Giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ được định giá theo nguyên tắc và căn cứ quy định tại Điều 22 Luật Giá, cụ thể:
(1) Nguyên tắc định giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ được quy định như sau:
- Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ; lợi nhuận (nếu có) hoặc tích lũy theo quy định của pháp luật (nếu có) phù hợp với mặt bằng thị trường; bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều kiện thị trường tại thời điểm định giá và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ;
- Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng;
- Xem xét, điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi. Trường hợp điều chỉnh giá sản phẩm, dịch vụ công trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư được thực hiện theo từng thời kỳ quy định tại hợp đồng dự án.
(2) Căn cứ định giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ được quy định như sau:
- Yếu tố hình thành giá của hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm định giá hoặc thời gian xác định yếu tố hình thành giá trong phương án giá phù hợp với đặc điểm, tính chất của hàng hóa, dịch vụ;
- Quan hệ cung cầu của hàng hóa, dịch vụ, nhu cầu của thị trường và sức mua của đồng tiền; khả năng thanh toán của người tiêu dùng;
- Giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ.
Khi các yếu tố hình thành giá dịch vụ sử dụng đường bộ thay đổi ảnh hưởng đến giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức lựa chọn các Doanh nghiệp dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh (Doanh nghiệp dự án) lập phương án giá.
Thông tư 32/2024/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.