vi phạm pháp và sẽ bị xử lý hành chính theo quy định. (i) Kết hôn với người đang có vợ là hành vi vi phạm pháp luật Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình 2014, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình bao gồm: - Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo. - Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn. - Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. … Như vậy, việc người đang có vợ nhưng kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác là hành vi bị nghiêm cấm vi phạm về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình. Do đó, hành vi kết hôn với người đang có vợ là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định. (ii) Mức xử phạt đối với hành vi kết hôn với người đang có vợ Căn cứ khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về kết hôn sau đây: - Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ. - Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác. - Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ. - Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng. - Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn. Như vậy, hành vi kết hôn với người đang có vợ sẽ xử phạt hành chính với mức phạt tiền thấp nhất là 3 triệu đồng và cao nhất là 5 triệu đồng. Ai là người có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi kết hôn với người đang có vợ? Căn cứ khoản 2 Điều 83 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền: - Phạt cảnh cáo. - Phạt tiền đến 15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình. - Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định. - Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, e và i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012; các điểm a, b, đ, l, m và n khoản 3 Điều 3 Nghị định 82/2020/NĐ-CP. Như vậy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện là người có thẩm quyền xử phạt đối hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đã có vợ. Tóm lại, câu nói “Năm thê nảy thiếp” nhằm phản ánh thực trạng xã hội xưa, người đàn ông được cưới nhiều vợ, người phụ nữ thường chịu bất công phải chia sẻ chồng với những người phụ nữ khác. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, việc kết hôn với người đang có vợ là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định.
Ký hợp đồng dịch vụ vệ sinh có đóng bảo hiểm xã hội cho người cung ứng dịch vụ?
Ký hợp đồng dịch vụ vệ sinh có đóng bảo hiểm xã hội cho người cung ứng dịch vụ? Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội? Công ty trốn đóng bảo hiểm xã hội có bị xử phạt hành chính? 1. Ký hợp đồng dịch vụ vệ sinh có đóng bảo hiểm xã hội cho người cung ứng dịch vụ? Căn cứ Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội gồm: (i) Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc: - Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động. - Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng. - Cán bộ, công chức, viên chức. - Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu. - Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân. - Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí. - Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. - Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương. - Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. (ii) Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ. (iii) Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Như vậy, nếu doanh nghiệp ký hợp đồng dịch vụ vệ sinh lao động thì không phải đóng bảo hiểm xã hội cho người cung ứng dịch vụ. 2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội? Căn cứ Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: - Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. - Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. - Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. - Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. - Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng pháp luật. - Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động. - Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. - Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội thực hiện hành vi bị nghiêm cấm thì sẽ bị xử lý theo các quy định liên quan. 3. Công ty trốn đóng bảo hiểm xã hội có bị xử phạt hành chính? Căn cứ a khoản 7, khoản 10 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Theo đó, công ty trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể bị phạt tiền từ 50 - 75 triệu đồng. Đồng thời công ty còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể: - Bị buộc phải đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội. - Bị buộc nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian trốn đóng. Lưu ý: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP mức xử lý hành chính này là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với công ty (tổ chức) mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần. Như vậy, trường hợp công ty trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị xử phạt hành chính. Ngoài ra có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, khi công ty ký hợp đồng dịch vụ vệ sinh thì không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người cung ứng dịch vụ theo quy định.
Đề xuất quy định xử phạt hành chính về định danh điện tử
Bộ Công an đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Việc đề xuất quy định xử phạt hành chính về định danh điện tử là một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, việc định danh điện tử đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong việc xác thực, bảo mật thông tin và quản lý công dân. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những rủi ro về an ninh mạng và gian lận trong quá trình thực hiện cấp và sử dụng định danh điện tử. Vì vậy, việc đề xuất quy định xử phạt hành chính về định danh điện tử là cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi công dân và góp phần công tác quản lý phòng chống tội phạm được hiệu quả. (1) Ai được cấp định danh điện tử? Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 69/2024/NĐ-CP quy định về phân loại, đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử như sau: Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được cấp tài khoản định danh điện tử như sau: - Đối với công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã được cấp thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước còn hiệu lực được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02. + Công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi đã được cấp thẻ căn cước được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02 khi có nhu cầu. Công dân Việt Nam dưới 6 tuổi đã được cấp thẻ căn cước được cấp tài khoản định danh mức độ 01 khi có nhu cầu. - Đối với người nước ngoài từ đủ 06 tuổi trở lên đã được cấp thẻ thường trú, thẻ tạm trú tại Việt Nam được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02 khi có nhu cầu. Người nước ngoài dưới 06 tuổi được cấp thẻ thường trú, thẻ tạm trú tại Việt Nam được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01 khi có nhu cầu. - Đối với cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam được cấp tài khoản định danh điện tử không phân biệt theo mức độ. Như vậy, đối với công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02. Công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi đã được cấp thẻ căn cước được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02 khi có nhu cầu. Bài được viết theo dự thảo lần 03:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/04/du-thao-nd-sua-144.doc (2) Đề xuất quy định xử phạt hành chính về định danh điện tử Hiện nay, có một số trường hợp đã sử dụng thông tin không đúng sự thật, sử dụng tài khoản điện tử giả trong quá trình cấp và sử dụng định danh điện tử. Thế nhưng, pháp luật hiện hành lại không có quy định xử phạt về vấn đề này. Chính vì vậy, Bộ Công an đã dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Trong đó bổ sung thêm các hành vi vi phạm và mức phạt cụ thể. Theo khoản 17 Điều 1, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung Điều 22a vào sau Điều 22 Nghị định 144/2021/NĐ-CP đối với việc xử phạt về hành vi vi phạm quy định về cấp định danh và xác thực điện tử; sử dụng ứng dụng định danh và xác thực điện tử như sau: - Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 - 500 nghìn đồng đối với một trong những hành vi sau đây: + Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp tài khoản định danh điện tử. + Không thực hiện đúng quy định về việc xác thực điện tử. - Phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: + Chiếm đoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử của cá nhân. + Cung cấp thông tin về danh tính điện tử giả để được định danh cá nhân. - Phạt tiền từ 02 - 04 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: + Làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả để được cấp tài khoản định danh điện tử. + Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp tài khoản định danh điện tử. + Cung cấp thông tin về danh tính điện tử giả để được định danh tổ chức. - Phạt tiền từ 04 - 06 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: + Làm giả tài khoản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. + Sử dụng tài khoản định danh điện tử giả. + Chiếm đoạt tài khoản định danh điện tử của tổ chức. + Mua, bán, thuê, cho thuê tài khoản định danh điện tử. + Mượn, cho mượn tài khoản định danh điện tử để người khác thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật. - Phạt tiền từ 06 - 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: + Sử dụng tài khoản định danh điện tử vào hoạt động, giao dịch trái quy định của pháp luật; xâm phạm đến an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. + Tạo lập ứng dụng định danh và xác thực điện tử giả; tổ chức làm giả tài khoản định danh và xác thực điện tử. + Can thiệp trái phép vào việc sử dụng ứng dụng định danh và xác thực điện tử của cá nhân, tổ chức. + Cản trở việc thực hiện phương thức xác thực điện tử trong thực hiện giao dịch thông qua hệ thống định danh và xác thực điện tử. Như vậy, Bộ Công đã đề xuất dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 144/2021/NĐ-CP, trong đó có hai hình thức là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi vi phạm. Mức phạt tiền cao nhất là 10 triệu đồng khi công dân vi phạm một trong bốn hành vi được dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 22a. Tóm lại, dự thảo đã đề xuất hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với các hành vi vi phạm cấp định danh và xác thực điện tử; sử dụng ứng dụng định danh và xác thực điện tử. Tùy vào từng hành vi, tính chất, mức độ mà mức xử phạt sẽ khác nhau. Bài được viết theo dự thảo lần 03:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/04/du-thao-nd-sua-144.doc
Đề xuất mức phạt mới khi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng
Bộ Công Thương dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Trong đó, đề xuất mức phạt mới khi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trở thành điểm đáng chú ý của dự thảo Vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng đang trở thành vấn đề nghiêm trọng trong thời đại kỹ thuật số. Với sự phát triển của công nghệ, thông tin cá nhân của người tiêu dùng dễ dàng bị xâm phạm, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã đưa ra đề xuất mức phạt mới nhằm xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm. (1) Bảo vệ thông tin người của tiêu dùng Theo Điều 15 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định về bảo vệ thông tin người của tiêu dùng như sau: - Tổ chức, cá nhân kinh doanh tự mình hoặc ủy quyền, thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng phải bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan. - Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng thi phải được sự đồng ý của người tiêu dùng. Việc ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba phải được thực hiện bằng văn bản, trong đó quy định rõ phạm vi, trách nhiệm của mỗi bên trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan. - Trường hợp người tiêu dùng thực hiện giao dịch thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba có trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan. Như vậy, theo luật quy định các tổ chức, cá nhân khi thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng phải bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng. Trường hợp không thực hiện đúng việc bảo đảm an toàn thông tin cho người tiêu dùng thì đây là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt. (2) Đề xuất mức phạt mới khi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng Bài được viết theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP ( lần thứ 03):https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/24/du-thao-nghi-dinh.pdf Theo Điều 46 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định mức phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng là bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Tuy nhiên, theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP đã tăng mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm này. - Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: + Không lập văn bản để thực hiện ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng theo quy định. + Lập văn bản ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng nhưng nội dung văn bản không quy định hoặc quy định không rõ phạm vi, trách nhiệm của mỗi bên trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật có liên quan. + Ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng nhưng chưa được sự đồng ý của người tiêu dùng. + Không xây dựng hoặc xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin áp dụng chung cho người tiêu dùng không đầy đủ các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng + Không công khai hoặc công khai quy tắc bảo vệ thông tin áp dụng chung cho người tiêu dùng không đúng hình thức quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. + Không tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận quy tắc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trước hoặc tại thời điểm thu thập thông tin. + Không thông báo hoặc thông báo không rõ ràng, không công khai hoặc hình thức thông báo không phù hợp với người tiêu dùng về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng thông tin, thời hạn lưu trữ thông tin của người tiêu dùng trước khi thực hiện thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng. + Thực hiện thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng khi chưa được người tiêu dùng đồng ý theo quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 45 Nghị định 98/2020/NĐ-CP. + Không thiết lập hoặc thiết lập phương thức không rõ ràng để người tiêu dùng lựa chọn phạm vi thông tin đồng ý cung cấp và bày tỏ sự đồng ý hoặc không đồng ý theo quy định. + Không thông báo lại cho người tiêu dùng trước khi thay đổi mục đích, phạm vi sử dụng thông tin đã thông báo cho người tiêu dùng hoặc thay đổi mục đích, phạm vi sử dụng thông tin đã thông báo cho người tiêu dùng khi chưa được người tiêu dùng đồng ý. + Sử dụng thông tin của người tiêu dùng không chính xác, không phù hợp với mục đích, phạm vi đã thông báo. + Không có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn việc cho phép hoặc không cho phép thực hiện một trong các hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều 18 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. + Không thực hiện yêu cầu của người tiêu dùng về việc kiểm tra, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ, chuyển giao, ngừng chuyển giao thông tin của người tiêu dùng hoặc không cung cấp cho người tiêu dùng công cụ, thông tin để tự thực hiện theo quy định của pháp luật. + Không hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng khi hết thời hạn lưu trữ theo quy tắc bảo vệ thông tin áp dụng chung cho người tiêu dùng hoặc quy định của pháp luật. - Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: + Không có biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng khi thu thập, lưu trữ, sử dụng hoặc không có biện pháp ngăn ngừa các hành vi vi phạm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng theo quy định; - Không tiếp nhận hoặc không giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến việc thông tin bị thu thập trái phép, sử dụng sai mục đích, phạm vi đã thông báo; + Không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện hệ thống thông tin bị tấn công hoặc không thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng theo quy định trong trường hợp hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng. + Chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng theo quy định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. + Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 khoản 2 Điều 46 trong trường hợp thông tin có liên quan là dữ liệu cá nhân nhạy cảm của người tiêu dùng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 + Phạt tiền gấp bốn lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 khoản 2 Điều 46 trong trường hợp hành vi vi phạm do tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn thực hiện. Như vậy, so với nghị định hiện hành, dự thảo nghị định đã tăng mức phạt hành chính trong trường hợp vi phạm bảo vệ thông tin người dùng. Tóm lại, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP đã đề xuất tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng. Tùy vào tính chất, mức độ, hành vi mà mức xử phạt sẽ khác nhau. Bài được viết theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP ( lần thứ 03):https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/24/du-thao-nghi-dinh.pdf
Đề xuất phạt đến 30 triệu đối với cá nhân khi đưa thông tin thuộc bí mật kinh doanh lên mạng xã hội
Ngày 02/05/2024 Bộ Tư pháp công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Dự kiến các nhóm hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng Dự kiến các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng sẽ chia thành 05 nhóm như sau: - Nhóm “Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh thông tin” - Nhóm “Vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân” - Nhóm “Vi phạm quy định về phòng, chống tấn công mạng” - Nhóm “Vi phạm quy định về triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng” - Nhóm “Vi phạm về phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội” Đề xuất xử phạt hành vi đưa thông tin thuộc bí mật kinh doanh lên mạng xã hội Căn cứ Điều 12 Dự thảo quy định Vi phạm quy định về bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật công tác, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng các biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước phòng, chống lộ, mất bí mật nhà nước qua các kênh kỹ thuật. 2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các hành vi sau đây: a) Làm ra, lưu trữ thông tin thuộc bí mật nhà nước trên máy tính có kết nối Internet hoặc trao đổi thông tin mạng bí mật nhà nước trên không gian mạng trái quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; b) Đưa lên không gian mạng thông tin thuộc bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật; c) Không thực hiện yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng về phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; d) Thay đổi, hủy bỏ hoặc vô hiệu hóa trái phép các biện pháp kỹ thuật được xây dựng, sử dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước. 3. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này; b) Đình chỉ, tạm đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này; c) Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động của trang thông tin điện tử từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này. 4. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc xây dựng, áp dụng biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước phòng, chống lộ, mất bí mật nhà nước qua các kênh kỹ thuật đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này; b) Buộc tiêu hủy sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm gây lộ, mất bí mật nhà nước, không bảo đảm an ninh mạng đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này; c) Buộc kiểm tra an ninh mạng lại đối với các sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm phục vụ bảo vệ bí mật nhà nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này; d) Buộc xóa, hủy đến mức không thể khôi phục dữ liệu về thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật công tác, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng vi phạm quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này. Như vậy, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 12 Dự thảo quy định hành vi đưa thông tin thuộc bí mật kinh doanh lên mạng xã hội có thể bị xủa phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với cá nhân. Đồng thời căn cứ điểm d khoản 4 điều 12 Dự thảo quy định xử phạt bổ sung Buộc xóa, hủy đến mức không thể khôi phục dữ liệu về thông tin thuộc bí mật kinh doanh.
Đề xuất phạt lên đến 30 triệu đồng khi đưa bí mật đời sống riêng tư lên mạng xã hội
Ngày 02/05/2024 Bộ Tư pháp đã công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Dự kiến các nhóm hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng Dự kiến các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng sẽ chia thành 05 nhóm như sau: - Nhóm “Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh thông tin” - Nhóm “Vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân” - Nhóm “Vi phạm quy định về phòng, chống tấn công mạng” - Nhóm “Vi phạm quy định về triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng” - Nhóm “Vi phạm về phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội” Đề xuất xử phạt hành vi đưa lên không gian mạng bí mật đời sống riêng tư Căn cứ Điều 12 Dự thảo quy định Vi phạm quy định về bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật công tác, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng các biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước phòng, chống lộ, mất bí mật nhà nước qua các kênh kỹ thuật. 2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các hành vi sau đây: a) Làm ra, lưu trữ thông tin thuộc bí mật nhà nước trên máy tính có kết nối Internet hoặc trao đổi thông tin mạng bí mật nhà nước trên không gian mạng trái quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; b) Đưa lên không gian mạng thông tin thuộc bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật; c) Không thực hiện yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng về phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; d) Thay đổi, hủy bỏ hoặc vô hiệu hóa trái phép các biện pháp kỹ thuật được xây dựng, sử dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước. 3. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này; b) Đình chỉ, tạm đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này; c) Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động của trang thông tin điện tử từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này. 4. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc xây dựng, áp dụng biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước phòng, chống lộ, mất bí mật nhà nước qua các kênh kỹ thuật đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này; b) Buộc tiêu hủy sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm gây lộ, mất bí mật nhà nước, không bảo đảm an ninh mạng đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này; c) Buộc kiểm tra an ninh mạng lại đối với các sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm phục vụ bảo vệ bí mật nhà nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này; d) Buộc xóa, hủy đến mức không thể khôi phục dữ liệu về thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật công tác, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng vi phạm quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này. Như vậy, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 12 Dự thảo hành vi đưa lên không gian mạng bí mật đời sống riêng tư trái pháp luật có thể bị xủa phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Đồng thời căn cứ điểm b khoản 4 điều 12 Dự thảo quy định xử phạt bổ sung Buộc tiêu hủy sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm gây lộ, mất bí mật nhà nước, không bảo đảm an ninh mạng đối với các hành vi vi phạm.
Người ngồi sau xe máy không đội mũ bảo hiểm thì ai mới là người bị phạt?
Tài xế grab chở khách, nếu khách không chịu đội mũ bảo hiểm thì ai sẽ bị xử phạt? Người điều khiển xe – tài xế bị phạt hay người ngồi sau bị phạt? Người ngồi sau xe máy không đội mũ bảo hiểm thì ai bị phạt? Tại khoản 2 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định rõ “Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.” Như vậy, cho dù là người điều khiển hay người ngồi sau xe thì đã tham gia giao thông là bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm, nếu vi phạm chắc chắn sẽ bị xử phạt tương ứng. Căn cứ theo khoản 6 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ như sau: Đối với người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây thì sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng: - Bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh, đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; - Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ.”. Đồng thời, tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được bổ sung bởi Điểm b Khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về việc xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau: Người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây thì bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng: … - Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ; - Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.”; => Từ những quy định nêu trên, có thể thấy nếu người ngồi sau xe không đội mũ bảo hiểm thì cả người ngồi sau lẫn người chở (người điều khiển phương tiện) đều sẽ bị xử phạt tương ứng với hành vi vi phạm của mình. Cụ thể, với hành vi này thì người điều khiển xe và người ngồi sau có thể bị xử phạt từ 400.000 - 600.000 đồng. Đội mũ bảo hiểm như thế nào là đúng? Căn cứ theo Điều 8 Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT thì người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy khi sử dụng mũ bảo hiểm tham gia giao thông cần phải lưu ý một số quy định sau đây khi cài quai mũ: - Kéo quai mũ bảo hiểm sang hai bên rồi đội mũ và đóng khóa mũ lại. Không được để quai mũ lỏng lẻo mà phải đóng khít với cằm; - Sau khi đội mũ bảo hiểm cần kiểm tra lại bằng cách: dùng tay kéo mũ từ đằng sau ra đằng trước hoặc nâng phần trên trước trán (hoặc phần cằm đối với mũ cả hàm) lên rồi kéo ra đằng sau, mũ không được bật ra khỏi đầu.
"Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng" là gì? Lựa chọn giới tính thai nhi có trái luật?
"Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng" mang ý nghĩa gì và việc lựa chọn giới tính thai nhi có trái với quy định của luật hay không? "Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng" là gì? Nghề nông, đặc biệt là nghề trồng lúa luôn là đặc sản nổi bật của ông cha ta. Ruộng lúa là tài sản giá trị nuôi sống cả một gia đình, những mầm lúa, hạt gạo chính là nguồn lương thực chủ yếu nuôi sống chúng ta. Vì vậy, ruộng lúa luôn được ông cha ta quý trọng. Với câu khẳng định “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng, chúng ta thấy được hình ảnh ruộng sâu, là một gợi ý giúp hình dung về các mảnh ruộng sâu tươi tốt, không phải bỏ quá nhiều công sức để tát nước hay làm cỏ. Hầu hết phân bón hay chất dinh dưỡng nuôi dưỡng đều chảy về nơi ruộng sâu, vì thế việc chăm sóc thảnh thơi hơn so với các mẫu ruộng nông khác. Với hình ảnh trâu nái, là sự thịnh vượng, mang lại tài lộc cho người nông, bởi trâu nái sẽ để ra chú nghé con, kinh tế cũng từ đó mà phát triển. Vậy nếu so sánh ruộng sâu và trâu nái cũng chẳng bằng con gái đầu lòng, được hiểu ngầm là đề cao việc đẻ con gái đầu, là niềm tự hào của bậc sinh thành. Có gái lớn trong nhà có thể đỡ đần các công việc thay cho bố mẹ khi đi vắng, quán xuyến việc nhà và phụ giúp chăm lo cho đàn em thơ. Chưa dừng lại ở đó, nếu con gái cả trong nhà có đầy đủ công, dung, ngôn, hạnh, được cưới gả vào gia đình danh giá của mang lại tiếng thơm cho cả gia đình, cả dòng họ. Qua phân tích trên, chúng ta hiểu thêm một ý nghĩa mà từ lâu đã không được làm rõ trong câu nói ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng. Và cũng trong thời đại ngày nay, việc trọng nam khinh nữ cũng đã giảm dần theo thời gian, sự bình đẳng giữa con cái đã được coi trọng và cải thiện. Lựa chọn giới tính thai nhi vì muốn sinh con gái đầu lòng là trái luật đúng không? Qua phân tích câu nói trên, không ít gia đình mong muốn sinh con gái đầu lòng thông qua việc lựa chọn giới tính thai nhi. Vậy lựa chọn giới tính thai nhi có trái luật không? Dẫn chiếu đến điểm g khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định lựa chọn giới tính thai nhi là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Đồng thời tại Điều 10 Nghị định 104/2003/NĐ-CP có quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, bao gồm: - Tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới các hình thức: tổ chức nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi hình, ghi âm; tàng trữ, lưu truyền tài liệu, phương tiện và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác về phương pháp tạo giới tính thai nhi. - Chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp: xác định qua triệu chứng, bắt mạch; xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào; siêu âm, .... - Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác. Như vậy, trường hợp vì muốn sinh con gái đầu lòng mà lựa chọn giới tính thai nhi thông qua các hình thức như xác định qua triệu chứng, bắt mạch; xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào; siêu âm,.... thì đều là trái với quy định của pháp luật. Hay nói cách khác, mọi hành vi lựa chọn giới tính thai nhi đều là trái luật. Lưu ý: Tại khoản 1 Điều 100 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính. Cụ thể theo quy định này nếu phụ nữ mang thai thực hiện phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi thì bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Tóm lại, câu nói "Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng" cho thấy rằng việc sinh con gái đầu lòng là phước phần và cũng là niềm tự hào của nhiều cha mẹ. Tuy nhiên cần lưu ý việc lựa chọn giới tính thai nhi là trái với quy định của pháp luật. Do vậy, mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thức về tác hại của việc lựa chọn giới tính thai nhi và tuân thủ quy định của pháp luật để bảo vệ sức khỏe sinh sản và đạo đức xã hội.
Rượu vào, lời ra là gì? Rượu vào, lời ra gây mất trật tự công cộng có bị xử phạt hành chính không?
Ắt hẳn ai cũng đã từng nghe thấy câu nói rượu vào lời ra trên bàn nhậu. Thế nhưng ít ai hiểu rõ được câu rượu vào lời ra nghĩa là gì. Vậy rượu vào, lời ra là gì? Rượu vào, lời ra gây mất trật tự công cộng có bị xử phạt không? Câu hỏi của anh H.T (Long An) 1. Rượu vào, lời ra là gì? Câu "Rượu vào, lời ra" là một tục ngữ Việt Nam ám chỉ rằng khi một người uống rượu và say xỉn, họ thường mất khả năng kiểm soát và có thể nói ra những điều mà họ không nói khi tỉnh táo. Nói cách khác, rượu có thể khiến người ta bộc lộ những suy nghĩ hoặc cảm xúc thật sự mà họ thường giấu kín. Đây là một quan sát về cách rượu ảnh hưởng đến hành vi và lời nói của con người, và thường được dùng để cảnh báo về việc nói lời không kiểm soát khi say rượu. 2. Rượu vào, lời ra gây mất trật tự công cộng có bị xử phạt hành chính không? Căn cứ khoản 2 và khoản 13 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về trật tự công cộng như sau: - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: + Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng; + Tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng; + Để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; + Thả diều, bóng bay, các loại đồ chơi có thể bay ở khu vực cấm, khu vực mục tiêu được bảo vệ; + Sử dụng tàu bay không người lái hoặc phương tiện bay siêu nhẹ chưa được đăng ký cấp phép bay hoặc tổ chức các hoạt động bay khi chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép; + Cản trở, sách nhiễu, gây phiền hà cho người khác khi bốc vác, chuyên chở, giữ hành lý ở chợ, bến tàu, bến xe, sân bay, bến cảng, ga đường sắt và nơi công cộng khác; + Đốt và thả “đèn trời”; + Không có đủ hồ sơ, tài liệu mang theo khi khai thác tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; + Tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ khi người trực tiếp khai thác, sử dụng chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay; + Tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ khi phương tiện bay chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay; + Phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền. - Hình thức xử phạt bổ sung: + Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, d, đ và g khoản 2; điểm đ khoản 3; các điểm b, e và i khoản 4; các điểm a, b và c khoản 5; các khoản 6 và 10 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Như vậy, hành vi rượu vào, lời ra gây mất trật tự công cộng có thể bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Đồng thời, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật. 3. Hành vi rượu vào, lời ra gây mất trật tự công cộng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Căn cứ Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội gây rối trật tự công cộng như sau: - Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: + Có tổ chức; + Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; + Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; + Xúi giục người khác gây rối; + Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; + Tái phạm nguy hiểm. Như vậy, người có hành vi rượu vào, lời ra gây mất trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Mèo mả gà đồng là gì? Ngoại tình có phải là mèo mả gà đồng không?
Cho tôi hỏi dân gian thường có câu mèo mả gà đồng, vậy mèo mả gà đồng nghĩa là gì? Có phải ngoại tình là mèo mả gà đồng đúng không? Câu hỏi của chị Linh (Đồng Nai) 1.Mèo mả gà đồng là gì? Về nghĩa đen: Mèo mả là loài hoang trái ngược mèo nhà, thường sống ở các bãi tha ma, nghĩa địa không có chủ, không có nhà cửa thường đi lang thang để kiếm ăn. Gà đồng là loài gà hoang thường sống ở cánh đồng hay đồi núi, lang thang không có chỗ ở nhất định. Về nghĩa bóng: Mèo mả gà đồng là thành ngữ mang ý nghĩa chỉ những người không có nhà cửa nơi ở cố định, nay đây mai đó, sống buông thả, không có gia đình, không có đạo đức. Thường dùng để ám chỉ những người có thói trăng hoa bay bướm, có các mối quan hệ nam nữ bất chính, lăng nhăng, lẳng lơ, bỏ mặc vợ (chồng ), con cái đi theo người tình. Đây là cách hiểu xuất phát từ hành động của mèo mả và gà đồng chính là mèo hoang và gà hoang. Nghĩa là dùng chuyện mèo – gà để ám chỉ chuyện yêu đương không nằm trong lễ giáo gia đình, trăng hoa. 2.Ngoại tình có phải là mèo mả gà đồng không? Hiện nay, khi nhắc đến câu “Mèo mả gà đồng” người ta thường nghĩ đó là hành vi ngoại tình. “Mèo mả gà đồng” là câu thành ngữ được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay nói về hành động trái với luân thường đạo lý, tùy tiện ngả ngớn trong những mối quan hệ vụng trộm của con người, đồng thời phê phán hành vi phản bội lòng chung thủy trong tình yêu. Theo đó, ngoại tình là hành vi có mối quan hệ tình cảm, thân mật với người khác ngoài mối quan hệ chính thức của mình, điển hình là mối quan hệ vợ chồng. Một số đặc điểm điển hình cho hành vi ngoại tình: - Có mối quan hệ tình cảm với người khác ngoài vợ/chồng của mình, phản bội lòng tin và cam kết trong hôn nhân; - Đối tượng của ngoại tình có thể là bạn bè, đồng nghiệp, người quen hoặc người lạ; - Ngoại tình bao gồm những hành vi như hẹn hò, tán tỉnh, quan hệ thân mật với người khác; ... Như vậy, ngoại tình là một ví dụ điển hình cho câu thành ngữ “Mèo mả gà đồng” nói đến sự lăng nhăng về mặt tình cảm, tình yêu, là hành vi không chung thủy với vợ/chồng hoặc người bạn đời. Đồng thời, ngoại tình là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ly hôn và tan vỡ hạnh phúc gia đình. Vì vậy, mọi hành vi ngoại tình đều bị lên án về mặt đạo đức và pháp luật. 3.Vợ hoặc chồng ngoại tình sẽ bị xử phạt ra sao? Ngoại tình là hành vi vi phạm về chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, hành vi trái đạo đức xã hội và thuần phong mĩ tục dân tộc Việt Nam, xâm phạm đến chế độ hôn nhân và gia đình được pháp luật bảo vệ. Theo đó, tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm mà vợ hoặc chồng ngoại tình có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau: Xử phạt hành chính Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: - Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; - Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; - Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; - Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; - Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn. Theo đó, ngoại tình là hành vi vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác hoặc hành vi chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ, Như vậy, nếu bị phát hiện có thể bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Truy cứu trách nhiệm hình sự Hành vi ngoại tình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 182 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng cụ thể: - Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: + Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: + Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; + Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó. Như vậy, người có hành vi ngoại tình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt đến 03 năm tù.
Tái phạm sau khi bị XPHC về xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có bị truy cứu TNHS?
Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác bị xử lý như thế nào? Người vi phạm sẽ phải chịu những loại trách nhiệm gì khi tiếp tục vi phạm sau khi đã bị xử phạt hành chính về hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm? Bài viết sau đây sẽ giúp người đọc giải đáp những thắc mắc trên. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm là gì? Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm là gì. Tuy nhiên tại Điều 20 Hiến pháp 2013 có quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.” Như vậy, danh dự nhân phẩm của con người là đối tượng được Pháp luật bảo vệ, nếu xâm phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Mức xử phạt khi vi phạm hành chính về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm - Tại điểm a Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. - Tại điểm b Khoản 2 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ. - Tại Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình: + Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình. + Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình; Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. + Đồng thời, có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu và buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh. Có thể thấy Pháp luật quy định mức xử phạt của hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm cao nhất là 20 triệu và buộc khắc phục hậu quả, thấp nhất là 2 triệu. Khi nào hành vi phạm tội được xem là tái phạm? Theo Khoản 5 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020: Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt; cá nhân đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà lại thực hiện hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau: - Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. - Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Như vậy sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính và đã chấp hành xong quyết định xử phạt, tùy theo quyết định xử phạt trong thời hạn 06 tháng hoặc 01 năm kể từ ngày chấp hành xong hoặc hết thời hiệu thi hành mà không tái phạm thì người đó sẽ được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức xử phạt khi tái phạm - Theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì vi phạm hành chính nhiều lần, tái phạm là một trong những tình tiết tăng nặng. Tại điểm d khoản 1 Điều 3 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần, một người vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng. Như vậy, nếu Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực không quy định hành vi vi phạm hành chính nhiều lần là tình tiết tăng nặng thì vi phạm hành chính nhiều lần bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. - Trường hợp tái phạm và trường hợp nghị định quy định vi phạm hành chính nhiều lần là tình tiết tiết tăng nặng thì xử lý như sau: + Khoản 4 Điều 23 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính: Là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt. Chính phủ quy định chi tiết khoản này. + Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc sau đây: Thứ nhất, khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng; Thứ hai, mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt. Có bị truy cứu TNHS nếu tiếp tục tái phạm sau khi đã bị XPHC không ? Theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật hình sự 2013 quy định: Tại Khoản 1, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Tại Khoản 2, sẽ bị phạt tù từ 02 tháng đến 03 năm nếu thuộc trường hợp phạm tội từ 02 lần trở lên. Như vậy, người đã bị xử phạt hành chính với hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác nếu tiếp tục vi phạm thì chưa chắc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chỉ khi trong trường hợp họ xúc phạm nghiêm trọng và đã bị xử lý theo Khoản 1 nêu trên và phạm tội lần 2 thì sẽ tiếp tục bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị phạt tù.
Dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính ô tô sau khi va chạm giao thông có bị phạt tù không?
Sáng 13/03/2024, tại thành phố Vinh ghi nhận trường hợp dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính xe sau khi va chạm giao thông. Vậy trường hợp này bị xử phạt ra sao? Có bị phạt tù không? Làm người tài xế ô tô bị thương thì có phải bồi thường không? (1) Dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính ô tô sau khi va chạm giao thông bị xử phạt thế nào? Tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 03 đến 05 triệu đồng với những hành vi như sau: Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, cũng theo Điều 15, người vi phạm hành vi nêu trên còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (trục xuất với trường hợp vi phạm là người nước ngoài). Đồng thời, người vi phạm còn buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm của mình. Như vậy, trường hợp dùng mũ bảo hiểm đập vỡ cửa kính xe ô tô sau khi xảy ra va chạm giao thông có thể xử phạt lên đến 05 triệu đồng, tịch thu tang vật/phương tiện vi phạm và buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của kính xe. (2) Đập vỡ kính xe làm tài xế bị thương thì phải bồi thường như thế nào? Trường hợp sau khi xảy ra va chạm giao thông mà dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính làm người điều khiển xe ô tô bị thương thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; …” Như vậy, việc dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính làm người điều khiển xe ô tô bị thương thì người vi phạm có thể bị xử phạt lên đến 08 triệu đồng. Đồng thời, còn buộc phải chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm. (3) Dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính ô tô sau khi va chạm giao thông có bị phạt tù không? Căn cứ theo Điều 178 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau: “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; đ) Tài sản là di vật, cổ vật.” Theo đó, người có hành vi dùng mũ bảo hiểm đập vỡ cửa kính xe ô tô sau khi xảy ra va chạm giao thông có thể bị xử phạt từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu thuộc một trong những trường hợp như đã nêu trên. Tổng kết lại, hành vi dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính xe ô tô sau khi xảy ra va chạm giao thông như trường hợp tại thành phố Vinh thời gian vừa qua. Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 05 triệu đồng, buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu của kính xe. Nếu hành vi này làm người lái xe bị thương thì bị xử phạt đến 08 triệu đồng đồng thời bồi thường toàn bộ chi phí khám chữa bệnh. Trường hợp nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng mức phạt tù lên đến 03 năm.
"Sông bao nhiêu nước cũng vừa. Trai bao nhiêu vợ cũng chưa bằng lòng" có ý nghĩa gì? Chồng có hành vi ngoại tình sẽ bị xử lý như thế nào? "Sông bao nhiêu nước cũng vừa. Trai bao nhiêu vợ cũng chưa bằng lòng" có ý nghĩa gì? Về nghĩa đen: "Sông bao nhiêu nước cũng vừa": Sông dù có nhiều nước đến đâu cũng có thể chứa được. "Trai bao nhiêu vợ cũng chưa bằng lòng": Đàn ông dù có bao nhiêu vợ cũng chưa cảm thấy đủ. Về nghĩa bóng: Câu tục ngữ "Sông bao nhiêu nước cũng vừa. Trai bao nhiêu vợ cũng chưa bằng lòng" ám chỉ tính tham lam và không biết đủ của một số đàn ông trong chuyện tình cảm. Nó so sánh sự vô hạn của lòng sông với lòng tham vô đáy của những người đàn ông như vậy. Câu tục ngữ này phản ánh một khía cạnh trong văn hóa truyền thống Việt Nam, khi chế độ đa thê còn tồn tại. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, nó chủ yếu được sử dụng như một lời châm biếm, cảnh tỉnh về tác hại của lòng tham và sự thiếu chung thủy, phổ biến là hành vi ngoại tình của người chồng. Tại sao ngoại tình gọi là cắm sừng? Chồng có hành vi ngoại tình sẽ bị xử lý như thế nào? Chúng ta thường gọi hành động ngoại tình là “cắm sừng”, và người bị ngoại tình được xem như “mọc sừng”. Thực tế, không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới đều dùng “bị cắm sừng” để nói người có chồng hay vợ phản bội. Đa số ý kiến đều đồng thuận rằng cụm từ này bắt nguồn từ câu chuyện của hoàng đế Andromic I Comin xứ Vizantin, nắm quyền trong một thời gian ngắn từ năm 1183 - 1185. Chỉ trong 2 năm trị vì, Andromic đã cai trị dân chúng bằng những biện pháp tàn khốc, trả thù một cách man rợ những người chống đối cũ và rất có biệt tài chinh phục phụ nữ một cách dâm loạn. Nhà vua tống chồng các cô nhân tình vào ngục để dễ bề thỏa chí dục vọng, còn trước cửa nhà họ, cho đặt đầu hươu nai, hoặc thủ cấp động vật có sừng khác mà ông kiếm được trong những dịp đi săn như để đánh dấu “Ta đã ghé thăm nhà này”. Từ đó những người đàn ông có vợ ngoại tình được gọi là “bị mọc sừng”, sau cụm này dùng chung cho cả hai giới tính. Ngoại tình là hành vi mà một người tham gia vào một mối quan hệ tình cảm hoặc tình dục với người khác mà người đó đã kết hôn hoặc một người đã kết hôn mà lại có mối quan hệ tình cảm hoặc tình dục với một người khác. Hành vi ngoại tình là hành vi vi phạm pháp luật và trái đạo đức xã hội, thuần phong mĩ tục dân tộc Việt Nam. Việc ngoại tình làm ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân hiện tại, vi phạm chuẩn mực về văn hóa con người và xâm phạm đến chế độ hôn nhân và gia đình mà luật pháp bảo vệ. Hành vi ngoại tình tùy theo mức độ mà có thể xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. + Xử lý hành chính Căn cứ khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP có quy định như sau: (1) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: - Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; - Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; - Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; - Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; - Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn. Theo đó, có thể thấy hành vi ngoại tình với người đã có gia đình hoặc đã có gia đình mà ngoại tình với người khác, nếu bị phát hiện có thể bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. + Trách nhiệm hình sự Căn cứ theo Điều 182 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. (1) Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: - Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; - Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. (2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: - Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; - Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó. Như vậy, người có hành vi ngoại tình thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất lên đến 03 năm tù. Như vậy, nếu người chồng có hành vi ngoại tình có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 03 đến 05 triệu đồng, trường hợp nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt đến 03 năm tù. Tóm lại, câu tục ngữ "Sông bao nhiêu nước cũng vừa. Trai bao nhiêu vợ cũng chưa bằng lòng" phê phán thói trăng hoa, tham lam trong tình cảm của một số đàn ông đã có vợ, có hành vi ngoại tình làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Bên cạnh đó, gián tiếp khuyên người ta nên biết đủ và chung thủy trong tình yêu, hôn nhân bởi: Vợ chồng là nghĩa cả đời Ai ơi nhớ nghĩ những lời thiệt hơn.
"Cá không ăn muối cá ươn, Con cãi cha mẹ trăm đường con hư" là gì?
Trong các mối quan hệ gia đình, mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái là thiêng liêng và quan trọng nhất. Vì vậy, trong dân gian mới có câu: "Cá không ăn muối cá ươn, Con cãi cha mẹ trăm đường con hư". Vậy "Cá không ăn muối cá ươn, Con cãi cha mẹ trăm đường con hư" là gì? "Cá không ăn muối cá ươn, Con cãi cha mẹ trăm đường con hư" là gì? Về mặt nghĩa đen: + “Cá ăn muối” có nghĩa là cá được ướp muối để bảo quản và giữ cho thịt cá tươi ngon. Ngược lại, nếu cá không được ướp muối thì sẽ trở thành cá ươn, tức là cá đã hỏng và có mùi khó chịu. + “Con cãi cha mẹ” chỉ những hành động hoặc lời nói trái ngược với sự dạy dỗ của cha mẹ. Điều này dẫn đến việc con cái trở thành “con hư”, tức là không kính trọng cha mẹ và vi phạm những chuẩn mực đạo đức. Về mặt nghĩa bóng: + Câu tục ngữ này nhấn mạnh sự quan trọng của việc nghe lời cha mẹ và biết kính trọng họ, phải sống hiếu thảo với cha mẹ. + Trong cuộc sống, những lời dạy của cha mẹ nhằm giúp con cái trưởng thành. Vì vậy, chúng ta cần tôn trọng và lắng nghe cha mẹ. Nếu cần thuyết phục, phải làm khéo léo, tránh cãi lại hay mắng chửi cha mẹ. Đây là hành vi bất hiếu và cần được phê phán. Vì vậy, câu “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” chứa đựng lời khuyên quý giá, nhắc nhở mỗi người cần phải biết nghe lời cha mẹ. Hãy sống sao cho trọn đạo làm con, nhấn mạnh đức hiếu kính cha mẹ. Con cái bỏ mặc không chăm sóc cha mẹ già yếu bị xử phạt hành chính thế nào? Hiện nay, pháp luật cũng đã đề cấp đền hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình sẽ bị xử phạt hành chính nhằm răn dạy, giáo dục con cái sống phải biến yêu thương, kính trọng gia đình, cha mẹ, sống trọn đạo làm con. Căn cứ theo Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình như sau: (1) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: - Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; - Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ. (2) Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại (1) Như vậy, trường hợp con cái bỏ mặc không chăm sóc cha mẹ già yếu thì bị xử lý hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra còn buộc xin lỗi công khai khi cha mẹ có yêu cầu. Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con thế nào? Căn cứ theo Điều 72 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con như sau: - Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập. Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con. - Cha mẹ hướng dẫn con chọn nghề; tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của con. - Cha mẹ có thể đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện việc giáo dục con khi gặp khó khăn không thể tự giải quyết được. Như vậy, câu “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” chứa đựng lời khuyên quý giá, nhắc nhở mỗi người cần phải biết nghe lời cha mẹ. Hãy sống sao cho trọn đạo làm con, nhấn mạnh đức hiếu kính cha mẹ.
"Trăm nghe không bằng một thấy" là gì? Tung tin đồn thất thiệt bị xử phạt hành chính ra sao?
Tục ngữ Việt Nam là giá trị văn hóa dân gian được truyền lại qua nhiều thế hệ. Mỗi câu tục ngữ mang một ý nghĩa, một tinh thần khác nhau và nói về một vấn đề nào đó trong xã hội. Vậy câu tục ngữ "Trăm nghe không bằng một thấy" có nghĩa là gì và nó mang lại bài học gì trong cuộc sống? 1. "Trăm nghe không bằng một thấy" nghĩa là gì? Câu tục ngữ "Trăm nghe không bằng một thấy" có ý muốn nhắc nhở mỗi con người cần sống chậm, lắng nghe quan sát nhiều hơn trước mọi sự vật, mọi câu chuyện trong cuộc sống thay vì nghe thông tin từ một người nào đó mà không xác định được độ tin cậy, chính xác của thông tin đó. - "Trăm nghe" có thể hiểu là: Trong quá trình truyền tai nhau về câu chuyện nào đó, sự thật của mỗi câu chuyện đều được thêm ý khác thành nhiều dị bản khác nhau. Chính vì vậy mà đôi khi câu chuyện mỗi người nghe được hoàn toàn trái ngược với sự thật thực tế diễn ra. Người nghe thường dễ tin tưởng vào những gì họ nghe được hoặc nghe kể đồn thổi từ một nguồn thông tin không xác thực, cho dù họ không chứng kiến sự việc hay biết về nhân vật, sự việc được nói đến nhưng vẫn kể những câu chuyện sai sự thật đó cho những người khác. Từ đó dẫn đến hiểu nhầm không mong muốn và nhiều khi còn gánh thiệt vào chính bản thân. - “Một thấy” là từ ám chỉ mỗi người nên chứng kiến sự việc diễn ra hoặc đã tìm hiểu xác minh thật kỹ càng trước khi tin hoặc trước khi nói. Việc tận mắt theo dõi, tìm hiểu sẽ có giá trị hơn rất nhiều so với việc nghe đồn từ người khác. Chính vì vậy, "Trăm nghe không bằng một thấy" là câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta không nên chỉ nghe những lời đồn thổi mà vội vàng tin và kết luận một vấn đề nào đó. Để chắc chắn bất cứ sự việc, câu chuyện nào, chúng ta đều nên trực tiếp quan sát kĩ càng, có sự suy xét trước khi kết luận. 2. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mỗi công dân được quy định như thế nào? Lời đồn thổi đôi khi sẽ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Theo đó, về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mỗi công dân được quy định cụ thể tại Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: - Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. - Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. - Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ. - Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng. - Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. 3. Người tung tin đồn thất thiệt bị xử phạt hành chính ra sao? Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì người tung tin đồn thất thiệt về người khác nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Đồng thời, người tung tin đồn thất thiệt buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn và buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm, trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu (theo khoản 14 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP). Trong trường hợp người tung tin đồn thất thiệt có lời nói đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng và buộc xin lỗi công khai (theo điểm b khoản 2, khoản 4 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP). Trường hợp người tung tin đồn thất thiệt nhằm lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu (Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP). Kết luận: Câu tục ngữ "Trăm nghe không bằng một thấy" nhằm nhắc nhở mỗi chúng ta nên tự xác thực, tự chứng kiến sự việc xảy ra chứ không nên tin theo nhưng lời đồn thổi thất thiệt. Chúng ta đều hiểu rõ giao tiếp chính là chìa khóa kết nối những mối quan hệ. Các mối quan hệ được xây dựng trên sự tin tưởng và sự thật sẽ luôn bền vững. Nếu chúng ta bỏ qua những điều đó mà lựa chọn tin và lời bịa đặt hay những câu chuyện chưa rõ đúng sai thì rất khó để chúng ta giao tiếp, tạo dựng mối quan hệ với mọi người. Do đó, việc tận mắt theo dõi, tìm hiểu sẽ có giá trị hơn rất nhiều so với việc nghe đồn từ người khác. Đồng thời, khi không xác thực độ chính xác của thông tin mình nghe được mà đi đồn thổi thông tin đó cho người khác nhiều khi sẽ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó. Bởi vì pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mỗi công dân nên khi có hành vi vi phạm liên quan đến vấn đề này thì chắc chắn sẽ bị xử phạt.
Thông thầu: Khi nào bị phạt hành chính, khi nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Thông thầu là một trong những hành vi bị cấm theo Luật Đấu thầu nhằm đảm bảo tính minh bạch cho hoạt động đấu thầu. Quy định pháp luật hiện nay thì hành vi thông thầu này sẽ bị xử lý như thế nào? Xử phạt hành chính hay xử lý hình sự? Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thông thầu như thế nào? Theo khoản 3 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 thì những hành vi sau đây được gọi là thông thầu: - Dàn xếp, thỏa thuận, ép buộc để một hoặc các bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu hoặc rút hồ sơ dự thầu để một bên trúng thầu; - Dàn xếp, thỏa thuận để từ chối cung cấp hàng hóa, dịch vụ, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc thực hiện các hình thức thỏa thuận khác nhằm hạn chế cạnh tranh để một bên trúng thầu; - Nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu. Hành vi thông thầu là hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu (Điều 16. Các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu). Theo khoản 2 Điều 37 Nghị định 122/2021/NĐ-CP có quy định hành vi thông thầu sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng mà không phải là tội phạm theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015. Lưu ý, theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP thì mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với tổ chức vi phạm, nếu cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 so với mức phạt tiền này. Truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi thông thầu trong trường hợp nào? Theo điểm b khoản 1 Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015, được bổ sung bởi điểm k khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, cụ thể: “1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: … b) Thông thầu; … 2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. 3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. …” Như vậy, theo như quy định thì người nào thực hiện một trong những hành vi thông thầu như đã nêu ở trên mà gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Hình phạt cao nhất đối với người phạm tội là 20 năm tù trong trường hợp gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Tóm lại, nếu như không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi thông thầu như vừa phân tích ở trên thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng (đối với tổ chức vi phạm) hoặc từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng (đối với cá nhân vi phạm) tùy từng trường hợp cụ thể.
Cần xác minh tình tiết trước khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không?
Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Như vậy quyết định xử phạt hành chính do cá nhân ban hành, vì vậy việc xác minh tình tiết có vai trò quan trọng nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành hình phạt. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính và phải tuân theo nguyên tắc sau: - Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật; - Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật; - Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng; - Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. - Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. - Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó. - Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng; - Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính; - Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Cần xác minh tình tiết trước khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không? Căn cứ tại Điều 59 Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012 quy định khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết sau đây: - Có hay không có vi phạm hành chính; - Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm hành chính; - Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; - Tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra; - Trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm: + Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết; + Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng; + Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ; + Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng; + Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính; + Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính; + Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; + Cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt; + Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm. - Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt. Trong quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định. Lưu ý: Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính phải được thể hiện bằng văn bản. Như vậy, không phải trong mọi trường hợp cần phải xác minh tình tiết trước khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chỉ trong các trường hợp cần thiết thì người có thẩm quyền xử phạt mới xác minh các tình tiết trên để ra quyết định xử phạt.
Người dưới 14 tuổi có bị xử phạt hành chính không?
Người dưới 14 tuổi là đối tượng được pháp luật bảo vệ đặc biệt. Vậy, nếu một người dưới 14 tuổi vi phạm hành chính thì có phải chịu trách nhiệm pháp lý và bị xử phạt hành chính không? (1) Xử phạt hành chính là gì? Theo khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định, vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Như vậy, có thể hiểu xử phạt hành chính là một biện pháp xử lý khi một người có hành vi vi phạm những điều pháp luật nghiêm cấm mà chưa phải là tội phạm và theo pháp luật hình sự. Việc xử phạt vi phạm hành chính nhằm đảm bảo trật tự, kỷ cương trong xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân và tổ chức, đồng thời khuyến khích việc tuân thủ pháp luật. (2) Người dưới 14 tuổi có bị xử phạt hành chính không? Theo Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, đối tượng bị xử phạt hành chính bao gồm: - Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính. - Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý; - Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra; - Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác. Như vậy, đối tượng bị xử phạt hành chính có thể là cá nhân, tổ chức. Trong đó, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính phải là người từ đủ 14 tuổi trở lên, cụ thể: - Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý. - Người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính. Do đó, người chưa đủ 14 tuổi thì không thuộc đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính. (3) Người dưới 14 tuổi vi phạm pháp luật thì xử lý thế nào? Theo quy định tại khoản 1 Điều 90 và khoản 1 Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung 2020), người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi mà thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 thì sẽ áp dụng biện pháp xử lý hành chính tương ứng như sau: - Nếu thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý thì áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. - Nếu thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015: - Tội phạm rất nghiêm trọng: là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù. - Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Như vậy, người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi mà phạm các tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng theo Bộ luật Hình sự 2015 thì sẽ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như giáo dục tại xã, phường hoặc đưa vào trường giáo dưỡng. Việc áp dụng các biện pháp này nhằm bảo đảm giáo dục và cải tạo cho trẻ em, đồng thời ngăn chặn tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật.
Chi nhánh của công ty có hoạt động đánh bạc thì bị xử phạt như thế nào?
Chi nhánh của công ty có hoạt động đánh bạc thì bị xử phạt như thế nào? Trong Quyết định xử phạt hành chính sẽ xử phạt chi nhánh hay xử phạt công ty? Chi nhánh của công ty có hoạt động đánh bạc thì bị xử phạt như thế nào? Căn cứ Khoản 3 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định: Chủ sở hữu, người quản lý máy trò chơi điện tử, chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử hoặc các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác thiếu trách nhiệm để xảy ra hoạt động đánh bạc ở cơ sở do mình quản lý sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Do đó, đối với công ty có chi nhánh vi phạm quy định trên thì sẽ bị phạt từ từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời, còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng. Chi nhánh của công ty để xảy ra hoạt động đánh bạc thì xử phạt chi nhánh hay công ty? Theo Điều 3 Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính như sau: - Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau đây: + Là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật; + Hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và hành vi đó được quy định tại nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. - Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. - Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của pháp nhân, tổ chức hoặc theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là pháp nhân, tổ chức đó và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức đó thực hiện. - Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện. => Theo quy định trên thì tùy vào việc chi nhánh thực hiện hành vi vi phạm có phải do thực hiện theo ủy quyền, chỉ đạo hay sự phân công, chấp nhận của công ty hay không. Nếu có thì sẽ xử phạt đối với công ty, nếu việc thực hiện vi phạm này không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của công ty thì sẽ xử phạt chi nhánh. Hi vọng thông tin trên hữu ích đối với bạn!
Hạt nhài là gì? Chê người khác hạt nhài có phải bồi thường?
Gần đây, dân cư mạng thường gọi nhau bằng thuật ngữ "hạt nhài", chắc hẳn biệt danh anh A hạt nhài hay chị B hạt nhài đang ngày càng được nhiều người sử dụng để gọi nhau như một biệt danh thân mật. Vậy, hạt nhài là gì? Chê người khác hạt nhài có phải bồi thường không? Hạt nhài là gì? Hạt nhài trong ngôn ngữ Gen Z là một cách chơi chữ để chỉ những câu chuyện hoặc tình huống hài hước nhưng không quá đặc sắc, kiểu "hài nhạt". Đây là một ví dụ về cách Gen Z sáng tạo và linh hoạt trong việc sử dụng ngôn ngữ để tạo ra những thuật ngữ mới và thú vị. Cách chơi chữ này thường được sử dụng trong các cuộc trò chuyện hàng ngày hoặc trên mạng xã hội để mô tả những tình huống mà mọi người cảm thấy không quá ấn tượng hoặc không gây cười nhiều như mong đợi. Ví dụ, nếu ai đó kể một câu chuyện cười mà không làm bạn cười, bạn có thể nói: "Câu chuyện đó đúng là hạt nhài." Trend "hạt nhài" trở nên phổ biến trong thời gian gần đây bắt nguồn từ nhân vật "Long Hạt Nhài" hay kênh YouTube "Hạt Nhài Family" một hiện tượng mạng nổi tiếng với những video hài hước và đời thường, thu hút hàng triệu lượt xem với các video về cuộc sống gia đình, du lịch, và nhiều nội dung giải trí khác. Mặc dù các video này không có quá nhiều "mảng, miếng" hài hước nhưng vẫn khiến người xem bật cười vì những điều khác biệt trong ngôn từ sử dụng, một chút “ngờ nghệch” cuốn hút từ nhân vật này và khiến người xem thích thú. Những video này thường mang lại tiếng cười nhẹ nhàng và sự gần gũi, khiến nhiều người yêu thích và theo dõi. Chê người khác hạt nhài có phải bồi thường không? Việc chê người khác hạt nhài là đùa, giỡn và không có ý định xúc phạm hay làm tổn thương người khác, thì thường sẽ không có vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, đôi khi những lời nói đùa có thể bị hiểu lầm và gây ra những cảm xúc không mong muốn, điều này có thể làm tổn thương cảm xúc của người bị chê và gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là việc chê một cách công khai hoặc trên mạng xã hội. Tại khoản 1 Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Nếu chê người khác hài nhạt và khiến họ bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 592 của Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, khoản 2 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác chịu trách nhiệm bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Những chi phí bồi thường thiệt hại do danh dự và nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm gồm: + Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại + Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút + Thiệt hại khác theo quy định. Mức bồi thường là do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Căn cứ tại Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định tăng lương cơ sở lên 2.340.000 đồng/tháng từ 1/7/2024 (mức cũ là 1.800.000 đồng) Do đó, hiện nay mức lương cơ sở là 2,340 triệu đồng/tháng. Vậy, người chê người khác hạt nhài có thể phải bồi thường tối đa là 23.400.000 triệu đồng. Ngoài ra, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện cung cấp, chia sẻ thông tin xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, đồng thời buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm này. Do đó, tùy tính chất và mức độ nghiêm trọng mà việc chê người khác là hạt nhài trên mạng xã hội gây xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm thì có thể bị phạt hành chính lên đến 20.000.000 đồng. Như vậy, hạt nhài là một thuật ngữ thú vị trong ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay, thường được dùng để chỉ những câu chuyện hoặc tình huống hài hước nhưng không quá đặc sắc, kiểu "hài nhạt". Tuy nhiên, tùy vào tính chất, mức độ khác nhau mà việc chê người khác hài nhạt và khiến họ bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm có thể phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
"Năm thê bảy thiếp" là gì? Kết hôn với người đang có vợ bị xử phạt ra sao?
Người xưa thường có câu "Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng". Vậy "Năm thê bảy thiếp" là gì? Tại sao lại có câu nói này? Hành vi kết hôn với người đang có vợ sẽ bị xử phạt như thế nào? “Năm thê bảy thiếp" là gì? "Năm thê bảy thiếp" nhằm ám chỉ việc một người đàn ông cưới nhiều vợ. Những người phụ nữ khi được gả vào gia đình mà người chồng có thêm nhiều vợ thì sẽ phải chịu cảnh chia sẻ chồng chung với những người phụ nữ khác. Vì sao đàn ông thời xưa thường "Năm thê bảy thiếp"? Thời xa xưa, trong hôn nhân, nữ giới không có quyền chủ động trừ khi họ là thiên kim tiểu thư. Nếu đã gả vào nhà ai thì họ phải chịu cảnh đó cho dù người đàn ông không ra gì cũng không được phép ly hôn. Thậm chí, họ còn phải chịu cảnh "chia" chồng với nhiều phụ nữ khác. Một trong những lý do dẫn đến việc người đàn ông thời xưa thường có năm thế bảy thiếp có thể kể đến: - Thời cổ đại, kinh tế kém phát triển, mọi xung đột đều được giải quyết bằng chiến tranh. Mỗi khi xã hội rối loạn, thì số lượng người chết không ít. Nhưng bất kể là loạn gì, phụ nữ bao giờ cũng được giữ lại. Chính vì thế, sau mỗi lần chiến loạn, tỷ lệ phụ nữ lại nhiều hơn nam giới, để cân bằng nên hai gái lấy chung một chồng là chuyện thường thấy. - Do sự xâm nhập của văn hóa của một số dân tộc thiểu số, thêm việc cứ vài trăm năm lại thay đổi triều đại và có sự ra đời một triều đại mới. Đây chính là một nguyên nhân quan trọng nhất. - Do trình độ y học còn kém, tỉ lệ sinh không cao, tỷ lệ trẻ sơ sinh chết yểu cũng cao, cộng thêm tuổi thọ của người cổ đại cũng ngắn. Giai cấp thống trị đương thời muốn gia tăng dân số để có thêm tô thuế, có thêm binh lính để bảo vệ thiên hạ của mình nên cổ vũ việc sinh nhiều. Với tư tưởng "đông con nhiều phúc" tỉ lệ sinh tăng mạnh, nam ít hơn nữ nên việc phụ nữ phải tự nguyện chung chồng là bình thường. - Đàn ông vốn tính háo sắc, tục ngữ có câu: "Vợ không bằng thiếp, thiếp không bằng lén lút vụng trộm", trong xã hội nặng tư tưởng nam quyền thì một người đàn ông có quá nhiều quyền hành trong tay việc cho mình thêm quyền có nhiều vợ cũng là điều dễ hiểu. Do đó, đàn ông ngày xưa thường "Năm thê bảy thiếp" là vậy. Kết hôn với người đang có vợ bị xử phạt ra sao? Người đàn ông ngày xưa có "Năm thê bảy thiếp" là chuyện thường tình và không bị lên án trong xã hội bấy giờ. Nhưng hiện nay, việc kết hôn với người mà khi biết rõ họ đã có vợ được xem là hành vi phạm pháp và sẽ bị xử lý hành chính theo quy định. (i) Kết hôn với người đang có vợ là hành vi vi phạm pháp luật Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình 2014, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình bao gồm: - Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo. - Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn. - Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. … Như vậy, việc người đang có vợ nhưng kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác là hành vi bị nghiêm cấm vi phạm về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình. Do đó, hành vi kết hôn với người đang có vợ là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định. (ii) Mức xử phạt đối với hành vi kết hôn với người đang có vợ Căn cứ khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về kết hôn sau đây: - Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ. - Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác. - Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ. - Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng. - Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn. Như vậy, hành vi kết hôn với người đang có vợ sẽ xử phạt hành chính với mức phạt tiền thấp nhất là 3 triệu đồng và cao nhất là 5 triệu đồng. Ai là người có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi kết hôn với người đang có vợ? Căn cứ khoản 2 Điều 83 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền: - Phạt cảnh cáo. - Phạt tiền đến 15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình. - Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định. - Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, e và i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012; các điểm a, b, đ, l, m và n khoản 3 Điều 3 Nghị định 82/2020/NĐ-CP. Như vậy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện là người có thẩm quyền xử phạt đối hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đã có vợ. Tóm lại, câu nói “Năm thê nảy thiếp” nhằm phản ánh thực trạng xã hội xưa, người đàn ông được cưới nhiều vợ, người phụ nữ thường chịu bất công phải chia sẻ chồng với những người phụ nữ khác. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, việc kết hôn với người đang có vợ là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định.
Ký hợp đồng dịch vụ vệ sinh có đóng bảo hiểm xã hội cho người cung ứng dịch vụ?
Ký hợp đồng dịch vụ vệ sinh có đóng bảo hiểm xã hội cho người cung ứng dịch vụ? Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội? Công ty trốn đóng bảo hiểm xã hội có bị xử phạt hành chính? 1. Ký hợp đồng dịch vụ vệ sinh có đóng bảo hiểm xã hội cho người cung ứng dịch vụ? Căn cứ Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội gồm: (i) Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc: - Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động. - Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng. - Cán bộ, công chức, viên chức. - Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu. - Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân. - Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí. - Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. - Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương. - Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. (ii) Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ. (iii) Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Như vậy, nếu doanh nghiệp ký hợp đồng dịch vụ vệ sinh lao động thì không phải đóng bảo hiểm xã hội cho người cung ứng dịch vụ. 2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội? Căn cứ Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: - Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. - Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. - Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. - Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. - Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng pháp luật. - Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động. - Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. - Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội thực hiện hành vi bị nghiêm cấm thì sẽ bị xử lý theo các quy định liên quan. 3. Công ty trốn đóng bảo hiểm xã hội có bị xử phạt hành chính? Căn cứ a khoản 7, khoản 10 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Theo đó, công ty trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể bị phạt tiền từ 50 - 75 triệu đồng. Đồng thời công ty còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể: - Bị buộc phải đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội. - Bị buộc nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian trốn đóng. Lưu ý: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP mức xử lý hành chính này là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với công ty (tổ chức) mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần. Như vậy, trường hợp công ty trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị xử phạt hành chính. Ngoài ra có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, khi công ty ký hợp đồng dịch vụ vệ sinh thì không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người cung ứng dịch vụ theo quy định.
Đề xuất quy định xử phạt hành chính về định danh điện tử
Bộ Công an đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Việc đề xuất quy định xử phạt hành chính về định danh điện tử là một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, việc định danh điện tử đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong việc xác thực, bảo mật thông tin và quản lý công dân. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những rủi ro về an ninh mạng và gian lận trong quá trình thực hiện cấp và sử dụng định danh điện tử. Vì vậy, việc đề xuất quy định xử phạt hành chính về định danh điện tử là cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi công dân và góp phần công tác quản lý phòng chống tội phạm được hiệu quả. (1) Ai được cấp định danh điện tử? Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 69/2024/NĐ-CP quy định về phân loại, đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử như sau: Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được cấp tài khoản định danh điện tử như sau: - Đối với công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã được cấp thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước còn hiệu lực được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02. + Công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi đã được cấp thẻ căn cước được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02 khi có nhu cầu. Công dân Việt Nam dưới 6 tuổi đã được cấp thẻ căn cước được cấp tài khoản định danh mức độ 01 khi có nhu cầu. - Đối với người nước ngoài từ đủ 06 tuổi trở lên đã được cấp thẻ thường trú, thẻ tạm trú tại Việt Nam được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02 khi có nhu cầu. Người nước ngoài dưới 06 tuổi được cấp thẻ thường trú, thẻ tạm trú tại Việt Nam được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01 khi có nhu cầu. - Đối với cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam được cấp tài khoản định danh điện tử không phân biệt theo mức độ. Như vậy, đối với công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02. Công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi đã được cấp thẻ căn cước được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02 khi có nhu cầu. Bài được viết theo dự thảo lần 03:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/04/du-thao-nd-sua-144.doc (2) Đề xuất quy định xử phạt hành chính về định danh điện tử Hiện nay, có một số trường hợp đã sử dụng thông tin không đúng sự thật, sử dụng tài khoản điện tử giả trong quá trình cấp và sử dụng định danh điện tử. Thế nhưng, pháp luật hiện hành lại không có quy định xử phạt về vấn đề này. Chính vì vậy, Bộ Công an đã dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Trong đó bổ sung thêm các hành vi vi phạm và mức phạt cụ thể. Theo khoản 17 Điều 1, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung Điều 22a vào sau Điều 22 Nghị định 144/2021/NĐ-CP đối với việc xử phạt về hành vi vi phạm quy định về cấp định danh và xác thực điện tử; sử dụng ứng dụng định danh và xác thực điện tử như sau: - Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 - 500 nghìn đồng đối với một trong những hành vi sau đây: + Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp tài khoản định danh điện tử. + Không thực hiện đúng quy định về việc xác thực điện tử. - Phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: + Chiếm đoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử của cá nhân. + Cung cấp thông tin về danh tính điện tử giả để được định danh cá nhân. - Phạt tiền từ 02 - 04 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: + Làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả để được cấp tài khoản định danh điện tử. + Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp tài khoản định danh điện tử. + Cung cấp thông tin về danh tính điện tử giả để được định danh tổ chức. - Phạt tiền từ 04 - 06 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: + Làm giả tài khoản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. + Sử dụng tài khoản định danh điện tử giả. + Chiếm đoạt tài khoản định danh điện tử của tổ chức. + Mua, bán, thuê, cho thuê tài khoản định danh điện tử. + Mượn, cho mượn tài khoản định danh điện tử để người khác thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật. - Phạt tiền từ 06 - 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: + Sử dụng tài khoản định danh điện tử vào hoạt động, giao dịch trái quy định của pháp luật; xâm phạm đến an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. + Tạo lập ứng dụng định danh và xác thực điện tử giả; tổ chức làm giả tài khoản định danh và xác thực điện tử. + Can thiệp trái phép vào việc sử dụng ứng dụng định danh và xác thực điện tử của cá nhân, tổ chức. + Cản trở việc thực hiện phương thức xác thực điện tử trong thực hiện giao dịch thông qua hệ thống định danh và xác thực điện tử. Như vậy, Bộ Công đã đề xuất dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 144/2021/NĐ-CP, trong đó có hai hình thức là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi vi phạm. Mức phạt tiền cao nhất là 10 triệu đồng khi công dân vi phạm một trong bốn hành vi được dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 22a. Tóm lại, dự thảo đã đề xuất hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với các hành vi vi phạm cấp định danh và xác thực điện tử; sử dụng ứng dụng định danh và xác thực điện tử. Tùy vào từng hành vi, tính chất, mức độ mà mức xử phạt sẽ khác nhau. Bài được viết theo dự thảo lần 03:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/04/du-thao-nd-sua-144.doc
Đề xuất mức phạt mới khi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng
Bộ Công Thương dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Trong đó, đề xuất mức phạt mới khi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trở thành điểm đáng chú ý của dự thảo Vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng đang trở thành vấn đề nghiêm trọng trong thời đại kỹ thuật số. Với sự phát triển của công nghệ, thông tin cá nhân của người tiêu dùng dễ dàng bị xâm phạm, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã đưa ra đề xuất mức phạt mới nhằm xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm. (1) Bảo vệ thông tin người của tiêu dùng Theo Điều 15 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định về bảo vệ thông tin người của tiêu dùng như sau: - Tổ chức, cá nhân kinh doanh tự mình hoặc ủy quyền, thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng phải bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan. - Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng thi phải được sự đồng ý của người tiêu dùng. Việc ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba phải được thực hiện bằng văn bản, trong đó quy định rõ phạm vi, trách nhiệm của mỗi bên trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan. - Trường hợp người tiêu dùng thực hiện giao dịch thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba có trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan. Như vậy, theo luật quy định các tổ chức, cá nhân khi thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng phải bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng. Trường hợp không thực hiện đúng việc bảo đảm an toàn thông tin cho người tiêu dùng thì đây là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt. (2) Đề xuất mức phạt mới khi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng Bài được viết theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP ( lần thứ 03):https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/24/du-thao-nghi-dinh.pdf Theo Điều 46 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định mức phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng là bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Tuy nhiên, theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP đã tăng mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm này. - Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: + Không lập văn bản để thực hiện ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng theo quy định. + Lập văn bản ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng nhưng nội dung văn bản không quy định hoặc quy định không rõ phạm vi, trách nhiệm của mỗi bên trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật có liên quan. + Ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng nhưng chưa được sự đồng ý của người tiêu dùng. + Không xây dựng hoặc xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin áp dụng chung cho người tiêu dùng không đầy đủ các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng + Không công khai hoặc công khai quy tắc bảo vệ thông tin áp dụng chung cho người tiêu dùng không đúng hình thức quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. + Không tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận quy tắc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trước hoặc tại thời điểm thu thập thông tin. + Không thông báo hoặc thông báo không rõ ràng, không công khai hoặc hình thức thông báo không phù hợp với người tiêu dùng về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng thông tin, thời hạn lưu trữ thông tin của người tiêu dùng trước khi thực hiện thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng. + Thực hiện thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng khi chưa được người tiêu dùng đồng ý theo quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 45 Nghị định 98/2020/NĐ-CP. + Không thiết lập hoặc thiết lập phương thức không rõ ràng để người tiêu dùng lựa chọn phạm vi thông tin đồng ý cung cấp và bày tỏ sự đồng ý hoặc không đồng ý theo quy định. + Không thông báo lại cho người tiêu dùng trước khi thay đổi mục đích, phạm vi sử dụng thông tin đã thông báo cho người tiêu dùng hoặc thay đổi mục đích, phạm vi sử dụng thông tin đã thông báo cho người tiêu dùng khi chưa được người tiêu dùng đồng ý. + Sử dụng thông tin của người tiêu dùng không chính xác, không phù hợp với mục đích, phạm vi đã thông báo. + Không có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn việc cho phép hoặc không cho phép thực hiện một trong các hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều 18 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. + Không thực hiện yêu cầu của người tiêu dùng về việc kiểm tra, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ, chuyển giao, ngừng chuyển giao thông tin của người tiêu dùng hoặc không cung cấp cho người tiêu dùng công cụ, thông tin để tự thực hiện theo quy định của pháp luật. + Không hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng khi hết thời hạn lưu trữ theo quy tắc bảo vệ thông tin áp dụng chung cho người tiêu dùng hoặc quy định của pháp luật. - Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: + Không có biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng khi thu thập, lưu trữ, sử dụng hoặc không có biện pháp ngăn ngừa các hành vi vi phạm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng theo quy định; - Không tiếp nhận hoặc không giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến việc thông tin bị thu thập trái phép, sử dụng sai mục đích, phạm vi đã thông báo; + Không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện hệ thống thông tin bị tấn công hoặc không thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng theo quy định trong trường hợp hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng. + Chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng theo quy định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. + Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 khoản 2 Điều 46 trong trường hợp thông tin có liên quan là dữ liệu cá nhân nhạy cảm của người tiêu dùng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 + Phạt tiền gấp bốn lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 khoản 2 Điều 46 trong trường hợp hành vi vi phạm do tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn thực hiện. Như vậy, so với nghị định hiện hành, dự thảo nghị định đã tăng mức phạt hành chính trong trường hợp vi phạm bảo vệ thông tin người dùng. Tóm lại, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP đã đề xuất tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng. Tùy vào tính chất, mức độ, hành vi mà mức xử phạt sẽ khác nhau. Bài được viết theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP ( lần thứ 03):https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/24/du-thao-nghi-dinh.pdf
Đề xuất phạt đến 30 triệu đối với cá nhân khi đưa thông tin thuộc bí mật kinh doanh lên mạng xã hội
Ngày 02/05/2024 Bộ Tư pháp công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Dự kiến các nhóm hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng Dự kiến các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng sẽ chia thành 05 nhóm như sau: - Nhóm “Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh thông tin” - Nhóm “Vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân” - Nhóm “Vi phạm quy định về phòng, chống tấn công mạng” - Nhóm “Vi phạm quy định về triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng” - Nhóm “Vi phạm về phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội” Đề xuất xử phạt hành vi đưa thông tin thuộc bí mật kinh doanh lên mạng xã hội Căn cứ Điều 12 Dự thảo quy định Vi phạm quy định về bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật công tác, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng các biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước phòng, chống lộ, mất bí mật nhà nước qua các kênh kỹ thuật. 2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các hành vi sau đây: a) Làm ra, lưu trữ thông tin thuộc bí mật nhà nước trên máy tính có kết nối Internet hoặc trao đổi thông tin mạng bí mật nhà nước trên không gian mạng trái quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; b) Đưa lên không gian mạng thông tin thuộc bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật; c) Không thực hiện yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng về phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; d) Thay đổi, hủy bỏ hoặc vô hiệu hóa trái phép các biện pháp kỹ thuật được xây dựng, sử dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước. 3. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này; b) Đình chỉ, tạm đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này; c) Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động của trang thông tin điện tử từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này. 4. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc xây dựng, áp dụng biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước phòng, chống lộ, mất bí mật nhà nước qua các kênh kỹ thuật đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này; b) Buộc tiêu hủy sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm gây lộ, mất bí mật nhà nước, không bảo đảm an ninh mạng đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này; c) Buộc kiểm tra an ninh mạng lại đối với các sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm phục vụ bảo vệ bí mật nhà nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này; d) Buộc xóa, hủy đến mức không thể khôi phục dữ liệu về thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật công tác, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng vi phạm quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này. Như vậy, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 12 Dự thảo quy định hành vi đưa thông tin thuộc bí mật kinh doanh lên mạng xã hội có thể bị xủa phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với cá nhân. Đồng thời căn cứ điểm d khoản 4 điều 12 Dự thảo quy định xử phạt bổ sung Buộc xóa, hủy đến mức không thể khôi phục dữ liệu về thông tin thuộc bí mật kinh doanh.
Đề xuất phạt lên đến 30 triệu đồng khi đưa bí mật đời sống riêng tư lên mạng xã hội
Ngày 02/05/2024 Bộ Tư pháp đã công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Dự kiến các nhóm hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng Dự kiến các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng sẽ chia thành 05 nhóm như sau: - Nhóm “Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh thông tin” - Nhóm “Vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân” - Nhóm “Vi phạm quy định về phòng, chống tấn công mạng” - Nhóm “Vi phạm quy định về triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng” - Nhóm “Vi phạm về phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội” Đề xuất xử phạt hành vi đưa lên không gian mạng bí mật đời sống riêng tư Căn cứ Điều 12 Dự thảo quy định Vi phạm quy định về bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật công tác, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng các biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước phòng, chống lộ, mất bí mật nhà nước qua các kênh kỹ thuật. 2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các hành vi sau đây: a) Làm ra, lưu trữ thông tin thuộc bí mật nhà nước trên máy tính có kết nối Internet hoặc trao đổi thông tin mạng bí mật nhà nước trên không gian mạng trái quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; b) Đưa lên không gian mạng thông tin thuộc bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật; c) Không thực hiện yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng về phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; d) Thay đổi, hủy bỏ hoặc vô hiệu hóa trái phép các biện pháp kỹ thuật được xây dựng, sử dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước. 3. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này; b) Đình chỉ, tạm đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này; c) Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động của trang thông tin điện tử từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này. 4. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc xây dựng, áp dụng biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước phòng, chống lộ, mất bí mật nhà nước qua các kênh kỹ thuật đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này; b) Buộc tiêu hủy sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm gây lộ, mất bí mật nhà nước, không bảo đảm an ninh mạng đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này; c) Buộc kiểm tra an ninh mạng lại đối với các sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm phục vụ bảo vệ bí mật nhà nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này; d) Buộc xóa, hủy đến mức không thể khôi phục dữ liệu về thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật công tác, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng vi phạm quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này. Như vậy, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 12 Dự thảo hành vi đưa lên không gian mạng bí mật đời sống riêng tư trái pháp luật có thể bị xủa phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Đồng thời căn cứ điểm b khoản 4 điều 12 Dự thảo quy định xử phạt bổ sung Buộc tiêu hủy sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm gây lộ, mất bí mật nhà nước, không bảo đảm an ninh mạng đối với các hành vi vi phạm.
Người ngồi sau xe máy không đội mũ bảo hiểm thì ai mới là người bị phạt?
Tài xế grab chở khách, nếu khách không chịu đội mũ bảo hiểm thì ai sẽ bị xử phạt? Người điều khiển xe – tài xế bị phạt hay người ngồi sau bị phạt? Người ngồi sau xe máy không đội mũ bảo hiểm thì ai bị phạt? Tại khoản 2 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định rõ “Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.” Như vậy, cho dù là người điều khiển hay người ngồi sau xe thì đã tham gia giao thông là bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm, nếu vi phạm chắc chắn sẽ bị xử phạt tương ứng. Căn cứ theo khoản 6 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ như sau: Đối với người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây thì sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng: - Bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh, đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; - Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ.”. Đồng thời, tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được bổ sung bởi Điểm b Khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về việc xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau: Người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây thì bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng: … - Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ; - Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.”; => Từ những quy định nêu trên, có thể thấy nếu người ngồi sau xe không đội mũ bảo hiểm thì cả người ngồi sau lẫn người chở (người điều khiển phương tiện) đều sẽ bị xử phạt tương ứng với hành vi vi phạm của mình. Cụ thể, với hành vi này thì người điều khiển xe và người ngồi sau có thể bị xử phạt từ 400.000 - 600.000 đồng. Đội mũ bảo hiểm như thế nào là đúng? Căn cứ theo Điều 8 Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT thì người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy khi sử dụng mũ bảo hiểm tham gia giao thông cần phải lưu ý một số quy định sau đây khi cài quai mũ: - Kéo quai mũ bảo hiểm sang hai bên rồi đội mũ và đóng khóa mũ lại. Không được để quai mũ lỏng lẻo mà phải đóng khít với cằm; - Sau khi đội mũ bảo hiểm cần kiểm tra lại bằng cách: dùng tay kéo mũ từ đằng sau ra đằng trước hoặc nâng phần trên trước trán (hoặc phần cằm đối với mũ cả hàm) lên rồi kéo ra đằng sau, mũ không được bật ra khỏi đầu.
"Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng" là gì? Lựa chọn giới tính thai nhi có trái luật?
"Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng" mang ý nghĩa gì và việc lựa chọn giới tính thai nhi có trái với quy định của luật hay không? "Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng" là gì? Nghề nông, đặc biệt là nghề trồng lúa luôn là đặc sản nổi bật của ông cha ta. Ruộng lúa là tài sản giá trị nuôi sống cả một gia đình, những mầm lúa, hạt gạo chính là nguồn lương thực chủ yếu nuôi sống chúng ta. Vì vậy, ruộng lúa luôn được ông cha ta quý trọng. Với câu khẳng định “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng, chúng ta thấy được hình ảnh ruộng sâu, là một gợi ý giúp hình dung về các mảnh ruộng sâu tươi tốt, không phải bỏ quá nhiều công sức để tát nước hay làm cỏ. Hầu hết phân bón hay chất dinh dưỡng nuôi dưỡng đều chảy về nơi ruộng sâu, vì thế việc chăm sóc thảnh thơi hơn so với các mẫu ruộng nông khác. Với hình ảnh trâu nái, là sự thịnh vượng, mang lại tài lộc cho người nông, bởi trâu nái sẽ để ra chú nghé con, kinh tế cũng từ đó mà phát triển. Vậy nếu so sánh ruộng sâu và trâu nái cũng chẳng bằng con gái đầu lòng, được hiểu ngầm là đề cao việc đẻ con gái đầu, là niềm tự hào của bậc sinh thành. Có gái lớn trong nhà có thể đỡ đần các công việc thay cho bố mẹ khi đi vắng, quán xuyến việc nhà và phụ giúp chăm lo cho đàn em thơ. Chưa dừng lại ở đó, nếu con gái cả trong nhà có đầy đủ công, dung, ngôn, hạnh, được cưới gả vào gia đình danh giá của mang lại tiếng thơm cho cả gia đình, cả dòng họ. Qua phân tích trên, chúng ta hiểu thêm một ý nghĩa mà từ lâu đã không được làm rõ trong câu nói ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng. Và cũng trong thời đại ngày nay, việc trọng nam khinh nữ cũng đã giảm dần theo thời gian, sự bình đẳng giữa con cái đã được coi trọng và cải thiện. Lựa chọn giới tính thai nhi vì muốn sinh con gái đầu lòng là trái luật đúng không? Qua phân tích câu nói trên, không ít gia đình mong muốn sinh con gái đầu lòng thông qua việc lựa chọn giới tính thai nhi. Vậy lựa chọn giới tính thai nhi có trái luật không? Dẫn chiếu đến điểm g khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định lựa chọn giới tính thai nhi là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Đồng thời tại Điều 10 Nghị định 104/2003/NĐ-CP có quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, bao gồm: - Tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới các hình thức: tổ chức nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi hình, ghi âm; tàng trữ, lưu truyền tài liệu, phương tiện và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác về phương pháp tạo giới tính thai nhi. - Chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp: xác định qua triệu chứng, bắt mạch; xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào; siêu âm, .... - Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác. Như vậy, trường hợp vì muốn sinh con gái đầu lòng mà lựa chọn giới tính thai nhi thông qua các hình thức như xác định qua triệu chứng, bắt mạch; xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào; siêu âm,.... thì đều là trái với quy định của pháp luật. Hay nói cách khác, mọi hành vi lựa chọn giới tính thai nhi đều là trái luật. Lưu ý: Tại khoản 1 Điều 100 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính. Cụ thể theo quy định này nếu phụ nữ mang thai thực hiện phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi thì bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Tóm lại, câu nói "Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng" cho thấy rằng việc sinh con gái đầu lòng là phước phần và cũng là niềm tự hào của nhiều cha mẹ. Tuy nhiên cần lưu ý việc lựa chọn giới tính thai nhi là trái với quy định của pháp luật. Do vậy, mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thức về tác hại của việc lựa chọn giới tính thai nhi và tuân thủ quy định của pháp luật để bảo vệ sức khỏe sinh sản và đạo đức xã hội.
Rượu vào, lời ra là gì? Rượu vào, lời ra gây mất trật tự công cộng có bị xử phạt hành chính không?
Ắt hẳn ai cũng đã từng nghe thấy câu nói rượu vào lời ra trên bàn nhậu. Thế nhưng ít ai hiểu rõ được câu rượu vào lời ra nghĩa là gì. Vậy rượu vào, lời ra là gì? Rượu vào, lời ra gây mất trật tự công cộng có bị xử phạt không? Câu hỏi của anh H.T (Long An) 1. Rượu vào, lời ra là gì? Câu "Rượu vào, lời ra" là một tục ngữ Việt Nam ám chỉ rằng khi một người uống rượu và say xỉn, họ thường mất khả năng kiểm soát và có thể nói ra những điều mà họ không nói khi tỉnh táo. Nói cách khác, rượu có thể khiến người ta bộc lộ những suy nghĩ hoặc cảm xúc thật sự mà họ thường giấu kín. Đây là một quan sát về cách rượu ảnh hưởng đến hành vi và lời nói của con người, và thường được dùng để cảnh báo về việc nói lời không kiểm soát khi say rượu. 2. Rượu vào, lời ra gây mất trật tự công cộng có bị xử phạt hành chính không? Căn cứ khoản 2 và khoản 13 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về trật tự công cộng như sau: - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: + Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng; + Tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng; + Để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; + Thả diều, bóng bay, các loại đồ chơi có thể bay ở khu vực cấm, khu vực mục tiêu được bảo vệ; + Sử dụng tàu bay không người lái hoặc phương tiện bay siêu nhẹ chưa được đăng ký cấp phép bay hoặc tổ chức các hoạt động bay khi chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép; + Cản trở, sách nhiễu, gây phiền hà cho người khác khi bốc vác, chuyên chở, giữ hành lý ở chợ, bến tàu, bến xe, sân bay, bến cảng, ga đường sắt và nơi công cộng khác; + Đốt và thả “đèn trời”; + Không có đủ hồ sơ, tài liệu mang theo khi khai thác tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; + Tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ khi người trực tiếp khai thác, sử dụng chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay; + Tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ khi phương tiện bay chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay; + Phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền. - Hình thức xử phạt bổ sung: + Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, d, đ và g khoản 2; điểm đ khoản 3; các điểm b, e và i khoản 4; các điểm a, b và c khoản 5; các khoản 6 và 10 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Như vậy, hành vi rượu vào, lời ra gây mất trật tự công cộng có thể bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Đồng thời, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật. 3. Hành vi rượu vào, lời ra gây mất trật tự công cộng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Căn cứ Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội gây rối trật tự công cộng như sau: - Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: + Có tổ chức; + Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; + Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; + Xúi giục người khác gây rối; + Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; + Tái phạm nguy hiểm. Như vậy, người có hành vi rượu vào, lời ra gây mất trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Mèo mả gà đồng là gì? Ngoại tình có phải là mèo mả gà đồng không?
Cho tôi hỏi dân gian thường có câu mèo mả gà đồng, vậy mèo mả gà đồng nghĩa là gì? Có phải ngoại tình là mèo mả gà đồng đúng không? Câu hỏi của chị Linh (Đồng Nai) 1.Mèo mả gà đồng là gì? Về nghĩa đen: Mèo mả là loài hoang trái ngược mèo nhà, thường sống ở các bãi tha ma, nghĩa địa không có chủ, không có nhà cửa thường đi lang thang để kiếm ăn. Gà đồng là loài gà hoang thường sống ở cánh đồng hay đồi núi, lang thang không có chỗ ở nhất định. Về nghĩa bóng: Mèo mả gà đồng là thành ngữ mang ý nghĩa chỉ những người không có nhà cửa nơi ở cố định, nay đây mai đó, sống buông thả, không có gia đình, không có đạo đức. Thường dùng để ám chỉ những người có thói trăng hoa bay bướm, có các mối quan hệ nam nữ bất chính, lăng nhăng, lẳng lơ, bỏ mặc vợ (chồng ), con cái đi theo người tình. Đây là cách hiểu xuất phát từ hành động của mèo mả và gà đồng chính là mèo hoang và gà hoang. Nghĩa là dùng chuyện mèo – gà để ám chỉ chuyện yêu đương không nằm trong lễ giáo gia đình, trăng hoa. 2.Ngoại tình có phải là mèo mả gà đồng không? Hiện nay, khi nhắc đến câu “Mèo mả gà đồng” người ta thường nghĩ đó là hành vi ngoại tình. “Mèo mả gà đồng” là câu thành ngữ được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay nói về hành động trái với luân thường đạo lý, tùy tiện ngả ngớn trong những mối quan hệ vụng trộm của con người, đồng thời phê phán hành vi phản bội lòng chung thủy trong tình yêu. Theo đó, ngoại tình là hành vi có mối quan hệ tình cảm, thân mật với người khác ngoài mối quan hệ chính thức của mình, điển hình là mối quan hệ vợ chồng. Một số đặc điểm điển hình cho hành vi ngoại tình: - Có mối quan hệ tình cảm với người khác ngoài vợ/chồng của mình, phản bội lòng tin và cam kết trong hôn nhân; - Đối tượng của ngoại tình có thể là bạn bè, đồng nghiệp, người quen hoặc người lạ; - Ngoại tình bao gồm những hành vi như hẹn hò, tán tỉnh, quan hệ thân mật với người khác; ... Như vậy, ngoại tình là một ví dụ điển hình cho câu thành ngữ “Mèo mả gà đồng” nói đến sự lăng nhăng về mặt tình cảm, tình yêu, là hành vi không chung thủy với vợ/chồng hoặc người bạn đời. Đồng thời, ngoại tình là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ly hôn và tan vỡ hạnh phúc gia đình. Vì vậy, mọi hành vi ngoại tình đều bị lên án về mặt đạo đức và pháp luật. 3.Vợ hoặc chồng ngoại tình sẽ bị xử phạt ra sao? Ngoại tình là hành vi vi phạm về chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, hành vi trái đạo đức xã hội và thuần phong mĩ tục dân tộc Việt Nam, xâm phạm đến chế độ hôn nhân và gia đình được pháp luật bảo vệ. Theo đó, tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm mà vợ hoặc chồng ngoại tình có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau: Xử phạt hành chính Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: - Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; - Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; - Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; - Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; - Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn. Theo đó, ngoại tình là hành vi vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác hoặc hành vi chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ, Như vậy, nếu bị phát hiện có thể bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Truy cứu trách nhiệm hình sự Hành vi ngoại tình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 182 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng cụ thể: - Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: + Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: + Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; + Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó. Như vậy, người có hành vi ngoại tình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt đến 03 năm tù.
Tái phạm sau khi bị XPHC về xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có bị truy cứu TNHS?
Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác bị xử lý như thế nào? Người vi phạm sẽ phải chịu những loại trách nhiệm gì khi tiếp tục vi phạm sau khi đã bị xử phạt hành chính về hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm? Bài viết sau đây sẽ giúp người đọc giải đáp những thắc mắc trên. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm là gì? Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm là gì. Tuy nhiên tại Điều 20 Hiến pháp 2013 có quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.” Như vậy, danh dự nhân phẩm của con người là đối tượng được Pháp luật bảo vệ, nếu xâm phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Mức xử phạt khi vi phạm hành chính về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm - Tại điểm a Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. - Tại điểm b Khoản 2 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ. - Tại Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình: + Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình. + Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình; Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. + Đồng thời, có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu và buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh. Có thể thấy Pháp luật quy định mức xử phạt của hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm cao nhất là 20 triệu và buộc khắc phục hậu quả, thấp nhất là 2 triệu. Khi nào hành vi phạm tội được xem là tái phạm? Theo Khoản 5 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020: Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt; cá nhân đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà lại thực hiện hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau: - Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. - Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Như vậy sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính và đã chấp hành xong quyết định xử phạt, tùy theo quyết định xử phạt trong thời hạn 06 tháng hoặc 01 năm kể từ ngày chấp hành xong hoặc hết thời hiệu thi hành mà không tái phạm thì người đó sẽ được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức xử phạt khi tái phạm - Theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì vi phạm hành chính nhiều lần, tái phạm là một trong những tình tiết tăng nặng. Tại điểm d khoản 1 Điều 3 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần, một người vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng. Như vậy, nếu Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực không quy định hành vi vi phạm hành chính nhiều lần là tình tiết tăng nặng thì vi phạm hành chính nhiều lần bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. - Trường hợp tái phạm và trường hợp nghị định quy định vi phạm hành chính nhiều lần là tình tiết tiết tăng nặng thì xử lý như sau: + Khoản 4 Điều 23 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính: Là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt. Chính phủ quy định chi tiết khoản này. + Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc sau đây: Thứ nhất, khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng; Thứ hai, mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt. Có bị truy cứu TNHS nếu tiếp tục tái phạm sau khi đã bị XPHC không ? Theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật hình sự 2013 quy định: Tại Khoản 1, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Tại Khoản 2, sẽ bị phạt tù từ 02 tháng đến 03 năm nếu thuộc trường hợp phạm tội từ 02 lần trở lên. Như vậy, người đã bị xử phạt hành chính với hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác nếu tiếp tục vi phạm thì chưa chắc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chỉ khi trong trường hợp họ xúc phạm nghiêm trọng và đã bị xử lý theo Khoản 1 nêu trên và phạm tội lần 2 thì sẽ tiếp tục bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị phạt tù.
Dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính ô tô sau khi va chạm giao thông có bị phạt tù không?
Sáng 13/03/2024, tại thành phố Vinh ghi nhận trường hợp dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính xe sau khi va chạm giao thông. Vậy trường hợp này bị xử phạt ra sao? Có bị phạt tù không? Làm người tài xế ô tô bị thương thì có phải bồi thường không? (1) Dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính ô tô sau khi va chạm giao thông bị xử phạt thế nào? Tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 03 đến 05 triệu đồng với những hành vi như sau: Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, cũng theo Điều 15, người vi phạm hành vi nêu trên còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (trục xuất với trường hợp vi phạm là người nước ngoài). Đồng thời, người vi phạm còn buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm của mình. Như vậy, trường hợp dùng mũ bảo hiểm đập vỡ cửa kính xe ô tô sau khi xảy ra va chạm giao thông có thể xử phạt lên đến 05 triệu đồng, tịch thu tang vật/phương tiện vi phạm và buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của kính xe. (2) Đập vỡ kính xe làm tài xế bị thương thì phải bồi thường như thế nào? Trường hợp sau khi xảy ra va chạm giao thông mà dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính làm người điều khiển xe ô tô bị thương thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; …” Như vậy, việc dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính làm người điều khiển xe ô tô bị thương thì người vi phạm có thể bị xử phạt lên đến 08 triệu đồng. Đồng thời, còn buộc phải chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm. (3) Dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính ô tô sau khi va chạm giao thông có bị phạt tù không? Căn cứ theo Điều 178 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau: “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; đ) Tài sản là di vật, cổ vật.” Theo đó, người có hành vi dùng mũ bảo hiểm đập vỡ cửa kính xe ô tô sau khi xảy ra va chạm giao thông có thể bị xử phạt từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu thuộc một trong những trường hợp như đã nêu trên. Tổng kết lại, hành vi dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính xe ô tô sau khi xảy ra va chạm giao thông như trường hợp tại thành phố Vinh thời gian vừa qua. Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 05 triệu đồng, buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu của kính xe. Nếu hành vi này làm người lái xe bị thương thì bị xử phạt đến 08 triệu đồng đồng thời bồi thường toàn bộ chi phí khám chữa bệnh. Trường hợp nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng mức phạt tù lên đến 03 năm.