05 điều cần biết về Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
06/10/2022 15:39 PM

Xin cho hỏi, mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được quy định thế nào? Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được sử dụng vào mục đích gì? - Thu Quỳnh (Hậu Giang)

05 điều cần biết về Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

05 điều cần biết về Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Mức đóng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Theo khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013, mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:

- Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;

- Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;

- Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Cụ thể mức đóng bảo hiểm thất nghiệp năm 2022:

- Từ ngày 01/01/2022 - 30/6/2022: Người sử dụng lao động đóng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Người lao động đóng 1% tiền lương tháng.

- Từ ngày 01/7/2022 - 30/9/2022: Người sử dụng lao động đóng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Người lao động đóng 1% tiền lương tháng.

Lưu ý: Đối tượng được giảm 1% mức đóng BHTN (từ 01/10/2021 - 30/9/2022) là người sử dụng lao động quy định tại Điều 43 Luật Việc làm 2013 đang tham gia BHTN trước ngày 01/10/2021.

- Từ ngày 01/10/2022: Người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Người lao động đóng 1% tiền lương tháng.

Xem thêm: Mức đóng BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT năm 2022

2. Nguồn hình thành Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Nguồn hình thành Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 57 Luật Việc làm 2013, cụ thể như sau:

- Các khoản đóng và hỗ trợ theo quy định tại mục 1;

- Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ;

- Nguồn thu hợp pháp khác.

Cụ thể các nguồn thu hợp khác bao gồm:

+ Tiền lãi chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định;

+ Các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

(Khoản 3 Điều 5 Nghị định 28/2015/NĐ-CP)

3. Mục đích sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Cụ thể tại khoản 3 Điều 57 Luật Việc làm 2013, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được sử dụng vào các mục đích như sau:

- Chi trả trợ cấp thất nghiệp;

- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động;

- Hỗ trợ học nghề;

- Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm;

- Đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- Chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo quy định Luật bảo hiểm xã hội 2014;

- Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng Quỹ.

4. Ngân sách nhà nước hỗ trợ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thế nào?

Cụ thể, ngân sách nhà nước hỗ trợ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo nguyên tắc bảo đảm duy trì số dư quỹ hằng năm bằng 02 lần tổng các khoản chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp của năm trước liền kề nhưng mức hỗ trợ tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Việc chuyển kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện qua phương thức như sau:

(i) Vào quý IV hằng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam căn cứ dự toán thu, chi bảo hiểm thất nghiệp được cấp có thẩm quyền giao trong năm để xác định số kinh phí hỗ trợ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp của năm trước theo mức quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, gửi Bộ Tài chính để chuyển một lần vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp;

(ii) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán thu, chi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm trước của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã được Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua, Bộ Tài chính thực hiện thẩm định, xác định số kinh phí hỗ trợ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm trước.

Trường hợp số kinh phí Bộ Tài chính đã cấp theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 7 Nghị định 28/2015/NĐ-CP lớn hơn số phải hỗ trợ theo quy định tại mục (i), Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm nộp trả ngân sách nhà nước phần chênh lệch.

Trường hợp số đã cấp nhỏ hơn số phải hỗ trợ, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt cấp hỗ trợ bổ sung vào năm sau.

Ngoài ra, nguồn kinh phí hỗ trợ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 7 Nghị định 28/2015/NĐ-CP do ngân sách trung ương bảo đảm từ nguồn chi đảm bảo xã hội đã được Quốc hội quyết định.

5. Quản lý Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được quản lý như sau:

- Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được hạch toán độc lập. Trong đó, tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc thu, chi, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

- Hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp phải bảo đảm an toàn, minh bạch, hiệu quả và thu hồi được khi cần thiết, thông qua các hình thức sau:

+ Mua trái phiếu, tín phiếu, công trái của Nhà nước; trái phiếu của ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ;

+ Đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

+ Cho ngân sách nhà nước, Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ vay.

(Điều 59 Luật Việc làm 2013)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,314

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn