Công trình quốc phòng là công trình xây dựng, địa hình, địa vật tự nhiên được xác định, cải tạo do quân đội, cơ quan, tổ chức được giao quản lý, bảo vệ để phục vụ cho hoạt động quân sự, quốc phòng, phòng thủ bảo vệ Tổ quốc.
Khu quân sự là khu vực có giới hạn được thiết lập trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không, xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự, quốc phòng.
Theo chức năng nhiệm vụ, mục đích sử dụng, công trình quốc phòng và khu quân sự phân thành 4 loại là công trình quốc phòng, khu quân sự loại A, loại B, loại C và loại D cụ thể:
- Công trình quốc phòng và khu quân sự loại A phục vụ nhiệm vụ tác chiến phòng thủ bảo vệ Tổ quốc.
- Công trình quốc phòng và khu quân sự loại B phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập của lực lượng quân đội và Dân quân tự vệ.
- Công trình quốc phòng và khu quân sự loại C phục vụ cất trữ, sửa chữa, tiêu hủy vũ khí, đạn dược, trang bị, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất các sản phẩm quốc phòng.
- Công trình quốc phòng và khu quân sự loại D phục vụ sinh hoạt, học tập, làm việc thường xuyên của quân đội.
Theo tính chất quan trọng và yêu cầu quản lý, bảo vệ, công trình quốc phòng và khu quân sự phân thành Nhóm đặc biệt, Nhóm I, Nhóm II và Nhóm III cụ thể như sau:
- Nhóm đặc biệt gồm các công trình quốc phòng, khu quân sự đặc biệt quan trọng phải áp dụng biện pháp quản lý, bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt để bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối.
- Nhóm I gồm các công trình quốc phòng, khu quân sự rất quan trọng có yêu cầu quản lý, bảo vệ rất nghiêm ngặt, bảo đảm bí mật, an toàn.
- Nhóm II gồm các công trình quốc phòng, khu quân sự quan trọng có yêu cầu quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt, bảo đảm bí mật, an toàn.
- Nhóm III gồm các công trình quốc phòng, khu quân sự được áp dụng các biện pháp quản lý, bảo vệ để bảo đảm bí mật, an toàn.
Xem chi tiết tại Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023 có hiệu lực từ ngày 01/1/2025.