Nghị quyết 106/2023/QH15 quy định thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ đối với các dự án nêu tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết 106/2023/QH15.
* Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư được vượt quá 50% tổng mức đầu tư đối với 02 dự án theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết 106/2023/QH15.
* Cơ quan chủ quản đầu tư dự án đường bộ
- Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trong việc giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đối với 07 dự án tại Phụ lục II kèm theo Nghị quyết này.
Đối với 06 dự án chưa đủ thủ tục đầu tư tại Phụ lục II, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm hoàn thiện thủ tục đầu tư trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực.
- Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trong việc giao một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua các địa phương đối với 14 dự án tại Phụ lục III kèm theo Nghị quyết này.
Đối với 05 dự án chưa đủ thủ tục đầu tư tại Phụ lục III, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm hoàn thiện thủ tục đầu tư trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án theo quy định đối với dự án do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng và pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo trì đối với tuyến đường bộ trong quá trình đầu tư nâng cấp, mở rộng.
Nghị quyết 106/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 28/11/2023 đến hết ngày 30/06/2025.