Hệ thống ưu đãi phổ cập GSP là gì? 05 mục tiêu của GSP (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Hệ thống ưu đãi phổ cập có tên tiếng Anh là Generalized System of Preferences; được viết tắt là GSP.
Hệ thống ưu đãi phổ cập GSP là kết quả của cuộc đàm phán liên chính phủ được tổ chức dưới sự bảo trợ của hội nghị Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD). Theo hệ thống ưu đãi phổ cập GSP, các ưu đãi về thuế quan được áp dụng cho hàng hoá xuất khẩu từ các nước đang phát triển trên cơ sở không cần có đi có lại và không phân biệt đối xử.
Đây là một hệ thống mà theo đó các nước phát triển (được gọi là các nước cho hưởng) cho các nước đang phát triển (được gọi là các nước được hưởng) hưởng chế độ ưu đãi bằng cách giảm hoặc miễn thuế. Chế độ ưu đãi được xây dựng trên cơ sở không có sự phân biệt đối xử và không đòi hỏi bất kì nghĩa vụ nào từ phía các nước đang phát triển.
Mỗi quốc gia có một chế độ hệ thống riêng, cơ chế hoạt động, nội dung, hình thức hay mục tiêu khác nhau. Tuỳ từng đối tượng, các quốc gia sẽ áp chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP tương ứng.
Các mục tiêu chính của hệ thống ưu đãi phổ cập GSP:
(1) Nâng cao năng lực và tiềm năng xuất khẩu và mua bán hàng hoá của các nước đang và kém phát triển
(2) Tăng kim ngạch xuất khẩu của các nước được hưởng chế độ GSP
(3) Đẩy mạnh phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hoá của của các nước được hưởng chế độ GSP
(4) Tăng cường việc phổ biến rộng rãi các thông tin, qui định và thủ tục điều chỉnh buôn bán của chế độ GSP đến các nước khác
(5) Cung cấp thông tin về các qui định liên quan đến thương mại như thuế chống phá giá và chống bù giá, các qui định hải quan, thủ tục giấy phép nhập khẩu, và pháp luật thương mại khác qui định các điều kiện thâm nhập thị trường các nước cho hưởng.
(1) Các nước cho hưởng chế độ ưu đãi phổ cập GSP
Hiện nay, có 16 chế độ ưu đãi khác nhau đang hoạt động tại 28 nước phát triển, bao gồm 15 nước thành viên của EU, cụ thể: Áo, Bỉ, Đan Mạch, Đức, Ailen, Italy, Luc Xăm Bua, Hà Lan, Anh, Hy Lạp, Phần Lan, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Bồ Đào Nha, Pháp; Nhật Bản, Niu - Di - Lân, Thuỵ Sĩ, Bun - Ga - Ry, Hung - Ga - Ry, Séc, Ba Lan, Nga, các quốc gia trung lập (CIS), Ca - Na - Đa, Na - Uy, Ôx-Trây-Lia, Ru-Ma-Ni.
(2) Các nước được hưởng chế độ ưu đãi phổ cập GSP
Bao gồm những nước đang phát triển và những nước kém phát triển. Các nước kém phát triển thường được hưởng một chế độ đặc biệt riêng, có nhiều ưu đãi hơn các nước đang phát triển. Đối với mỗi quốc gia dành ưu đãi, các nước được hưởng được liệt kê trong danh sách ban hành kèm theo chế độ GSP. Danh sách này có thể được sửa đổi bổ sung.
(3) Những hàng hoá được hưởng ưu đãi phổ cập GSP
Hàng hoá được hưởng ưu đãi được phân loại thành hai nhóm: các sản phẩm công nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp.
Danh mục hàng hoá được hưởng được các nước cho hưởng ưu đãi ban hành có sửa đổi định kỳ và được xây dựng trên có sở biểu thuế xuất nhập khẩu của nước đó.
Việc bổ sung hay loại bỏ một mặt hàng nào đó trong Danh mục được các nước cho hưởng ưu đãi thực hiện dựa trên tình hình sản xuất trong nước mặt hàng đó.
(4) Mức độ ưu đãi GSP
Các nước cho hưởng ưu đãi quy định thuế suất ưu đãi cho chế độ GSP dựa trên mức thuế suất của chế độ đối xử tối huệ quốc (MFN).
Nhìn chung, thuế suất ưu đãi theo chế độ GSP ở mức thấp khoảng vài phần trăm hoặc được miễn hoàn toàn.
(5) Cơ chế bảo vệ ưu hệ thống ưu đãi phổ cập GSP
Với ưu đãi thuế quan GSP được hưởng, hàng hoá của các nước được hưởng sẽ có thêm ưu thế trong thị trường nứơc nhập khẩu. Tuy nhiên, hàng hoá này sẽ tạm thời không được hưởng ưu đãi thuế quan GSP nữa trong một số trường hợp nhất định. Khi một hàng hoá nhập khẩu theo GSP ảnh hưởng đến công nghiệp sản xuất mặt hàng đó trong nước, nước cho hưởng ưu đãi sẽ thực hiện những biện pháp cần thiết theo cơ chế bảo vệ của hệ thống GSP.
Có nhiều cơ sở để xác định hàng hoá nhập khẩu theo GSP có ảnh hưởng tới nền công nghiệp nội địa không, thường là một mức trần về khối lượng nhập khẩu, về khối lượng trị giá thực hiện...
(6) Chế độ ưu đãi GPS với hàng thủ công
Có nhiều nước cho hưởng ưu đãi cho phép các hàng thủ công và/hoặc sản phẩm làm bằng tay được hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt. Chế độ này được ban hành như một bộ phận của quy chế GSP hoặc cũng có thể vượt ra ngoài phạm vi đó theo các thoả thuận riêng. Thông thường chế độ ưu đãi đối với các hàng này là miễn thuế. Tuy nhiên các quy tắc của các nước cho hưởng ưu đãi rất khác nhau ở việc xác định thế nào là hàng thủ công, mức độ ưu đãi, quản lý hạn ngạch, các loại chứng từ phải xác nhận, các yêu cầu về pháp lý phải tuân thủ v.v...