Cách kiểm tra thông tin thuê bao di động để tránh bị khóa sim

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
21/03/2023 10:58 AM

Tôi muốn kiểm tra thông tin thuê bao di động của mình để tránh bị khóa sim thì làm như thế nào? – Văn Tuyền (Bình Phước)

Cách kiểm tra thông tin thuê bao di động để tránh bị khóa sim

Cách kiểm tra thông tin thuê bao di động để tránh bị khóa sim (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Cách kiểm tra thông tin thuê bao di động để tránh bị khóa sim

Để kiểm tra thông tin thuê bao di động để tránh bị khóa sim người dân thực hiện nhắn tin theo cú pháp TTTB gửi đến 1414.

Hệ thống sẽ phản hồi lại tin nhắn bao gồm các thông tin như: Họ tên, Ngày sinh, Số CMND/CCCD, Ngày cấp, Nơi cấp, Ngày kích hoạt.

Cách kiểm tra thông tin thuê bao di động để tránh bị khóa sim

Nếu những thông tin do tổng đài 1414 cung cấp chính xác với thông tin cá nhân hiện nghĩa là thuê bao di động đã có thông tin chính xác.

Trong trường hợp các thông tin do tổng đài 1414 gửi về bị sai thì người dân tiến hành chuẩn hóa thông tin sim điện thoại.

Xem thêm: Hướng dẫn chuẩn hóa thông tin sim điện thoại Viettel, VNPT, Mobifone

2. Thông tin thuê bao di động gồm những gì?

Thông tin thuê bao di động bao gồm:

- Số thuê bao; đối tượng sử dụng cho từng số thuê bao: đối với cá nhân (cho bản thân; cho con đẻ, con nuôi dưới 14 tuổi; cho người được giám hộ; cho thiết bị); đối với tổ chức (cho các cá nhân thuộc tổ chức; cho thiết bị);

- Thông tin trên giấy tờ tùy thân của cá nhân, bao gồm:

+ Họ và tên;

+ Ngày tháng năm sinh;

+ Quốc tịch;

+ Số, ngày cấp, cơ quan cấp hoặc nơi cấp giấy tờ tùy thân;

+ Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (đối với người có quốc tịch Việt Nam);

- Thông tin trên giấy tờ của tổ chức, bao gồm:

+ Tên tổ chức;

+ Địa chỉ trụ sở giao dịch;

+ Thông tin trên giấy tờ tùy thân của người đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và thông tin trên giấy tờ tùy thân của mỗi cá nhân thuộc tổ chức tương ứng với số thuê bao mà tổ chức giao cho cá nhân đó sử dụng (trường hợp tổ chức giao cho người sử dụng) theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 15 Nghị định 25/2011/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 49/2017/NĐ-CP);

- Bản số hóa toàn bộ các giấy tờ của cá nhân, tổ chức đã xuất trình khi đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;

- Ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động); bản số hóa bản xác nhận thông tin thuê bao hoặc bản xác nhận thông tin thuê bao có chữ ký điện tử (đối với dịch vụ viễn thông di động trả trước);

- Hình thức thanh toán giá cước (trả trước, trả sau);

- Họ tên nhân viên giao dịch; thời gian thực hiện việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; thời gian thực hiện mỗi lần cập nhật thông tin thuê bao (đối với các trường hợp cá nhân, tổ chức cập nhật lại thông tin thuê bao); địa chỉ và số điện thoại liên hệ của điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.

3. Trường hợp sử dụng thông tin thuê bao di động

Thông tin thuê bao chỉ được sử dụng cho các mục đích sau đây:

- Phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội;

- Phục vụ công tác quản lý nhà nước về viễn thông;

- Phục vụ hoạt động quản lý nghiệp vụ, khai thác mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông.

(Khoản 10 Điều 15 Nghị định 25/2011/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 49/2017/NĐ-CP))

4. Các hành vi nghiêm cấm khi sử dụng thông tin thuê bao di động

- Giả mạo; sử dụng giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận pháp nhân của cá nhân, tổ chức khác để giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;

- Nhập sẵn thông tin thuê bao; kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho SIM thuê bao khi chưa thực hiện, hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định;

- Mua bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước;

- Tiết lộ, sử dụng thông tin thuê bao di động trái pháp luật;

- Sử dụng SIM đa năng, thiết bị có chức năng kích hoạt SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM để nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước cho SIM thuê bao.

(Khoản 11 Điều 15 Nghị định 25/2011/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 49/2017/NĐ-CP))

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 17,770

Bài viết về

lĩnh vực Công nghệ thông tin

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn