1. Tăng mức hưởng hàng loạt các khoản trợ cấp từ 01/7/2019
Ngày 09/11/2018, Quốc hội thông qua Nghị quyết 70/2018/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng.
Theo đó, mức lương hưu, các khoản trợ cấp khác như: trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng cũng đồng thời được điều chỉnh tăng bằng mức tăng lương cơ sở.
Thời điểm áp dụng mức điều chỉnh tăng lương lương hưu, trợ cấp bắt đầu từ 01/07/2019 và được đảm bảo kinh phí từ ngân sách trung ương.
Nghị quyết 70/2018/QH14 có hiệu lực từ ngày 24/12/2018.
2. Lao động nữ nghỉ hưu trong giai đoạn 2018 – 2021 được tăng lương hưu
Đây là nội dung trọng tâm tại Nghị định 153/2018/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ hưởng lương hưu trong giai đoạn 2018 - 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng.
Theo đó, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH, mức lương hưu được điều chỉnh bằng mức lương hưu tính theo Khoản 2 Điều 56 hoặc Khoản 2 Điều 74 Luật BHXH 2014 cộng với mức điều chỉnh.
Mức điều chỉnh được tính bằng mức lương hưu tại thời điểm bắt đầu hưởng nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng BHXH và thời điểm bắt điểm bắt đầu hưởng lương hưu (Xem bảng tỷ lệ điều chỉnh tại Điều 3 Nghị định 153).
Mức lương hưu sau điều chỉnh là căn cứ để tính điều chỉnh ở những lần điều chỉnh lương hưu theo quy định tại Điều 57 Luật BHXH.
Đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 01/01/2018 đến trước ngày được nhận lương hưu mới sẽ được truy lĩnh phần lương hưu chênh lệch tăng thêm.
Nghị định 153/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 24/12/2018.
3. Hướng dẫn tính phụ cấp đặc thù cho lực lượng cảnh vệ thuộc BQP
Ngày 26/12/2018, Thông tư 162/2018/TT-BQP về chế độ phụ cấp đặc thù đối với lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng chính thức có hiệu lực.
Theo đó, phụ cấp đặc thù gồm các mức 30%, 25%, 20% và 15% tính trên mức lương cấp bậc quân hàm đối với sĩ quan hoặc loại, nhóm, bậc đối với quân nhân chuyên nghiệp.
Mức hưởng phụ cấp đặc thù được tính theo công thức sau:
Mức phụ cấp đặc thù = Hệ số lương cấp bậc quân hàm hoặc loại, nhóm, bậc X Mức lương cơ sở X Tỷ lệ % phụ cấp đặc thù
Trong đó: Mức lương cơ sở được thực hiện theo quy định của Chính phủ tại từng thời điểm.
Ví dụ: Đồng chí Đặng Văn B, QNCN (hệ số lương 4,70), lái xe làm nhiệm vụ dẫn đường, hộ tống (thuộc đối tượng hưởng phụ cấp đặc thù mức 25%).
Theo quy định, từ tháng 7/2018, đồng chí B được hưởng phụ cấp đặc thù là:
(4,70 x 1.390.000 đồng/tháng) x 25% = 1.633.250 đồng/tháng.
4. Sẽ sửa đổi, bổ sung Bộ luật lao động theo cam kết tại CPTPP
Quốc hội thông qua Nghị quyết 72/2018/QH14 phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan (CPTPP).
Theo đó, các Bộ luật, luật sau đây sẽ được sửa đổi, bổ sung theo lộ trình cam kết tại Hiệp định:
- Bộ luật lao động 2012: Quy định quyền của người lao động thành lập, gia nhập tổ chức đại diện không thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,..
- Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009): Bỏ điều kiện đăng ký hợp đồng để có hiệu lực với bên thứ ba; bổ sung quy định về việc sử dụng nhãn hiệu bởi người nhận li-xăng được coi là hợp pháp,...
- Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Bổ sung quy định xử lý hành vi xuất khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trong phạm vi hành vi phân phối,...
- Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
- Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010);
- Luật An toàn thực phẩm 2010;
- Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.
Nghị quyết 72/2018/QH14 có hiệu lực từ ngày 27/12/2018.
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY