Theo đó, quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật phân định ranh giới rừng áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập để lập hồ sơ phân định ranh giới rừng, cắm mốc, bảng phân định ranh giới rừng của chủ rừng thuộc sở hữu toàn dân quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Lâm nghiệp 2017 tiếp giáp với các chủ rừng liền kề, người sử dụng đất liền kề, ranh giới giữa các tiểu khu, khoảnh, lô trạng thái rừng ở Việt Nam và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng nguồn vốn không thuộc trường hợp quy định như trên áp dụng quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật phân định ranh giới rừng để lập hồ sơ phân định ranh giới rừng, cắm mốc, bảng phân định ranh giới rừng.
Về nguyên tắc áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật phân định ranh giới rừng được quy định như sau:
- Căn cứ vào điều kiện cụ thể từng khu vực và biện pháp kỹ thuật, áp dụng hệ số điều chỉnh (K) để tính toán mức hao phí cần thiết cho từng hạng mục công việc khi lập đề cương kỹ thuật, dự toán chi tiết.
- Việc áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật phải tuân thủ các yêu cầu được quy định trong tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Trường hợp sử dụng vốn đầu tư công phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công.
- Trường hợp thiết kế mốc, bảng phân định ranh giới rừng, sử dụng biện pháp thi công và định mức nhân công, vật liệu, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ không quy định tại Thông tư 23/2024/TT-BNNPTNT thì thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Xem thêm tại Thông tư 23/2024/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2025.