Truy thăng quân hàm sĩ quan hy sinh khi làm nhiệm vụ thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
01/02/2023 23:16 PM

Phi công Su-22 hy sinh được truy thăng quân hàm thiếu tá. Xin hỏi việc truy thăng quân hàm sĩ quan quân đội được quy định thế nào?

Truy thăng quân hàm sĩ quan hy sinh khi làm nhiệm vụ

Truy thăng quân hàm sĩ quan hy sinh khi làm nhiệm vụ (Hình từ internet)

Truy thăng quân hàm cho phi công hy sinh trong khi làm nhiệm vụ

Theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, phi công Trần Ngọc Duy đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bay huấn luyện chiến đấu, được truy thăng quân hàm sỹ quan trước thời hạn từ Đại úy lên Thiếu tá.

Thăng quân hàm sĩ quan trước thời hạn

Theo Điều 18 Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, sĩ quan được xét thăng quân hàm trước thời hạn quy định trong các trường hợp sau đây:

- Trong chiến đấu lập chiến công xuất sắc hoặc trong công tác, nghiên cứu khoa học được tặng Huân chương;

- Hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ mà cấp bậc quân hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc quân hàm cao nhất quy định đối với chức vụ mà sĩ quan đang đảm nhiệm từ hai bậc trở lên hoặc cấp bậc quân hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ chỉ huy, quản lý.

Như vậy, phi công Su-22 hy sinh được truy thăng quân hàm thiếu tá theo quy định về thăng quân hàm sĩ quan trước thời hạn.

Thăng quân hàm đối với sĩ quan tại ngũ

Hiện hành, Điều 17 Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, sĩ quan tại ngũ được thăng quân hàm khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 12 Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam;

- Cấp bậc quân hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc quân hàm cao nhất quy định đối với chức vụ, chức danh đang đảm nhiệm;

- Đủ thời hạn xét thăng quân hàm quy định dưới đây.

Thời hạn xét thăng quân hàm đối với sĩ quan tại ngũ được quy định như sau:

Thiếu úy lên Trung úy: 2 năm;

Trung úy lên Thượng úy: 3 năm;

Thượng úy lên Đại úy: 3 năm;

Đại úy lên Thiếu tá: 4 năm;

Thiếu tá lên Trung tá: 4 năm;

Trung tá lên Thượng tá: 4 năm;

Thượng tá lên Đại tá: 4 năm;

Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân tối thiểu là 4 năm;

Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân lên Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân tối thiểu là 4 năm;

Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân lên Thượng tướng, Đô đốc Hải quân tối thiểu là 4 năm;

Thượng tướng, Đô đốc Hải quân lên Đại tướng tối thiểu là 4 năm;

Thời gian sĩ quan học tập tại trường được tính vào thời hạn xét thăng quân hàm.

Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam cũng quy định: Tuổi của sĩ quan tại ngũ xét thăng quân hàm từ cấp bậc Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân không quá 57, trường hợp cao hơn khi có yêu cầu theo quyết định của Chủ tịch nước.

Sĩ quan tại ngũ lập thành tích đặc biệt xuất sắc thì được xét thăng quân hàm vượt bậc, nhưng không vượt quá cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan đang đảm nhiệm.

Đối tượng phong quân hàm sĩ quan tại ngũ

Học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan tại ngũ được phong quân hàm Thiếu úy; tốt nghiệp loại giỏi, loại khá ở những ngành đào tạo có tính chất đặc thù hoặc có thành tích xuất sắc trong công tác được phong quân hàm Trung úy, trường hợp đặc biệt được phong quân hàm cao hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời chiến; quân nhân chuyên nghiệp và công chức quốc phòng tại ngũ; cán bộ, công chức ngoài quân đội và những người tốt nghiệp đại học trở lên vào phục vụ tại ngũ được bổ nhiệm giữ chức vụ của sĩ quan thì được phong cấp bậc quân hàm sĩ quan tương xứng.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,697

Bài viết về

lĩnh vực Quốc phòng - An ninh

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn