DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

"Trăm nghe không bằng một thấy" là gì? Tung tin đồn thất thiệt bị xử phạt hành chính ra sao?

Avatar

 

Tục ngữ Việt Nam là giá trị văn hóa dân gian được truyền lại qua nhiều thế hệ. Mỗi câu tục ngữ mang một ý nghĩa, một tinh thần khác nhau và nói về một vấn đề nào đó trong xã hội. Vậy câu tục ngữ "Trăm nghe không bằng một thấy" có nghĩa là gì và nó mang lại bài học gì trong cuộc sống?

"Trăm nghe không bằng một thấy" nghĩa là gì? Người tung tin đồn thất thiệt bị xử phạt hành chính ra sao?

1. "Trăm nghe không bằng một thấy" nghĩa là gì?

Câu tục ngữ "Trăm nghe không bằng một thấy" có ý muốn nhắc nhở mỗi con người cần sống chậm, lắng nghe quan sát nhiều hơn trước mọi sự vật, mọi câu chuyện trong cuộc sống thay vì nghe thông tin từ một người nào đó mà không xác định được độ tin cậy, chính xác của thông tin đó.

- "Trăm nghe" có thể hiểu là: Trong quá trình truyền tai nhau về câu chuyện nào đó, sự thật của mỗi câu chuyện đều được thêm ý khác thành nhiều dị bản khác nhau. Chính vì vậy mà đôi khi câu chuyện mỗi người nghe được hoàn toàn trái ngược với sự thật thực tế diễn ra. 

Người nghe thường dễ tin tưởng vào những gì họ nghe được hoặc nghe kể đồn thổi từ một nguồn thông tin không xác thực, cho dù họ không chứng kiến sự việc hay biết về nhân vật, sự việc được nói đến nhưng vẫn kể những câu chuyện sai sự thật đó cho những người khác. Từ đó dẫn đến hiểu nhầm không mong muốn và nhiều khi còn gánh thiệt vào chính bản thân. 

- “Một thấy” là từ ám chỉ mỗi người nên chứng kiến sự việc diễn ra hoặc đã tìm hiểu xác minh thật kỹ càng trước khi tin hoặc trước khi nói. Việc tận mắt theo dõi, tìm hiểu sẽ có giá trị hơn rất nhiều so với việc nghe đồn từ người khác. 

Chính vì vậy, "Trăm nghe không bằng một thấy" là câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta không nên chỉ nghe những lời đồn thổi mà vội vàng tin và kết luận một vấn đề nào đó. Để chắc chắn bất cứ sự việc, câu chuyện nào, chúng ta đều nên trực tiếp quan sát kĩ càng, có sự suy xét trước khi kết luận.

2. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mỗi công dân được quy định như thế nào?

Lời đồn thổi đôi khi sẽ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Theo đó, về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mỗi công dân được quy định cụ thể tại Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
 
- Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
 
- Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
 
- Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
 
- Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
 
- Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

3. Người tung tin đồn thất thiệt bị xử phạt hành chính ra sao?

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì người tung tin đồn thất thiệt về người khác nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Đồng thời, người tung tin đồn thất thiệt buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn và buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm, trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu (theo khoản 14 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Trong trường hợp người tung tin đồn thất thiệt có lời nói đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng và buộc xin lỗi công khai (theo điểm b khoản 2, khoản 4 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Trường hợp người tung tin đồn thất thiệt nhằm lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu (Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Kết luận: Câu tục ngữ "Trăm nghe không bằng một thấy" nhằm nhắc nhở mỗi chúng ta nên tự xác thực, tự chứng kiến sự việc xảy ra chứ không nên tin theo nhưng lời đồn thổi thất thiệt.

Chúng ta đều hiểu rõ giao tiếp chính là chìa khóa kết nối những mối quan hệ. Các mối quan hệ được xây dựng trên sự tin tưởng và sự thật sẽ luôn bền vững. Nếu chúng ta bỏ qua những điều đó mà lựa chọn tin và lời bịa đặt hay những câu chuyện chưa rõ đúng sai thì rất khó để chúng ta giao tiếp, tạo dựng mối quan hệ với mọi người. Do đó, việc tận mắt theo dõi, tìm hiểu sẽ có giá trị hơn rất nhiều so với việc nghe đồn từ người khác. 

Đồng thời, khi không xác thực độ chính xác của thông tin mình nghe được mà đi đồn thổi thông tin đó cho người khác nhiều khi sẽ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó. Bởi vì pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mỗi công dân nên khi có hành vi vi phạm liên quan đến vấn đề này thì chắc chắn sẽ bị xử phạt.

  •  402
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…