1. Điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân
Thông tư 130/2016/TT-BQP hướng dẫn điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc có hiệu lực ngày 25/10/2016.
Theo đó, điều chỉnh tăng mức trợ cấp hằng tháng thêm 150.000 đồng/người/tháng và được xác định theo công thức:
Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ ngày 01/01/2016 = (Mức trợ cấp được hưởng ở thời điểm tháng 12/2015 + 150.000 đồng)
Mức trợ cấp hằng tháng sau khi đã được điều chỉnh như sau:
- Mức trợ cấp bằng 1.535.000 đồng/tháng đối với người có từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm;
- Mức trợ cấp bằng 1.605.000 đồng/tháng đối với người có từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm;
- Mức trợ cấp bằng 1.674.000 đồng/tháng đối với người có từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm;
- Mức trợ cấp bằng 1.743.000 đồng/tháng đối với người có từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm;
- Mức trợ cấp bằng 1.812.000 đồng/tháng đối với người có từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm.
Việc tăng mức trợ cấp hằng tháng được điều chỉnh kể từ ngày 01/01/2016.
2. Trợ cấp cho HLV, VĐV bị ốm hoặc tai nạn khi thi đấu
Theo Thông tư 138/2016/TT-BQP (có hiệu lực từ ngày 27/10/2016), trường hợp HLV, VĐV không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc mà bị ốm, tai nạn hoặc chết trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu sẽ được trợ cấp như sau:
- Trợ cấp bằng 75% mức tiền công và chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh khi bị ốm hoặc thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.
- Trợ cấp bằng 100% mức tiền công và toàn bộ chi phí y tế từ sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật nếu bị tai nạn trong khi tập trung tập huấn, thi đấu.
Ngoài ra, cơ quan sử dụng phải giới thiệu HLV, VĐV đi giám định khả năng lao động sau khi đã điều trị ổn định thương tật và nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được hưởng thêm trợ cấp một lần.
- Người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở nếu HLV, VĐV bị chết.
3. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện
Từ ngày 30/10/2016, Nghị định 136/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 221/2013/NĐ-CP về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ có hiệu lực.
Theo đó, đối tượng áp dụng biện pháp nêu trên bao gồm:
- Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định.
- Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định và thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy.
+ Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy nhưng mà vẫn còn nghiện.
+ Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện.
4. Nội dung giám sát đối với Nhà máy In tiền quốc gia
Thông tư 26/2016/TT-NHNN quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với Nhà máy In tiền Quốc gia sẽ có hiệu lực từ ngày 24/10/2016.
Theo đó, tiến hành giám sát đối với Nhà máy In tiền Quốc gia theo các nội dung sau:
- Giám sát tài chính, gồm: Giám sát việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của nhà nước, việc bảo toàn và phát triển vốn của nhà máy, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của nhà máy.
- Giám sát hoạt động in, đúc tiền và sản xuất vàng miếng, vật phẩm lưu niệm bằng vàng tại nhà máy theo quyết định của Ngân hàng nhà nước và các quy định khác của pháp luật.
- Giám sát công tác tổ chức, chính sách quản lý người lao động, viên chức quản lý, tiền lương, thu nhập của nhà máy theo quyết định của Ngân hàng nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan.