DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Chính sách mới về giáo dục, y tế, văn hóa có hiệu lực từ tháng 5/2023

Avatar

 

Bước qua tháng 5/2023, có nhiều chính sách nổi bật về kiểm toán, giáo dục, văn hóa, y tế bắt đầu có hiệu lực. Trong đó, những quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán, các hình thức đăng ký thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2023 hay những lĩnh vực về y tế, phim ảnh cũng được đề cập trong bài viết này. 

(1) Chậm gửi báo cáo định kỳ Kiểm toán viên có thể bị phạt đến 30 triệu đồng 

Ngày 28/02/2023 Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ban hành Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước.

Theo đó, Kiểm toán viên chậm gửi báo cáo định kỳ có thể bị phạt hành chính từ 15 - 30 triệu đồng.

Cụ thể, xử phạt hành vi vi phạm quy định về gửi báo cáo định kỳ như sau:

Phạt cảnh cáo đối với cá nhân hành vi chậm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý đến 15 ngày so với thời hạn quy định. 

- Phạt 05 triệu đồng - 10 triệu đồng: 

Đối với hành vi chậm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý từ trên 15 ngày - 30 ngày so với thời hạn quy định. 

- Phạt 10 triệu đồng - 20 triệu đồng: 

Đối với hành vi chậm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý từ trên 30 ngày - 60 ngày so với thời hạn quy định. 

- Phạt 20 triệu đồng - 30 triệu đồng: 

Đối với hành vi chậm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý từ trên 60 ngày trở lên so với thời hạn quy định. 

- Phạt 30 triệu đồng - 50 triệu đồng:

Đối với hành vi từ chối gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước.

Xem chi tiết tại Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2023.

Xem bài viết liên quan: Chính sách mới nổi bật về đất đai và thuế có hiệu lực từ tháng 5/2023

(2) Quy trình hoàn trả đối với các khoản thu phí mà người dân chuyển nhầm

Đây là nội dung tại Thông tư 01/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023 quy định một số nội dung và biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. 

Theo đó, quy trình hoàn trả đối với các khoản thu phí, lệ phí, thu phạt do người dân chuyển nhầm được thực hiện như sau:

Khi người dân có yêu cầu hoàn trả số tiền đã nộp nhầm, nộp thừa, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hoàn trả theo quy định. 

Việc thực hiện đề nghị hoàn trả đối với giao dịch thanh toán các khoản thu phí, lệ phí, thu phạt đã được hạch toán vào tài khoản cơ quan thu tại Kho bạc Nhà nước trên Cổng Dịch vụ công quốc gia như sau:

- Cán bộ được phân quyền “Lập chứng từ hoàn trả các khoản thu ngân sách nhà nước” thực hiện việc lập chứng từ tại chức năng quản trị đối với mã giao dịch thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền gửi chứng từ hoàn sang Kho bạc Nhà nước thì sử dụng mẫu chứng từ hoàn trả theo quy định của Bộ Tài chính;

- Cán bộ được phân quyền “Phê duyệt chứng từ hoàn trả các khoản thu ngân sách nhà nước” phê duyệt chứng từ tại chức năng quản trị; 

- Chuyển lệnh hoàn trả sang Kho bạc Nhà nước. Cán bộ được phân công lập chứng từ, phê duyệt, theo dõi tình hình, kết quả xử lý của Kho bạc Nhà nước trên chức năng quản trị của Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Xem chi tiết Thông tư 01/2023/TT-VPCP có hiệu lực kể từ ngày 25/5/2023.

(3) Bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp 

Tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT ngày 14/4/2023 sửa đổi các Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Theo đó, Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi quy định không bắt buộc giáo viên có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp từ ngày 30/5/2023, cụ thể:

Quy định hiện hành về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thực hiện theo Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. 

Theo đó, giáo viên mỗi cấp học có 3 chứng chỉ tương ứng với 3 hạng CDNN. Tuy nhiên sau đó Chính phủ ban hành Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP và điều chỉnh quy định về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN viên chức chuyên ngành như sau: mỗi chuyên ngành có 1 chương trình, thời gian thực hiện tối đa là 6 tuần. 

Vì vậy, tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT đã điều chỉnh quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN như sau: 

Chỉ quy định 1 chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên, mỗi cấp học chỉ có 1 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN. 

Giáo viên đã có một trong các chứng chỉ theo hạng của cấp học đang giảng dạy cấp trước ngày 30/6/2022 thì được xác định đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng CDNN và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN giáo viên tương ứng với từng cấp học. 

Khi bổ nhiệm, chuyển xếp CDNN giáo viên tương ứng theo quy định tại các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT và khi chuyển CDNN thì không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ, giáo viên tuyển dụng mới phải có chứng chỉ theo quy định trong thời gian thực hiện chế độ tập sự.

(4) Thêm hình thức đăng ký thi tốt nghiệp THPT trực tuyến

Ngày 24/3/2023, Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT.

Cụ thể, tại Quy chế thi tốt nghiệp THPT được sửa đổi, bổ sung một số nội dung, trong đó  nổi bật là Bổ sung hình thức đăng ký dự thi trực tuyến, như sau:

Tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT quy định  có thể đăng ký dự thi thông qua một trong 02 hình thức sau:

- Đăng ký trực tuyến

- Đăng ký trực tiếp tại trường phổ thông nơi học lớp 12.

(Thay vì đối tượng đăng ký dự thi tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Quy chế chỉ được đăng ký trực tiếp  tại trường phổ thông nơi học lớp 12 theo quy định hiện hành)

(5) Người được xét nghiệm HIV có quyền yêu cầu hình thức thông báo phù hợp

Tại Thông tư 04/2023/TT-BYT được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ngày 28/02/2023 quy định hình thức, quy trình thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV.

Trong đó, sửa đổi hình thức thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính như sau:

- Thông báo trực tiếp và trả Phiếu cho đối tượng quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 30 Luật Phòng, chống HIV/AIDS 2006.

- Thông báo trực tiếp hoặc chuyển trả Phiếu cho các đối tượng được quy định tại điểm c, d và đ khoản 1 Điều 30 Luật Phòng, chống HIV/AIDS 2006

- Chuyển trả Phiếu cho đối tượng được quy định tại điểm e và g khoản 1 Điều 30 Luật Phòng, chống HIV/AIDS 2006

- Các hình thức thông báo phù hợp khác theo yêu cầu của người được xét nghiệm HIV. 

Xem thêm Thông tư 04/2023/TT-BYT có hiệu lực ngày 01/5/2023 thay thế Thông tư 02/2020/TT-BYT

(6) Từ 20/5/2023, phim phải được hiển thị mức phân loại trong quá trình phổ biến

Ngày 05/4/2023 Bộ VHTTDL đã có Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL về quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo.

Theo đó, về việc thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo cho những phim dán nhãn thì từ ngày 20/5/2023 phim trong quá trình phổ biến phải hiển thị phân loại  đối với nội dung như sau:

Nội dung hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo, bao gồm:

- Nội dung hiển thị là mức phân loại phim theo quy định tại Điều 2 Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL đơn cử: 

+ Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi; 

+ Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; 

+ Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; 

+ Loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; 

+ Loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên; 

+ Loại C: Phim không được phép phổ biến. 

- Nội dung cảnh báo là các tiêu chí phân loại phim theo quy định tại Điều 3 Thông tư này gồm: Chủ đề, nội dung; Bạo lực; Khỏa thân, tình dục; Ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện; Kinh dị; Ngôn ngữ thô tục; Hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước. 

Trường hợp trong phim xuất hiện cả 07 tiêu chí phân loại, thì thực hiện cảnh báo đầy đủ các tiêu chí. 

Xem thêm Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 20/5/2023 bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 10 Thông tư 12/2015/TT-BVHTTDL.

Xem bài viết liên quan: Chính sách mới nổi bật về đất đai và thuế có hiệu lực từ tháng 5/2023

  •  845
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

2 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…