Sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 từ ngày 01/01/2026

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
16/12/2024 10:00 AM

Sau đây là các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung tại Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024.

Sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 từ ngày 01/01/2026

Sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 từ ngày 01/01/2026 (Hình từ Internet)

Quốc hội thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 ngày 30/11/2024.

Sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 từ ngày 01/01/2026

Tại khoản 2 Điều 177 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 đã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số chương, điều của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 02/2021/QH15Luật số 34/2024/QH15 như sau:

- Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:

“Điều 7. Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự

Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định. Đối với việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử liên quan đến người chưa thành niên thì còn phải thực hiện theo quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên.”;

- Bỏ cụm từ “quyết định giao người dưới 18 tuổi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám sát; quyết định thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội;” tại điểm đ khoản 1 Điều 37 và điểm h khoản 1 Điều 42;

- Bãi bỏ điểm đ khoản 1 Điều 39 (Quyết định giao người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi cho người đại diện của họ giám sát);

- Bỏ cụm từ “thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội;” tại điểm e khoản 2 Điều 45;

- Thay thế cụm từ “hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật Hình sự” bằng cụm từ “hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 của Bộ luật Hình sự hoặc người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng theo quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên” tại điểm a khoản 1 Điều 230 và khoản 1 Điều 248;

- Bổ sung cụm từ “hoặc người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng theo quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên” vào sau cụm từ “của Bộ luật này” tại điểm a khoản 1 Điều 282;

- Bỏ cụm từ “hoặc khoản 2 Điều 91” tại Điều 285;

- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 330 như sau:

“2. Quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị là quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo và quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của Bộ luật này, Luật Tư pháp người chưa thành niên.”;

- Bãi bỏ chương XXVIII;

- Bổ sung cụm từ “và quyết định tố tụng quy định tại chương VII và chương VIII của Luật Tư pháp người chưa thành niên” vào sau cụm từ “của Bộ luật này” tại khoản 1 Điều 470;

- Bổ sung cụm từ “và hành vi tố tụng quy định tại chương VII và chương VIII của Luật Tư pháp người chưa thành niên” vào sau cụm từ “của Bộ luật này” tại khoản 2 Điều 470.

Các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với người chưa thành niên

Các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với người chưa thành niên theo Điều 135 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 như sau:

- Các biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm:

+ Giữ người trong trường hợp khẩn cấp;

+ Bắt người theo các trường hợp quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự;

+ Tạm giữ;

+ Tạm giam;

+ Giám sát điện tử;

+ Giám sát bởi người đại diện;

+ Bảo lĩnh;

+ Đặt tiền để bảo đảm;

+ Cấm đi khỏi nơi cư trú;

+ Tạm hoãn xuất cảnh.

- Các biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm:

+ Áp giải, dẫn giải;

+ Kê biên tài sản;

+ Phong tỏa tài khoản.

- Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên phải thông báo ngay bằng văn bản cho gia đình của họ, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết; trường hợp cần thiết có thể báo tin trực tiếp, qua điện thoại hoặc phương tiện điện tử khác nhưng ngay sau đó phải gửi thông báo bằng văn bản.

Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận người bị giữ, bị bắt là người chưa thành niên, Cơ quan điều tra nhận người bị giữ, bị bắt phải thông báo cho gia đình người bị giữ, bị bắt, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết; trường hợp người bị giữ, bị bắt là công dân nước ngoài thì phải thông báo cho cơ quan ngoại giao của Việt Nam để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước có công dân bị giữ, bị bắt.

Nếu việc thông báo cản trở truy bắt đối tượng khác hoặc cản trở điều tra thì sau khi cản trở đó không còn, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người, Cơ quan điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt phải thông báo ngay.

Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026, trừ quy định tại Điều 139, khoản 1 và khoản 2 Điều 162 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2028.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 186

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]