1. Chính sách đối với lao động nữTừ ngày 15/11/2015, Nghị định
85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Bộ Luật lao động về chính sách đối với lao động nữ có hiệu lực.
Theo đó, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ như sau:
- Mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi.
- Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
- Người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động.
- Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.
Thời gian nghỉ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định các chế độ khác đối với lao động nữ như quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai, chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo tại nơi có nhiều lao động nữ…
Xem chi tiết tại Nghị định
85/2015/NĐ-CP .
2. Hướng dẫn mới về thuế tài nguyênTừ ngày 20/11/2015, Thông tư
152/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế tài nguyên có hiệu lực.
Theo đó:
- Tổ chức, hộ kinh doanh khai thác tài nguyên có trách nhiệm thông báo với cơ quan thuế về phương pháp xác định giá tính thuế đối với từng loại tài nguyên khai thác, kèm theo hồ sơ khai thuế tài nguyên của tháng đầu tiên có khai thác.
- Trường hợp thay đổi phương pháp xác định giá tính thuế thì thông báo lại với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trong tháng có thay đổi.
- Hàng tháng, người nộp thuế thực hiện khai thuế đối với toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong tháng (không phân biệt tồn kho hay đang trong quá trình chế biến).
- Khi quyết toán thuế, phải lập Bảng kê kèm theo Tờ khai quyết toán thuế năm trong đó kê khai chi tiết sản lượng khai thác trong năm theo từng mỏ tương ứng với Giấy phép được cấp.
Thông tư
152/2015/TT-BTC thay thế Thông tư
105/2010/TT-BTC .
3. Công dân có quyền giám dát dự án đầu tưTừ ngày 20/11/2015, việc giám sát và đánh giá đầu tư được thực hiện theo Nghị định
84/2015/NĐ-CP .
Theo đó, công dân có quyền giám sát các dự án đầu tư thông qua Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được quyền:
- Kiến nghị các cấp có thẩm quyền đình chỉ thực hiện đầu tư, vận hành dự án trong trường hợp:
+ Phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện dự án gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, an ninh, văn hóa - xã hội, môi trường sinh sống của cộng đồng.
+ Chủ đầu tư không công khai thông tin về chương trình, dự án đầu tư theo quy định pháp luật.
- Phản ánh với các cơ quan nhà nước về kết quả giám sát đầu tư của cộng đồng và kiến nghị biện pháp xử lý.
- Yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trả lời các vấn đề thuộc phạm vi quản lý theo quy định pháp luật…
Nghị định
84/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định
113/2009/NĐ-CP .
4. Miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoàiTừ ngày 15/11/2015, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam sẽ được miễn thị thực khi nhập cảnh theo Nghị định
82/2015/NĐ-CP .
Theo đó, việc cấp giấy chứng nhận tạm trú cho người nhập cảnh bằng giấy miễn thị thực được thực hiện theo quy định sau:
- Người nhập cảnh bằng giấy miễn thị thực được đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh cấp chứng nhận tạm trú 06 tháng cho mỗi lần nhập cảnh.
Nếu giấy miễn thị thực còn thời hạn dưới 06 tháng thì cấp chứng nhận tạm trú bằng thời hạn của giấy miễn thị thực.
- Trường hợp nhập cảnh bằng giấy miễn thị thực có nhu cầu ở lại trên 06 tháng, được cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam bảo lãnh và có lý do chính đáng thì được xem xét, giải quyết gia hạn tạm trú không quá 06 tháng.
Giấy miễn thị thực còn thời hạn được cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn của giấy miễn thị thực đã được cấp.
Nghị định
82/2015/NĐ-CP thay thế Quyết định
135/2007/QĐ-TTg và Quyết định
10/2012/QĐ-TTg .
5. Chế độ ưu đãi giáo dục với người có côngThông tư
36/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ.
Theo đó, việc áp dụng chế độ ưu đãi này có một số lưu ý sau:
Không áp dụng chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo đối với học sinh, sinh viên (HSSV) quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư này khi thuộc một trong các trường hợp:
- Đang hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học.
- Đã hưởng chế độ ưu đãi tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học.
- Người có công quy định tại Điều 1 của Thông tư này bị đình chỉ chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Về thời gian chi trả trợ cấp:
- Đối với trợ cấp hàng năm: chi trả vào tháng 10, 11 với học sinh và tháng 11, 12 với sinh viên.
- Đối với trợ cấp hàng tháng: được chia làm 02 lần trong năm, lần 1 vào tháng 10, 11 với học sinh hoặc tháng 11, 12 với sinh viên và lần 2 vào tháng 3, 4.
Trường hợp HSSV chưa nhận trợ cấp ưu đãi thì được truy lĩnh.
Thông tư
36/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 12/11/2015.
6. Chế độ đối với lao động tại DN Quân đội cổ phần hóaTheo Thông tư
114/2015/TT-BQP , công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng tại doanh nghiệp (DN) Quân đội thực hiện cổ phần hóa khi nghỉ hưu, thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) được hưởng các chế độ sau:
- Đối với công nhân, viên chức quốc phòng nếu đủ điều kiện nghỉ hưu thì giải quyết chế độ hưu trí theo quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH).
Trường hợp không đủ điều kiện nghỉ hưu thì giải quyết chế độ thôi việc theo quy định hiện hành và chốt sổ BHXH, bảo lưu thời gian đóng BHXH nếu có nguyện vọng.
Nếu tiếp tục chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần (CTCP) thì ký HĐLĐ với CTCP theo quy định.
- Đối với lao động hợp đồng nếu đủ điều kiện nghỉ hưu thì giải quyết chế độ hưu trí theo quy định pháp luật về BHXH.
Trường hợp không đủ điều kiện thì thực hiện theo phương án sử dụng lao động của CTCP và giải quyết các chế độ theo quy định.
Nếu không có nguyện vọng chuyển sang làm việc tại CTCP thì chấm dứt HĐLĐ theo quy định và chốt sổ BHXH, bảo lưu thời gian đóng BHXH nếu có nguyện vọng.
Thông tư
114/2015/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 13/11/2015.
7. Thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm tại Hà Nội và TP.HCMTheo Quyết định
38/2015/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15/11/2015, sẽ tiến hành thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh (TP.HCM).
Cụ thể, giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội, TP.HCM lựa chọn tại mỗi thành phố 05 đơn vị hành chính cấp quận; 10 đơn vị hành chính cấp phường thuộc các đơn vị hành chính cấp quận được lựa chọn để triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.
Thời gian thực hiện thí điểm là 01 năm (12 tháng) kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.
Đồng thời, Quyết định
38/2015/QĐ-TTg cũng nêu rõ thời hạn thanh tra như sau:
- Không quá 30 ngày với cuộc thanh tra của đoàn thanh tra do Chủ tịch UBND cấp quận quyết định, trường hợp phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày.
- Không quá 20 ngày với cuộc thanh tra của đoàn thanh tra do Chủ tịch UBND cấp phường quyết định, trường hợp phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.
- Không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày tiến hành thanh tra với mỗi đối tượng thanh tra trong trường hợp thanh tra độc lập.