Không đi học mẫu giáo có được vào lớp một không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
07/12/2023 14:30 PM

Xin cho tôi hỏi theo quy định của pháp luật thì không đi học mẫu giáo có được vào lớp một hay không? - Thành Lương (Nghệ An)

Không đi học mẫu giáo có được vào lớp một không?

Không đi học mẫu giáo có được vào lớp một không? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Không đi học mẫu giáo có được vào lớp một không?

Cụ thể tại Điều 14 Luật Giáo dục 2019 quy định về phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc như sau:

- Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc.

Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

- Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục.

- Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.

- Gia đình, người giám hộ có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.

Như vậy, trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay chỉ có giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc. Còn đối với giai đoạn mẫu giáo thì hiện nay Nhà nước chủ trương thực hiện việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi. Do đó, trẻ em không bắt buộc phải đi học mẫu giáo trước khi vào lớp một.

2. Bao nhiêu tuổi thì được vào lớp một?

Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Giáo dục 2019 quy định giáo dục tiểu học được thực hiện trong 05 năm học, từ lớp một đến hết lớp năm. Tuổi của học sinh vào học lớp một là 06 tuổi và được tính theo năm.

* Trường hợp được vào lớp một muộn hơn

Theo Điều 33 Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định tuổi của học sinh vào học lớp một là 06 tuổi và được tính theo năm. Các trường hợp có thể vào học lớp một ở độ tuổi cao hơn so với quy định nhưng không quá 03 tuổi bao gồm:

- Trẻ em khuyết tật, kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ,

- Trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn,

- Trẻ em người dân tộc thiểu số,

- Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa,

- Trẻ em ở nước ngoài về nước,

- Con em người nước ngoài học tập, làm việc ở Việt Nam.

Trường hợp trẻ em vào học lớp một vượt quá 03 tuổi so với quy định sẽ do trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định.

* Trường hợp được vào lớp một sớm hơn

Tại điểm e khoản 1 Điều 35 Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo các bước sau:

- Cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường.

- Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội.

- Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng hoàn thiện hồ sơ và báo cáo trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định.

3. Trẻ em vào lớp một có phải đóng học phí không?

Căn cứ khoản 1 Điều 14 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định học sinh tiểu học trường công lập thuộc đối tượng không phải đóng học phí.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,231

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]