Trường hợp nào được hoàn trả tiền đóng bảo hiểm xã hội?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
09/11/2023 15:30 PM

Xin hỏi trường hợp nào được hoàn trả tiền đóng bảo hiểm xã hội? Trình tự hoàn trả tiền đóng bảo hiểm xã hội như thế nào? - Bảo Uyên (Bình Định)

Trường hợp nào được hoàn trả tiền đóng bảo hiểm xã hội? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Trường hợp nào được hoàn trả tiền đóng bảo hiểm xã hội?

Các trường hợp hoàn trả tiền thu bảo hiểm xã hội bắt buộc theo khoản 3 Điều 43 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 (sửa đổi tại Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020) như sau:

(i) Đơn vị giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc di chuyển nơi đăng ký tham gia đã đóng thừa tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN.

(ii) Các trường hợp hoàn trả BHXH tự nguyện, BHYT.

(iii) Đơn vị chuyển tiền vào tài khoản chuyên thu không thuộc trách nhiệm quản lý thu của cơ quan BHXH tỉnh, huyện theo phân cấp.

(iv) Số tiền đơn vị, cá nhân đã chuyển vào tài khoản chuyên thu không phải là tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN.

(v) Kho bạc hoặc ngân hàng hạch toán nhầm vào tài khoản chuyên thu.

(vi) Trường hợp một người có từ 02 sổ BHXH trở lên có thời gian đóng BHXH, BHTN trùng nhau thì cơ quan BHXH thực hiện hoàn trả cho người lao động số tiền đơn vị và người lao động đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất và số tiền đã đóng vào quỹ BHTN (bao gồm cả số tiền thuộc trách nhiệm đóng BHXH, BHTN của người sử dụng lao động), không bao gồm tiền lãi. 

Cơ quan BHXH quản lý nơi người lao động đang làm việc hoặc đang sinh sống thực hiện hoàn trả cho người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017.

- Trường hợp đóng BHXH cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

2. Trình tự hoàn trả tiền đóng bảo hiểm xã hội

Bước 1: Nộp hồ sơ

 Hồ sơ đề nghị hoàn trả tiền đóng bảo hiểm xã hội bao gồm:

- Trường hợp quy định tại (i) mục 1: đơn vị lập hồ sơ theo quy định tại Điều 23 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017.

- Trường hợp quy định tại (2) và (6) mục 1, lập Mẫu TK1-TS, kèm theo:

+ Sổ BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện, tất cả các sổ BHXH đối với người có thời gian đóng BHXH, BHTN trùng nhau.

+ Văn bản chứng thực hoặc bản kèm theo bản chính Giấy chứng tử đối với trường hợp chết.

- Trường hợp hoàn trả tiền đóng BHYT cho nhiều người trong cùng đối tượng, UBND xã, đại lý thu/nhà trường lập danh sách đề nghị hoàn trả theo Mẫu D03-TS gửi cơ quan BHXH.

- Các trường hợp còn lại: đơn vị hoặc ngân hàng, kho bạc có văn bản đề nghị.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Phòng/Tổ Quản lý thu

- Cán bộ thu kiểm tra sổ BHXH, thẻ BHYT với cơ sở dữ liệu thu toàn quốc nếu đúng tổng hợp dữ liệu về kho dữ liệu bảo lưu BHXH để giải quyết, khi giải quyết xong dữ liệu giải quyết tự động lưu hồ sơ đã hoàn trả.

- Phối hợp với Phòng/Tổ KH-TC xác định nguyên nhân, số tiền đã đóng thừa, số tiền chuyển nhầm, hạch toán nhầm vào tài khoản chuyên thu.

- Giám đốc BHXH ban hành Quyết định hoàn trả (Mẫu C16-TS), gửi 01 bản cho Phòng/Tổ KH-TC và làm thủ tục chuyển tiền, lưu Phòng/Tổ Quản lý thu 01 bản. Trường hợp ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước hạch toán nhầm thì gửi 01 bản cho ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước đó để kiểm soát.

Bước 3: Duyệt hồ sơ và trả kết quả

Giám đốc BHXH kiểm tra, ký duyệt và lưu hồ sơ trên kho dữ liệu bảo lưu của phần mềm quản lý thu để báo cáo BHXH cấp trên theo quy định.

(Khoản 3 Điều 43 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 (sửa đổi tại Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020))

3. Các trường hợp có khả năng bị truy thu Bảo hiểm xã hội bắt buộc

Tại khoản 1 Điều 38 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 (sửa đổi tại Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020) quy định các trường hợp có khả năng bị truy thu BHXH như sau:

- Truy thu do trốn đóng:

 Trường hợp đơn vị trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (sau đây gọi là trốn đóng) do cơ quan thanh tra nhà nước có thẩm quyền, cơ quan BHXH kết luận thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN từ ngày 01/01/2016 thì ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, còn phải truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi suất chậm đóng như sau:

+ Toàn bộ thời gian trốn đóng trước ngày 01/01/2016, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với năm 2016;

+  Đối với thời gian trốn đóng từ ngày 01/01/2016 trở đi, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với từng năm áp dụng tại thời điểm phát hiện trốn đóng.

Truy thu đối với người lao động sau khi chấm dứt HĐLĐ về nước truy đóng BHXH cho thời gian đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ chưa đóng: trường hợp sau 06 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ về nước mới thực hiện truy đóng BHXH thì số tiền truy thu BHXH được tính bao gồm: số tiền phải đóng BHXH theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.

-  Truy thu do điều chỉnh tăng tiền lương đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động: 

Trường hợp sau 06 tháng kể từ ngày người có thẩm ký quyết định hoặc HĐLĐ (phụ lục HĐLĐ) nâng bậc lương, nâng ngạch lương, điều chỉnh tăng tiền lương, phụ cấp tháng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động mới thực hiện truy đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN thì số tiền truy thu BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN được tính bao gồm: số tiền phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.

- Các trường hợp khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,824

Bài viết về

lĩnh vực Bảo hiểm

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn