Hướng dẫn kiểm sát việc thực hiện chế độ đối với phạm nhân

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
30/03/2024 09:15 AM

Viện kiểm sát nhân dân tối đã đưa ra các hướng dẫn gì trong công tác kiểm sát việc thực hiện chế độ đối với phạm nhân? – Nguyệt Ánh (Bình Phước)

Hướng dẫn kiểm sát việc thực hiện chế độ đối với phạm nhân

Hướng dẫn kiểm sát việc thực hiện chế độ đối với phạm nhân (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 29/11/2023, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Hướng dẫn 21/HD-VKSTC về việc kiểm sát việc thi hành án phạt tù đối với phạm nhân chấp hành án tại nhà tạm giữ, trại tạm giam.

Hướng dẫn kiểm sát việc thực hiện chế độ đối với phạm nhân

Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân tối đã đưa ra các hướng dẫn sau đây trong công tác kiểm sát việc thực hiện chế độ đối với phạm nhân:

- Thực hiện theo Điều 20 Quyết định 259/QĐ-VKSTC năm 2023, kiểm sát bảo đảm việc thực hiện các chế độ ăn, ở, mặc và tư trang; hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; việc thăm gặp thân nhân, nhận quà và liên lạc điện thoại, lưu ký, mua hàng căng tin, chăm sóc y tế đúng theo quy định tại Mục 2 Chương III Luật Thi hành án hình sự 2019, Nghị định 133/2020/NĐ-CP và các văn bản pháp luật liên quan.

- Những dạng vi phạm thường xảy ra như:

+ Diện tích chỗ nằm tối thiểu cho phạm nhân chưa đủ theo quy định, vệ sinh môi trường không bảo đảm;

+ Việc cấp phát tư trang và các nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt không đầy đủ; chế độ ăn hàng ngày, ngày lễ, tết không đủ tiêu chuẩn, định lượng;

+ Bán hàng căng tin vượt quá định lượng, không đúng chủng loại, giá niêm yết hoặc không tổ chức bán hàng căng tin...;

+ Cho phạm nhân liên lạc điện thoại với thân nhân vượt quá số lần, tiền cước phí thu không đúng quy định hoặc không tổ chức cho phạm nhân liên lạc điện thoại...;

+ Không tiếp nhận và không cho phạm nhân sử dụng tiền lưu ký, việc tổ chức thăm gặp, nhận quà vượt định lượng, quá về số lần, thời gian mỗi lần thăm gặp, thăm gặp riêng không đúng quy định;

+ Không mở các loại sổ theo quy định để theo dõi quản lý như sổ thăm gặp, lưu ký, điện thoại, mua hàng hóa;

+ Chưa quan tâm việc khám, chữa bệnh cho phạm nhân;

+ Không có hệ thống truyền hình, phát thanh...

Khi tiến hành kiểm sát cần nghiên cứu các loại sổ sách, tài liệu liên quan như:

+ Sổ theo dõi cấp phát tư trang, các hóa đơn chứng từ liên quan đến cấp phát và quyết toán chế độ ăn (lưu ý chế độ ăn ngày lễ, tết, việc hoán đổi chế độ ăn, ăn thêm);

+ Sổ theo dõi thăm gặp, gửi quà, gọi điện thoại; Sổ theo dõi lưu ký;

+ Sổ mua hàng căng tin; sổ sách, chứng từ về việc cấp quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân…; sổ sách y tế, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc; việc tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ (lưu ý, việc tổ chức cho phạm nhân đọc sách báo, nghe đài, xem truyền hình, thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án)...

Ngoài ra, còn trực tiếp kiểm tra thực tế tại buồng giam, bệnh xá, bếp ăn, buồng kỷ luật, hiện trường lao động hoặc trực tiếp gặp, hỏi phạm nhân về việc thực hiện các chế độ trên.

Qua đó xem xét, đánh giá tình hình, kết quả đạt được, khó khăn về cơ sở vật chất, những hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện chế độ đối với phạm nhân theo quy định, làm rõ nội dung vi phạm và trách nhiệm của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền.

Xem thêm nội dung tại Hướng dẫn 21/HD-VKSTC ngày 29/11/2023.

Phạm nhân được hưởng các quyền gì?

Phạm nhân có các quyền sau đây:

- Được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân;

- Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế theo quy định; gửi, nhận thư, nhận quà, tiền; đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án;

- Được tham gia hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ;

- Được lao động, học tập, học nghề;

- Được gặp, liên lạc với thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân; đối với phạm nhân là người nước ngoài được thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự;

- Được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật;

- Được bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo; được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

- Được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;

- Được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật;

- Được khen thưởng khi có thành tích trong quá trình chấp hành án.

(Khoản 1 Điều 27 Luật Thi hành án hình sự 2019)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 358

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn