Rửa tiền là gì? 02 biện pháp tạm thời trong phòng, chống rửa tiền

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
02/03/2023 16:07 PM

Cho tôi hỏi rửa tiền là gì? Biện pháp tạm thời trong hoạt động phòng chống rửa tiền được thực hiện như thế nào? - Đức Mạnh (Tiền Giang)

Rửa tiền là gì? 02 biện pháp tạm thời trong phòng, chống rửa tiền

Rửa tiền là gì? 02 biện pháp tạm thời trong phòng, chống rửa tiền (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Rửa tiền là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Luật phòng chống rửa tiền 2022 quy định rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có.

Ngoài ra theo khoản 1 Điều 324 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định rửa tiền bao gồm các hành vi sau:

- Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

- Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

- Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

- Thực hiện một trong các hành vi trên đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.

2. 02 biện pháp tạm thời trong phòng, chống rửa tiền

02 biện pháp tạm thời trong phòng, chống rửa tiền bao gồm:

(1) Trì hoãn giao dịch

Theo Điều 44 Luật phòng chống rửa tiền 2022 quy định về biện pháp trì hoãn giao dịch như sau:

- Đối tượng báo cáo phải áp dụng ngay biện pháp trì hoãn giao dịch trong các trường hợp sau đây:

+ Khi có căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan đến giao dịch thuộc Danh sách đen;

+ Khi có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội, bao gồm: giao dịch do người bị kết án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự yêu cầu thực hiện và tài sản trong giao dịch thuộc quyền sở hữu hoặc có nguồn gốc thuộc quyền sở hữu, quyền kiểm soát của người bị kết án đó; giao dịch liên quan đến tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm tài trợ khủng bố;

+ Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại các luật có liên quan.

- Khi thực hiện biện pháp trì hoãn giao dịch, đối tượng báo cáo phải báo cáo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Thời hạn áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu áp dụng.

- Đối tượng báo cáo không phải chịu trách nhiệm pháp lý về những hậu quả phát sinh khi áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch theo đúng quy định tại Điều 44 Luật phòng chống rửa tiền 2022.

- Chính phủ quy định chi tiết điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 44 Luật phòng chống rửa tiền 2022.

(2) Phong tỏa tài khoản, niêm phong, phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản

Theo Điều 45 Luật phòng chống rửa tiền 2022 quy định về phong tỏa tài khoản, niêm phong, phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản như sau:

Đối tượng báo cáo phải thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc phong tỏa tài khoản, niêm phong, phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

3. Nguyên tắc trong phòng, chống rửa tiền

Theo Điều 5 Luật phòng chống rửa tiền 2022 quy định về nguyên tắc trong phòng, chống rửa tiền như sau: 

- Việc phòng, chống rửa tiền phải thực hiện theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia; bảo đảm hoạt động bình thường về kinh tế, đầu tư­; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chống lạm quyền, lợi dụng việc phòng, chống rửa tiền để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Hành vi rửa tiền phải được xử lý theo quy định của pháp luật.

- Biện pháp phòng, chống rửa tiền phải được thực hiện đồng bộ, kịp thời.

4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống rửa tiền

Theo Điều 8 Luật phòng chống rửa tiền 2022 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống rửa tiền như sau

- Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện, trợ giúp thực hiện hành vi rửa tiền.

- Thiết lập, duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả.

- Thiết lập, duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng vỏ bọc.

- Cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống rửa tiền xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền.

- Đe dọa, trả thù người phát hiện, cung cấp thông tin, báo cáo, tố cáo về hành vi rửa tiền.

Đỗ Thành Long

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,367

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]