Hướng dẫn quy định kêu gọi từ thiện của mặt trận tổ quốc

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
09/11/2023 14:30 PM

Hiện nay, các quy định liên quan đến kêu gọi từ thiện được mặt trận tổ quốc được hướng dẫn như thế nào?

Hướng dẫn quy định kêu gọi từ thiện của mặt trận tổ quốc

Hướng dẫn quy định kêu gọi từ thiện của mặt trận tổ quốc (Hình từ internet)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Hướng dẫn 95/HD-MTTW-BTT năm 2023 thực hiện nội dung Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (sau đây gọi tắt là kêu gọi từ thiện).

Phạm vi áp dụng: Văn bản này hướng dẫn đối với một số nội dung về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố liên quan đến trách nhiệm tổ chức thực hiện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan nhưng chưa được quy định cụ thể trong Nghị định 93/2021/NĐ-CP.

Đối tượng áp dụng: Văn bản này áp dụng đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Vận động cứu trợ các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố theo quy định của Nghị định 93/2021/NĐ-CP.

Hướng dẫn quy định kêu gọi từ thiện của mặt trận tổ quốc

(1) Việc tổ chức kêu gọi, vận động và hưởng ứng lời kêu gọi từ thiện (Điều 6)

Khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra gây thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng tới đời sống của Nhân dân, tùy theo mức độ, phạm vi thiệt hại và cấp độ rủi ro thiên tai, việc kêu gọi, vận động đóng góp tự nguyện được thực hiện theo các cấp độ như sau:

- Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xem xét, quyết định ra lời kêu gọi từ thiện khi có một trong các trường hợp sau:

+ Thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra trên phạm vi địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trở lên hoặc trường hợp thiên tai, sự cố, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi 01 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà mức độ thiệt hại lớn (có nhiều người chết, mất tích; nhiều người bị thương nặng, mắc dịch bệnh phải nằm viện điều trị, cách ly y tế tập trung; có nhiều nhà ở của người dân bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn hoặc hư hỏng nặng từ 75% trở lên; có nhiều thôn, bản, buôn, làng, phum, sóc có nhà cửa bị đổ, hư hỏng...) vượt quá khả năng kêu gọi, vận động của địa phương.

- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh ra lời kêu gọi khi:

+ Thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra trên phạm vi địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

+ Có mức độ thiệt hại thấp hơn các mức quy định đối với trường hợp Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra lời kêu gọi;

- Trong trường hợp khả năng huy động nguồn lực tại địa phương không đảm bảo thì Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh gửi lời kêu gọi các tỉnh, thành phố, các tổ chức, cá nhân ngoài tỉnh; hoặc có văn bản đề nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra lời kêu gọi.

- Ngay sau khi Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra lời kêu gọi, trong thời hạn không quá 3 ngày, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Trung ương có hình thức phù hợp để hưởng ứng thực hiện lời kêu gọi.

(2) Về thành phần và nhiệm vụ Ban Vận động cứu trợ (Điều 7)

- Ban Vận động tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện (gọi tắt là Ban Vận động cứu trợ) được thành lập ở 4 cấp, gồm: Ban Vận động cứu trợ Trung ương, Ban Vận động cứu trợ cấp tỉnh, Ban Vận động cứu trợ cấp huyện, Ban Vận động cứu trợ cấp xã.

- Thành phần của Ban Vận động cứu trợ:

+ Ban Vận động cứu trợ Trung ương, gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, các thành viên. Đồng chí Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Trưởng ban; 01 đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Phó Trưởng ban Thường trực; mời đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Phó Trưởng ban; mời Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tham gia làm thành viên.

+ Ban Vận động cứu trợ cấp tỉnh, cấp huyện, gồm: Đồng chí Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp làm Trưởng ban; 01 đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp làm Phó Trưởng ban; mời đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp làm Phó Trưởng ban; đại diện lãnh đạo ngành Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Hội Chữ thập đỏ, Đài Phát thanh và Truyền hình (đối với Ban Vận động cứu trợ cấp tỉnh), Đài truyền thanh hoặc Trung tâm truyền thông, phát thanh...(đối với Ban vận động cứu trợ cấp huyện), Văn phòng Ủy ban nhân dân cùng cấp tham gia làm thành viên.

+ Ban Vận động cứu trợ cấp xã, gồm: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã làm Trưởng ban; mời 01 đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã làm Phó Trưởng ban; công chức phụ trách các lĩnh vực: Văn phòng - thống kê; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); Tài chính - kế toán; Văn hóa - Xã hội; Hội Chữ Thập đỏ tham gia làm thành viên.

Ngoài ra, tùy điều kiện thực tế, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có thể mời thêm đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tham gia.

- Việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Vận động cứu trợ:

+ Để thực hiện các nhiệm vụ của Ban Vận động cứu trợ các cấp theo quy định tại khoản 2, Điều 7, Nghị định 93/2021/NĐ-CP, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Vận động cứu trợ cùng cấp.

+ Ban Vận động cứu trợ các cấp được sử dụng con dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để thực hiện nhiệm vụ.

+ Ban Vận động cứu trợ cấp tỉnh, cấp huyện xem xét thành lập Tổ giúp việc Ban Vận động cứu trợ cùng cấp để tham mưu thực hiện công tác vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn cứu trợ. Thành phần tham gia Tổ giúp việc là công chức của các cơ quan tham gia Ban Vận động cứu trợ, trong đó công chức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Tổ trưởng Tổ giúp việc.

(3) Việc kéo dài thời gian vận động, tiếp nhận và phân phối (Điều 8)

- Tùy theo diễn biến, yêu cầu thực tế khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thời gian tiếp nhận ủng hộ không quá 90 ngày, trong trường hợp cần thiết, Ban Vận động cứu trợ từ cấp tỉnh trở lên quyết định kéo dài thời gian tiếp nhận khi:

+ Xảy ra dịch bệnh: Sau 90 ngày tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa kết thúc, phải tiếp tục kéo dài thời gian phòng, chống, khắc phục hậu quả;

+ Xảy ra thiên tai hoặc sự cố nghiêm trọng: Sau 90 ngày vẫn chưa khắc phục được cơ bản hậu quả, đời sống nhân dân chưa ổn định trở lại bình thường.

- Việc kéo dài thời gian vận động phải có Quyết định hoặc thông báo chính thức bằng văn bản của Ban Vận động được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng.

Xem thêm nội dung tại Hướng dẫn

Nguyên tắc kêu gọi từ thiện theo Nghị định 93/2021/NĐ-CP

Nguyên tắc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện như sau:

- Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện và tổ chức vận động đóng góp tự nguyện; phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ người dân chịu thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh, sự cố hoặc người dân mắc bệnh hiểm nghèo nhằm sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.

- Vận động đóng góp để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố được thực hiện khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố gây ra thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân; vận động đóng góp để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thực hiện theo từng trường hợp cụ thể.

- Vận động đóng góp phải đảm bảo kịp thời và được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện; các tổ chức, cá nhân không được phép đặt ra mức tối thiểu để yêu cầu phải đóng góp; các khoản đóng góp tự nguyện phải từ thu nhập, tài sản hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thực hiện đóng góp.

- Tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công bằng, công khai, đúng mục đích, đối tượng; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan.

- Kinh phí phục vụ cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định tại Nghị định 93/2021/NĐ-CP.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 900

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn