Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng hình thức kỷ luật phạm nhân vi phạm

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
23/08/2023 10:30 AM

Cho tôi hỏi các tình tiết giảm nhẹ hình thức kỷ luật và tăng nặng hình thức kỷ luật phạm nhân vi phạm được quy định thế nào? - Thúy Ái (Bình Dương)

Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng hình thức kỷ luật phạm nhân vi phạm

Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng hình thức kỷ luật phạm nhân vi phạm (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các tình tiết giảm nhẹ hình thức kỷ luật phạm nhân vi phạm

Theo Điều 21 Nghị định 133/2020/NĐ-CP thì phạm nhân vi phạm có một trong các tình tiết sau đây có thể được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật:

- Vi phạm lần đầu, gây hậu quả không lớn; khai báo thành khẩn, trung thực về vi phạm của mình và những phạm nhân khác; chủ động ngăn chặn hành vi vi phạm của phạm nhân khác; tích cực khắc phục hậu quả do mình gây ra (nếu có).

- Ăn năn hối cải, nhận rõ sai phạm, tự giác nhận khuyết điểm, tích cực tiếp thu sự giáo dục, sửa chữa vi phạm của mình.

- Vi phạm do bị phạm nhân khác đe dọa, cưỡng bức, ép buộc, xúi giục, lôi kéo; bị kích động về tinh thần do hành vi vi phạm của phạm nhân khác gây ra hoặc nguyên nhân khách quan khác.

- Lập công hoặc có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua chấp hành án phạt tù, có quyết định khen thưởng.

- Phạm nhân già yếu đối với nam từ đủ 70 tuổi trở lên, nữ từ đủ 65 tuổi trở lên; bị khuyết tật hoặc có nhược điểm về thể chất, tinh thần; bị bệnh hiểm nghèo, ốm, đau nặng; bị bệnh làm hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình; phạm nhân nữ có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 36 tháng tuổi; phạm nhân là người dưới 18 tuổi.

2. Các tình tiết tăng nặng hình thức kỷ luật phạm nhân vi phạm

Theo Điều 22 Nghị định 133/2020/NĐ-CP thì phạm nhân vi phạm có một hoặc nhiều tình tiết sau phải xem xét tăng nặng hình thức kỷ luật:

- Vi phạm có tổ chức, là chủ mưu, cầm đầu, khởi xướng hoặc tích cực, trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm; chỉ đạo, đe dọa, cưỡng bức, ép buộc, lôi kéo, xúi giục phạm nhân khác vi phạm.

- Vi phạm liên tục trong thời gian dài; nhiều lần hoặc với nhiều người; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; có tính chất côn đồ, hung hãn; sử dụng phương tiện, đồ vật, hung khí có tính sát thương; gây hậu quả, thiệt hại lớn.

- Không tự giác, trung thực nhận lỗi, khuyết điểm, vi phạm; khai báo sai sự thật, cố tình trốn tránh, che giấu vi phạm; bao che phạm nhân cùng vi phạm; ngăn cản việc cung cấp chứng cứ vi phạm, cản trở, đối phó, gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý vi phạm; trả thù người tố cáo hoặc người cung cấp thông tin, chứng cứ, đồ vật vi phạm.

- Không tiếp thu giáo dục, sửa chữa vi phạm; đã được giáo dục, nhắc nhở hoặc đã bị xử lý kỷ luật nhưng tiếp tục vi phạm.

- Lợi dụng tình trạng thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác để vi phạm; vi phạm đối với người dưới 18 tuổi, phạm nhân nữ có thai, nghỉ thai sản; phạm nhân đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; phạm nhân đang ốm đau, bệnh tật, già yếu, khuyết tật hoặc bị hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình.

3. Thời hạn xử lý kỷ luật, thi hành quyết định kỷ luật phạm nhân vi phạm

Thời hạn xử lý kỷ luật, thi hành quyết định kỷ luật phạm nhân vi phạm theo Điều 23 Nghị định 133/2020/NĐ-CP như sau:

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện vi phạm, trường hợp vụ việc có liên quan nhiều phạm nhân hoặc phức tạp cần có thời gian điều tra, xác minh, thì kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật, nhưng không quá 07 ngày, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân phải xem xét, ra quyết định kỷ luật. Quyết định kỷ luật phạm nhân phải ghi rõ ngày có hiệu lực thi hành và công bố cho phạm nhân biết.

- Phạm nhân có quyết định kỷ luật phải có thời gian theo dõi, thử thách để công nhận đã cải tạo tiến bộ. Đối với hình thức kỷ luật khiển trách, thời gian theo dõi, thử thách là 01 tháng; đối với hình thức kỷ luật cảnh cáo, thời gian theo dõi, thử thách là 03 tháng; đối với hình thức giam tại buồng kỷ luật, thời gian theo dõi, thử thách là 06 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực thi hành, đối với hình thức giam tại buồng kỷ luật tính từ ngày được đưa ra khỏi buồng kỷ luật.

- Trong thời gian theo dõi, thử thách mà phạm nhân không có vi phạm, thì khi hết thời hạn sẽ được công nhận đã cải tạo tiến bộ. Trường hợp đã thi hành được một nửa thời hạn trở lên mà không vi phạm, có quyết định khen thưởng, thì được xét, công nhận đã cải tạo tiến bộ trước thời hạn. 

Trường hợp lập công thì được xét, công nhận đã cải tạo tiến bộ ngay. Phạm nhân thường xuyên vi phạm bị giam giữ riêng thì thời gian theo dõi, thử thách để được công nhận đã cải tạo tiến bộ kể từ ngày đưa ra khỏi buồng giam giữ riêng.

Phạm nhân chưa được công nhận đã cải tạo tiến bộ, nếu tiếp tục có quyết định kỷ luật mới, thì thời hạn theo dõi, thử thách là tổng thời hạn theo dõi, thử thách của các quyết định kỷ luật cũ và mới. 

Trường hợp vi phạm chưa đến mức xử lý kỷ luật, thì có thể gia hạn thời gian theo dõi, thử thách 02 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn theo dõi, thử thách đang thi hành.

- Phạm nhân bị kỷ luật giam tại buồng kỷ luật chỉ được mang theo các đồ dùng phục vụ sinh hoạt cá nhân theo quy định. Buồng kỷ luật phạm nhân phải bảo đảm chặt chẽ về an ninh an toàn, bảo đảm ánh sáng, thông thoáng và theo mẫu thiết kế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

- Trong thời gian bị giam tại buồng kỷ luật, nếu phạm nhân nhận rõ sai phạm, ăn năn hối cải, quyết tâm sửa chữa, thì xem xét cho ra khỏi buồng kỷ luật trước thời hạn. Trường hợp ốm đau, bệnh tật hoặc sức khỏe yếu, thì lập biên bản, đưa ra ngoài điều trị, chữa bệnh, khi sức khỏe ổn định thì xem xét tiếp tục thi hành kỷ luật hoặc cho ra khỏi buồng kỷ luật trước thời hạn.

- Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định công nhận phạm nhân đã cải tạo tiến bộ; gia hạn thời gian theo dõi, thử thách; cho ra khỏi buồng kỷ luật; tiếp tục thi hành quyết định kỷ luật; hoãn, miễn thi hành giam tại buồng kỷ luật; thay đổi hình thức kỷ luật đối với phạm nhân. Các quyết định, biên bản, tài liệu kỷ luật được lưu hồ sơ phạm nhân.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,219

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]