Khi nào tăng giá điện? Cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
02/03/2024 16:19 PM

Cho tôi hỏi khi nào thì tăng giá điện và cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm được quy định như thế nào? – Thuận An (Cà Mau)

Khi nào tăng giá điện? Cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Tăng giá điện với mức độ và thời điểm phù hợp

Theo Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 05/02/2024 về Phiên họp thường kỳ tháng 01/2024, Chính phủ yêu cầu thực hiện điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục... với mức độ và thời điểm phù hợp, hạn chế tối đa tác động đến lạm phát, sản xuất kinh doanh, đời sống Nhân dân.

Thời điểm gần nhất tăng giá điện là ngày 09/11/2023 (theo Quyết định 1416/QĐ-EVN ngày 08/11/2023 của Tập đoàn điện lực Việt Nam), khi đó điều chỉnh tăng giá điện thêm 4,5%.

>> Xem thêm: Biểu giá điện sinh hoạt mới nhất

Nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân

Căn cứ Điều 3 Quyết định 24/2017/QĐ-TTg quy định nguyên tắc điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân như sau:

- Hàng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

- Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

- Khi các thông số đầu vào theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Quyết định 24/2017/QĐ-TTg biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được điều chỉnh giảm.

- Khi các thông số đầu vào theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Quyết định 24/2017/QĐ-TTg biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

- Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 06 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

- Tập đoàn Điện lực Việt Nam được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Lưu ý: Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến mức điều chỉnh giá bán điện bình quân. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.

Như vậy, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 06 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. 

Cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm

Cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm được quy định tại Điều 5 Quyết định 24/2017/QĐ-TTg như sau:

- Trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện do Bộ Công Thương ban hành hàng năm và kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm trước liền kề theo quy định tại Điều 7 Quyết định 24/2017/QĐ-TTg, ước kết quả sản xuất kinh doanh điện trong năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán giá bán điện bình quân theo công thức quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định 24/2017/QĐ-TTg năm 2017.

- Trường hợp giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.

- Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Sau khi tăng giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.

- Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai thực hiện. Sau khi thực hiện điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

- Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 692

Bài viết về

lĩnh vực Điện

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn