DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Thông thầu: Khi nào bị phạt hành chính, khi nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Avatar

 

Thông thầu là một trong những hành vi bị cấm theo Luật Đấu thầu nhằm đảm bảo tính minh bạch cho hoạt động đấu thầu. Quy định pháp luật hiện nay thì hành vi thông thầu này sẽ bị xử lý như thế nào? Xử phạt hành chính hay xử lý hình sự?

Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thông thầu như thế nào?

Theo khoản 3 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 thì những hành vi sau đây được gọi là thông thầu:

- Dàn xếp, thỏa thuận, ép buộc để một hoặc các bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu hoặc rút hồ sơ dự thầu để một bên trúng thầu;

- Dàn xếp, thỏa thuận để từ chối cung cấp hàng hóa, dịch vụ, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc thực hiện các hình thức thỏa thuận khác nhằm hạn chế cạnh tranh để một bên trúng thầu;

- Nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu.

Hành vi thông thầu là hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu (Điều 16. Các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu).

Theo khoản 2 Điều 37 Nghị định 122/2021/NĐ-CP có quy định hành vi thông thầu sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng mà không phải là tội phạm theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015.

Lưu ý, theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP thì mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với tổ chức vi phạm, nếu cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 so với mức phạt tiền này.

thong-thau

Truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi thông thầu trong trường hợp nào?

Theo điểm b khoản 1 Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015, được bổ sung bởi điểm k khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, cụ thể:

“1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

b) Thông thầu;

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

…”

Như vậy, theo như quy định thì người nào thực hiện một trong những hành vi thông thầu như đã nêu ở trên mà gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Hình phạt cao nhất đối với người phạm tội là 20 năm tù trong trường hợp gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tóm lại, nếu như không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi thông thầu như vừa phân tích ở trên thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng (đối với tổ chức vi phạm) hoặc từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng (đối với cá nhân vi phạm) tùy từng trường hợp cụ thể.

  •  152
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…