Quy trình ban hành nghị quyết chuyên đề của tỉnh ủy (theo Hướng dẫn 22 của Văn phòng Trung ương Đảng)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
06/03/2024 14:12 PM

Cho tôi hỏi quy trình ban hành nghị quyết chuyên đề của tỉnh uỷ được hướng dẫn như thế nào? – Tú Anh (Bạc Liêu)

Quy trình ban hành nghị quyết chuyên đề của tỉnh ủy theo Hướng dẫn 22 của Ban Chấp hành Trung ương

Quy trình ban hành nghị quyết chuyên đề của tỉnh uỷ theo Hướng dẫn 22 của Văn phòng Trung ương Đảng (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Quy trình ban hành nghị quyết theo Hướng dẫn 22-HD/VPTW năm 2017 của Văn phòng Trung ương Đảng

Theo Điều 8 Hướng dẫn 22-HD/VPTW năm 2017 quy định về quy trình, trách nhiệm chuẩn bị, biên tập và ban hành nghị quyết chuyên đề của tỉnh uỷ, thành uỷ như sau:

- Xây dựng chương trình toàn khoá của tỉnh uỷ, thành uỷ

+ Ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ ban hành công văn yêu cầu các đảng uỷ trực thuộc, các đảng đoàn, ban cán sự đảng đề xuất những vấn đề cần ban hành nghị quyết chuyên đề của tỉnh uỷ, thành uỷ trong nhiệm kỳ gửi về tỉnh uỷ, thành uỷ.

+ Ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ giao cho văn phòng tỉnh uỷ, thành uỷ chủ trì cùng các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ, thành uỷ căn cứ vào nghị quyết đại hội và đề xuất của các đảng uỷ trực thuộc, các đảng đoàn, ban cán sự đảng tổ chức lựa chọn nội dung cần ban hành nghị quyết chuyên đề của tỉnh uỷ, thành uỷ đưa vào dự thảo chương trình làm việc toàn khoá của tỉnh uỷ, thành uỷ.

+ Nghị quyết chuyên đề của tỉnh uỷ, thành uỷ là những vấn đề mang tính chiến lược được thực hiện trong một nhiệm kỳ trở lên. Chỉ ra nghị quyết khi thật cần thiết. Không ra quá nhiều nghị quyết ở một nhiệm kỳ đại hội và ở một hội nghị tỉnh uỷ, thành uỷ. Nhất thiết phải xây dựng đề án để ban hành nghị quyết chuyên đề. Đối với những nghị quyết chuyên đề của tỉnh uỷ, thành uỷ khoá trước vẫn còn giá trị thì không ra nghị quyết mới, chỉ kiểm tra, tổng kết, điều chỉnh, bổ sung và ra kết luận tiếp tục thực hiện.

+ Văn phòng tỉnh uỷ, thành uỷ trình xin ý kiến ban thường vụ và hoàn chỉnh chương trình công tác toàn khoá của tỉnh uỷ, thành uỷ để ban thường vụ trình xin ý kiến tỉnh uỷ, thành uỷ; tỉnh uỷ, thành uỷ thảo luận và quyết định.

+ Trong chương trình toàn khoá cần phân công các đồng chí uỷ viên ban thường vụ chỉ đạo việc chuẩn bị từng đề án và dự thảo nghị quyết chuyên đề; phân công và xác định trách nhiệm cơ quan chủ trì chuẩn bị đề án và cơ quan phối hợp; xác định rõ thời gian trình tỉnh uỷ, thành uỷ, nên là trong nửa đầu nhiệm kỳ.

+ Chương trình làm việc toàn khoá được thông qua tại hội nghị tỉnh uỷ, thành uỷ lần thứ hai và được ký ban hành theo quy định của Ban Bí thư và quy chế làm việc của tỉnh uỷ, thành uỷ.

- Cơ quan được giao chủ trì chuẩn bị đề án thành lập tổ biên tập

Thành phần là những người có khả năng biên tập văn bản, am hiểu thực tiễn thuộc cơ quan được giao chủ trì và các cơ quan phối hợp; tuỳ theo nghị quyết mà xác định số lượng khoảng từ 10 - 15 người; cơ quan chủ trì ban hành quy chế làm việc của tổ biên tập và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.

- Xây dựng kế hoạch thực hiện

Tổ biên tập giúp cơ quan chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện để xin ý kiến đồng chí uỷ viên ban thường vụ được phân công chỉ đạo ban hành, trong đó, nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, phân công nhiệm vụ, lộ trình thực hiện, kinh phí bảo đảm.

- Xây dựng đề cương sơ bộ và đề cương chi tiết của đề án

+ Tổ biên tập giúp xây dựng đề cương sơ bộ để cơ quan chủ trì xin ý kiến các đồng chí lãnh đạo cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp, đồng chí uỷ viên ban thường vụ được phân công chỉ đạo và thường trực tỉnh uỷ, thành uỷ để hoàn chỉnh đề cương sơ bộ.

+ Trên cơ sở đề cương sơ bộ, xây dựng đề cương chi tiết xin ý kiến định hướng của ban thường vụ tỉnh uỷ. Kết cấu của đề án và nghị quyết chuyên đề gồm 3 phần: Phần thứ nhất: Đánh giá tình hình, trong đó, khái quát rõ những ưu điểm, khuyết điểm chủ yếu, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; phần thứ hai: Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp; phần thứ ba: Tổ chức thực hiện.

- Tổ chức khảo sát thực tiễn trong và ngoài tỉnh, thành phố. Yêu cầu các cơ quan có liên quan cung cấp tài liệu

+ Căn cứ vào đề cương chi tiết của đề án, cơ quan chủ trì xây dựng kế hoạch và nội dung làm việc với các cơ quan nghiên cứu khoa học, các chuyên gia theo chuyên đề cần nghiên cứu, khảo sát gửi đến các cơ quan, tổ chức đảng có liên quan yêu cầu cung cấp tài liệu và tổ chức việc nghiên cứu, khảo sát theo kế hoạch và nội dung gửi trước. Nếu cần khảo sát và học tập kinh nghiệm của nước ngoài, thông qua con đường ngoại giao để đặt vấn đề với bạn về nội dung cần tìm hiểu, thời gian và thành phần đoàn khảo sát. Kết quả khảo sát là một trong những tư liệu rất quan trọng để biên tập đề án.

- Biên tập lần đầu đề án

+ Tổ biên tập giao cho nhóm thành viên hoặc từng thành viên biên tập từng phần của đề án; trên cơ sở đó tổ trưởng biên tập toàn bộ đề án. Tiến hành thảo luận tổ biên tập, xin ý kiến lãnh đạo cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và đồng chí uỷ viên ban thường vụ được phân công chỉ đạo để hoàn chỉnh lần đầu đề án.

- Tổ chức lấy ý kiến tham gia vào đề án

+ Cơ quan chủ trì tiến hành xin ý kiến của các cơ quan hữu quan, các chuyên gia, các nhà khoa học về đề án; thời gian xin ý kiến phải bảo đảm đủ để đóng góp ý kiến; các tổ chức và cá nhân được xin ý kiến có trách nhiệm đóng góp ý kiến và gửi về cơ quan chủ trì đúng thời gian; cơ quan chủ trì tiếp thu hoàn chỉnh đề án và dự thảo tờ trình, dự thảo nghị quyết trình xin ý kiến thường trực tỉnh uỷ, thành uỷ.

- Tổ chức thẩm định, phản biện đề án

+ Tuỳ theo lĩnh vực cần ban hành nghị quyết chuyên đề, thường trực tỉnh uỷ, thành uỷ giao cho các cơ quan tham mưu, giúp việc của tỉnh uỷ thẩm định về nội dung đề án, giao văn phòng tỉnh uỷ, thành uỷ thẩm tra về thể thức và quy trình xây dựng đề án và giao cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, các hội khoa học, hội nghề nghiệp phản biện đề án. Cơ quan thẩm định đề án có trách nhiệm thẩm định và gửi lại cho cơ quan chủ trì đúng thời gian. Trong trường hợp cần thiết cơ quan thẩm định được yêu cầu cơ quan chủ trì cung cấp tư liệu liên quan đến đề án.

- Tiếp thu hoàn chỉnh đề án trình ban thường vụ

+ Cơ quan chủ trì chuẩn bị đề án tiếp thu ý kiến thẩm định, phản biện để hoàn chỉnh đề án, dự thảo tờ trình, dự thảo nghị quyết trình xin ý kiến ban thường vụ.

- Ban thường vụ thảo luận cho ý kiến để cơ quan chủ trì hoàn chỉnh đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết để ban thường vụ trình hội nghị tỉnh uỷ, thành uỷ

+ Ban thường vụ tổ chức hội nghị nghe cơ quan chủ trì chuẩn bị đề án trình, nghe ý kiến của các cơ quan thẩm định, phản biện, cơ quan được mời dự họp và tiến hành thảo luận cho ý kiến vào đề án, dự thảo tờ trình, dự thảo nghị quyết. Kết quả thảo luận nếu có sự thống nhất cao, thì đồng chí chủ trì hội nghị kết luận để cơ quan chủ trì tiếp tục hoàn chỉnh đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết để ban thường vụ trình ra tỉnh uỷ, thành uỷ; nếu chưa thực hiện đúng quy trình và còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa tạo được sự thống nhất cao, thì giao cho cơ quan chủ trì chuẩn bị lại để ban thường vụ thảo luận và kết luận ở phiên họp sau.

- Thảo luận của tỉnh uỷ, thành uỷ

+ Đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết chuyên đề phải được gửi trước cho các đồng chí tỉnh uỷ viên theo quy chế làm việc của tỉnh uỷ, thành uỷ, tại hội nghị, đồng chí uỷ viên ban thường vụ được phân công chỉ đạo đọc tờ trình và dự thảo nghị quyết, trong đó, nêu rõ những vấn đề cần xin ý kiến và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Tỉnh uỷ, thành uỷ nghiên cứu đề án, tờ trình và tập trung thảo luận vào những vấn đề ban thường vụ xin ý kiến hoặc trong quá trình chuẩn bị còn có ý kiến khác nhau và dự thảo nghị quyết chuyên đề.

- Tỉnh uỷ, thành uỷ biểu quyết thông qua nghị quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín

+ Ban thường vụ tiếp thu, giải trình về ý kiến thảo luận của các đồng chí cấp uỷ viên, tiến hành biểu quyết từng nội dung cụ thể còn có ý kiến khác nhau hoặc các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể cần biểu quyết, kết quả biểu quyết phải đạt trên 50% số cấp uỷ viên tán thành mới được đưa vào nghị quyết chuyên đề; biểu quyết toàn văn nghị quyết chuyên đề phải đạt trên 2/3 số cấp uỷ viên tán thành mới được thông qua.

- Ban thường vụ tiếp thu, hoàn chỉnh nghị quyết chuyên đề và ký ban hành

+ Tỉnh uỷ, thành uỷ giao cho ban thường vụ tiếp thu ý kiến và kết quả biểu quyết của tỉnh uỷ, thành uỷ để hoàn chỉnh nghị quyết chuyên đề và ký ban hành theo quy định của Ban Bí thư và quy chế làm việc của tỉnh uỷ, thành uỷ.

Thời hiệu thi hành văn bản của cấp uỷ tỉnh

Căn cứ Điều 6 Hướng dẫn 22-HD/VPTW năm 2017 quy định thời hiệu thi hành văn bản của cấp uỷ tỉnh như sau:

Thời hiệu thi hành văn bản của cấp uỷ tỉnh nói chung không quá 1 khoá (5 năm) kể từ ngày ký ban hành văn bản. Đối với những văn bản có nội dung chiến lược thì thời hiệu thi hành được khẳng định trong chính văn bản đó nhưng không quá 2 khoá (10 năm). Thực hiện 3 năm sơ kết, 5 năm tổng kết đối với văn bản của cấp uỷ tỉnh.

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 871

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn