Thủ tục ly hôn thuận tình năm 2024: Hồ sơ thế nào, nộp đơn ở đâu?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
05/01/2024 11:15 AM

Hồ sơ ly hôn thuận tình gồm những gì? Nộp đơn xin ly hôn thuận tình ở đâu? – Văn Triệu (Ninh Thuận)

Thủ tục ly hôn thuận tình năm 2024: Hồ sơ thế nào, nộp đơn ở đâu?

Thủ tục ly hôn thuận tình năm 2024: Hồ sơ thế nào, nộp đơn ở đâu? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hồ sơ ly hôn thuận tình năm 2024

- Đơn xin ly hôn thuận tình (Xem thêm mẫu đơn xin ly hôn thuận tình và cách viết TẠI ĐÂY) (khoản 1 Điều 396 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).

- Tài liệu, chứng cứ chứng minh thỏa thuận về thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn là có căn cứ và hợp pháp (khoản 3 Điều 396 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).

- Bản chính giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

- Một trong các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú bao gồm:

+ Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân;

+ Giấy xác nhận thông tin về cư trú; (Xem thêm: Cách xin giấy xác nhận thông tin về cư trú)

+ Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Bản sao CMND/CCCD của cả vợ và chồng.

- Những giấy tờ chứng minh tài sản chung của vợ chồng (nếu có tài sản chung cần chia);

- Bản sao giấy khai sinh của con (nếu có con).

2. Nộp đơn ly hôn thuận tình năm 2024 ở đâu?

- Nếu vợ hoặc chồng ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp ra nước ngoài thì nộp đơn tại TAND cấp tỉnh nơi vợ hoặc chồng cư trú, làm việc.

- Nếu vợ hoặc chồng đều ở Việt Nam, không cần ủy thác tư pháp ra nước ngoài thì nộp đơn tại TAND cấp huyện nơi vợ hoặc chồng cư trú, làm việc.

- Nếu vợ hoặc chồng là công dân của các nước có chung biên giới với Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc,.. thì nộp đơn tại TAND cấp huyện nơi vợ hoặc chồng là người Việt Nam cư trú, làm việc.

(Khoản 2, 3, 4 Điều 35; điểm h khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015)

3. Điều kiện ly hôn thuận tình năm 2024

Trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn thì Tòa án sẽ công nhận thuận tình ly hôn nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Hai bên thật sự tự nguyện ly hôn;

- Đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con

Nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

(Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

4. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

- Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 để giải quyết.

- Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

+ Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

+ Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

+ Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

+ Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

- Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

- Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

- Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

(Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,809

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn