1. Đảm bảo không tăng biên chế khi kiểm toán nội bộ cơ quan nhà nước
Nội dung này được đề cập tại Nghị định 05/2019/NĐ-CP về kiểm toán nội bộ.
Theo đó, công tác kiểm toán nội bộ đối với các cơ quan nhà nước được quy định như sau:
- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải thực hiện kiểm toán nội bộ tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các đơn vị trực thuộc bao gồm cả đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
- UBND cấp tỉnh phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ tại UBND cấp tỉnh; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp tỉnh.
Việc thực hiện công tác kiểm toán nội bộ ở các đơn vị nêu trên phải đảm bảo nguyên tắc không tăng biên chế, không phát sinh đầu mối mới.
Ngoài ra, Nghị định 05 còn quy định công tác kiểm toán nội bộ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể:
- Đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên thuộc các trường hợp sau phải thực hiện kiểm toán nội bộ:
+ Có tổng quỹ tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương của số người lao động hiện có trong một năm từ 20 tỷ đồng trở lên.
+ Sử dụng từ 200 người lao động trở lên.
Nghị định 05/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/4/2019.
2. Người đủ 15 tuổi có tài sản riêng được tham gia dây họ
Đây là nội dung nổi bật quy định tại Nghị định 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường có hiệu lực từ ngày 05/4/2019.
Theo đó, điều kiện làm thành viên dây họ gồm:
- Từ đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật dân sự.
- Từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu có tài sản riêng có thể là thành viên của dây họ.
- Trường hợp tài sản riêng của người đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi là bất động sản, động sản phải đăng ký để tham gia dây họ thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
3. Giá tính lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy cũ
Ngày 21/02/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ.
Theo đó, giá tính lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy đã qua sử dụng được quy định như sau:
- Ô tô, xe máy đã qua sử dụng thì giá tính lệ phí trước bạ là giá trị còn lại tính theo thời gian sử dụng của xe.
- Ô tô, xe máy đã qua sử dụng mà chưa có trong Bảng giá tính lệ phí trước bạ thì giá tính lệ phí trước bạ là giá trị sử dụng còn lại của kiểu loại xe tương đương trong nhóm kiểu loại xe đã có trong Bảng giá.
- Quy định trên không áp dụng đối với ô tô, xe máy đã qua sử dụng nhập khẩu.
Ngoài ra, Nghị định 21 cũng quy định giá tính lệ phí trước bạ đối với tài sản mua theo phương thức trả góp, cụ thể:
Giá tính lệ phí trước bạ là giá trả một lần (không bao gồm lãi trả góp) được xác định theo quy định pháp luật bao gồm cả thuế nhập khẩu (nếu có), thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuế giá trị gia tăng (nếu có).
Nghị định 20/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/4/2019.
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY