DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Chính sách mới về Lao động - Tiền lương, Thuế - Phí có hiệu lực kể từ 12/2023

Avatar

 

Bước qua tháng 12/2023, hàng loạt chính sách mới liên quan đến các lĩnh vực như Lao động - Tiền lương, Thuế - Phí - Lệ phí có hiệu lực. Một số chính sách như giảm lệ phí cấp đổi GPLX trực tuyến, bổ sung đối tượng được nhà nước hỗ trợ đóng BHYT, điều chỉnh mức trợ cấp quân nhân, hướng dẫn vị trí làm việc đối với các ngành giáo dục, y tế,...

(1) Giảm lệ phí cấp mới, cấp lại, đổi GPLX khi làm trực tuyến đến hết 2025

Thông tư 63/2023/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 16/10/2023 sửa đổi một số điều tại các Thông tư quy định về phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến. 

Theo đó, sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư 37/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng, cụ thể: 

- Mức thu phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 37/2023/TT-BTC (giữ nguyên không đổi). 

- Trường hợp tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe (quốc gia và quốc tế) theo hình thức trực tuyến:

+ Kể từ ngày 01/12/2023 đến hết ngày 31/12/2025, áp dụng mức thu lệ phí là 115.000 đồng/lần cấp. (giảm 20.000 đồng) 

+ Kể từ ngày 01/01/2026 trở đi, áp dụng mức thu lộ phí quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 37/2023/TT-BTC là 135.000 đồng.

 Xem chi tiết tại Thông tư 63/2023/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2023.

(2) Thêm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT

Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực kể từ ngày 03/12/2023.

Tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP bổ sung nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế là: Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trước đó, có 19 nhóm được ngân sách nhà nước đóng BHYT được quy định tại Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm c khoản 1 Điều 183 Nghị định 131/2021/NĐ-CP.

Ngoài ra, quy định những đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đống BHYT bao gồm:

- Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo chuẩn hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn hộ cận nghèo áp dụng cho từng giai đoạn

- Người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 9 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

- Học sinh, sinh viên.

- Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn hộ có mức sống trung bình áp dụng cho từng giai đoạn.

- Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. (điểm mới)

(Căn cứ tại Điều 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a, b, c khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP)

Xem bài viết liên quan: Từ 03/12/2023, khi khám chữa bệnh BHYT, người dân có thể xuất trình CCCD

Nghị định 75/2023/NĐ-CP: Thêm nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT

(3) Tăng 12,5% mức trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc từ 19/12/2023

Thông tư 82/2023/TT-BQP quy định điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc, cụ thể:

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Thông tư 82/2023/TT-BQP, mức điều chỉnh trợ cấp hằng tháng áp dụng đối với các đối tượng sau:

- Quân nhân đã phục viên, xuất ngũ đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong Quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định 38/2010/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 142/2008/QĐ-TTg .

- Quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Cách tính và mức điều chỉnh:

- Điều chỉnh tăng thêm 12,5% trên mức trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2023, theo công thức sau:

Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ tháng 7/2023

=

Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng tại thời điểm tháng 6/2023

x 1,125

- Mức trợ cấp hằng tháng sau khi đã được điều chỉnh tăng thêm, cụ thể như sau:

- Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 2.285.000 đồng/tháng;

- Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 2.388.000 đồng/tháng;

- Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 2.494.000 đồng/tháng;

- Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 2.598.000 đồng/tháng;

- Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 2.700.000 đồng/tháng.

Lưu ý: Thực hiện điều chỉnh mức hưởng trợ cấp theo hướng dẫn đối với các đối tượng có quyết định hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngày 19/12/2023 trở về sau.

Xem bài viết liên quan: Thông tư 82/2023/TT-BQP: Điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân từ 19/12/2023

(4) Danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành y tế có hiệu lực từ 22/12/2023

Căn cứ tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 19/2023/TT-BYT quy định danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành y tế gồm có các vị trí việc làm như sau:

1-Lĩnh vực Y tế dự phòng:

- Chuyên viên cao cấp về Kiểm soát bệnh tật

- Chuyên viên chính về Kiểm soát bệnh tật

- Chuyên viên về Kiểm soát bệnh tật

2- Lĩnh vực Thiết bị y tế, Công trình y tế:

- Chuyên viên cao cấp về thiết bị y tế, công trình y tế

- Chuyên viên chính về thiết bị y tế, công trình y tế

- Chuyên viên về thiết bị y tế, công trình y tế

3- Lĩnh vực Dược:

- Chuyên viên cao cấp về dược

- Chuyên viên chính về dược

- Chuyên viên về dược

4- Lĩnh vực An toàn thực phẩm:

- Chuyên viên cao cấp về An toàn thực phẩm

- Chuyên viên chính về An toàn thực phẩm

- Chuyên viên về An toàn thực phẩm

5- Lĩnh vực Dân số:

- Chuyên viên cao cấp về Dân số

- Chuyên viên chính về Dân số

- Chuyên viên về Dân số

6- Lĩnh vực Khám, chữa bệnh:

- Chuyên viên cao cấp về quản lý khám, chữa bệnh

- Chuyên viên chính về quản lý khám, chữa bệnh

- Chuyên viên về quản lý khám, chữa bệnh

7- Lĩnh vực Bảo hiểm y tế:

- Chuyên viên cao cấp về Bảo hiểm y tế

- Chuyên viên chính về Bảo hiểm y tế

- Chuyên viên về Bảo hiểm y tế

8- Lĩnh vực sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em:

- Chuyên viên cao cấp về Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em

- Chuyên viên chính về Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em

- Chuyên viên về Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em

Xem chi tiết tại Thông tư 19/2023/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 22/12/2023.

(5) Hướng dẫn vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập

Ngày 30/10/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 20/2023/TT-BGDDT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập.

Theo đó, đối tượng áp dụng tại Thông tư 20/2023/TT-BGDDT quy định như sau:

Theo Thông tư 20/2023/TT-BGDDT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập, bao gồm:

+ Trường tiểu học;

+ Trường trung học cơ sở;

+ Trường trung học phổ thông;

+ Trường phổ thông có nhiều cấp học;

+ Trường chuyên biệt, bao gồm: Trường trung học phổ thông chuyên; trường phổ thông dân tộc nội trú; trường phổ thông dân tộc bán trú; trường, lớp dành cho người khuyết tật;

Các cơ sở giáo dục nêu trên gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

- Các cơ sở giáo dục được vận dụng Thông tư 20/2023/TT-BGDDT để thực hiện, bao gồm:

+ Các cơ sở giáo dục phổ thông tư thục, các cơ sở giáo dục phổ thông tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;

+ Các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (áp dụng với các lớp dạy chương trình giáo dục phổ thông cùng cấp), trường dự bị đại học;

+ Các cơ sở giáo dục khác (áp dụng với các lớp dạy chương trình giáo dục phổ thông cùng cấp).

Xem chi tiết nguyên tắc xác định vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập tại: Thông tư 20/2023/TT-BGDDT: Hướng dẫn về vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục phổ thông

(6) Bãi bỏ giới hạn về số giờ làm thêm tối đa trong một phiên với llĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển

Thay thế Thông tư 24/2015/TT-BCT từ ngày 25/12/2023, Thông tư 20/2023/TT-BCT đã điều chỉnh một số quy định về giờ làm việc, nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển, trong đó có quy định về số giờ làm thêm.

Cụ thể, Điều 6 Thông tư 20/2023/TT-BCT quy định tổng số giờ làm việc của ca làm việc và số giờ làm thêm của người lao động không quá 14 giờ/ngày; số giờ làm thêm của người lao động không vượt quá 300 giờ/năm. Như vậy, quy định mới đã bỏ giới hạn về số giờ làm thêm tối đa trong một phiên làm việc. (thay vì không vượt quá 50 giờ/phiên làm việc).

Ngoài ra, sau mỗi ca làm việc, người lao động được bố trí nghỉ liên tục tối thiểu 10 giờ trước khi bắt đầu ca làm việc mới 

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí thời gian nghỉ giải lao giữa giờ làm việc tính vào thời giờ làm việc, trong đó tổng thời gian nghỉ giữa giờ làm việc tối thiểu 60 phút và phải đảm bảo được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.

- Ngoài thời gian nghỉ giữa ca làm việc, sau mỗi phiên làm việc, người lao động làm việc thường xuyên được bố trí nghỉ liên tục với số ngày bằng với số ngày làm việc trong phiên làm việc trước đó.

- Người lao động làm việc không thường xuyên được bố trí nghỉ phù hợp với tình hình công việc, theo tỷ lệ như sau:

+ Làm việc trên công trình dầu khí trên biển vào ngày làm việc trong tuần: 1 ngày làm việc trên biển nghỉ bù nửa ngày làm việc;

+ Làm việc trên công trình dầu khí trên biển vào ngày nghỉ hàng tuần: 1 ngày làm việc trên biển nghỉ bù 1 ngày làm việc;

+ Làm việc trên công trình dầu khí trên biển ngày Lễ, Tết: 1 ngày làm việc trên biển nghỉ bù 2 ngày làm việc.

Xem chi tiết tại Thông tư 20/2023/TT-BCT có hiệu lực kể từ ngày 25/12/2023.

  •  4604
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…