05 biện pháp phòng thủ dân sự

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
12/12/2022 17:31 PM

Theo quy định của pháp luật thì có những biện pháp phòng thủ dân sự nào? – Khánh Hà (Đồng Tháp)

05 biện pháp phòng thủ dân sự

05 biện pháp phòng thủ dân sự (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Phòng thủ dân sự là gì?

Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Trong đó, phòng thủ đất nước là tổng thể các hoạt động tổ chức, chuẩn bị và thực hành về chính trị, tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, quân sự, an ninh, đối ngoại để bảo vệ Tổ quốc.

(Khoản 6 Điều 2, khoản 1 Điều 13 Luật Quốc phòng 2018)

2. 05 biện pháp phòng thủ dân sự

2.1. Biện pháp giảm nhẹ hậu quả chiến tranh

- Trước khi có chiến tranh

+ Xây dựng từ thời bình: Huấn luyện nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về phòng, chống chiến tranh cho các cơ quan, đơn vị và nhân dân;

+ Xây dựng các hầm trú ẩn, công trình ngầm và cải tạo các hang, động;

+ Xây dựng kế hoạch sơ tán người, cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực trọng điểm đánh phá và các kế hoạch bảo đảm nhằm thực hiện các biện pháp phòng, tránh có hiệu quả; tổ chức huấn luyện, diễn tập hằng năm theo quy định.

- Khi có chiến tranh

+ Làm mục tiêu giả, lừa dụ đối phương đánh vào mục tiêu có giá trị thấp;

+ Tiếp tục xây dựng bổ sung hầm ẩn nấp, công trình ngầm, công trình phòng, tránh kết hợp với ngụy trang, nghi binh mục tiêu;

+ Triển khai hệ thống đài quan sát, thông báo, báo động phòng không nhân dân các cấp, kịp thời phát hiện các phương tiện bay của địch, tổ chức thông báo, báo động cho các lực lượng phòng, tránh, đánh trả;

+ Tổ chức sơ tán, phân tán cho người và tài sản của các cơ quan, đơn vị và nhân dân ra khỏi vùng trọng điểm địch đánh phá;

+ Cất dấu phương tiện, trang bị vào các công trình ngầm, hang, động để ẩn nấp, bảo toàn lực lượng, phương tiện;

+ Dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống cá nhân.

+ Hạn chế không phát ra ánh sáng, tiếng động, tạm dừng thông tin, liên lạc vào ban đêm;

+ Các cơ quan, đơn vị Quân đội và lực lượng Dân quân tự vệ tổ chức phòng tránh, bảo vệ các mục tiêu được phân công, đánh trả địch trên các hướng, áp dụng các biện pháp khắc phục, vô hiệu hóa vũ khí hủy diệt lớn của địch;

+ Nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện ở các cấp tiến hành các biện pháp khẩn cấp, kịp thời cứu chữa và đưa người ra khỏi khu vực xảy ra thảm họa chiến tranh.

- Khắc phục hậu quả thảm họa do chiến tranh gây ra

+ Tổ chức lực lượng cứu sập, cứu thương vận chuyển, điều trị người bị thương, nhiễm độc, nhiễm xạ; tiêu tẩy, tiêu độc cho các đối tượng; dự trữ vô trùng nước; các biện pháp hạn chế cách ly và chống các tác nhân sinh học trong khu vực bị nhiễm;

+ Đánh giá, thống kê thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, bảo vệ an ninh, phòng chống dịch bệnh;

+ Khắc phục hậu quả môi trường, nhanh chóng khôi phục sản xuất, thực hiện tốt công tác chính sách, bảo đảm đời sống cho nhân dân và duy trì mọi hoạt động của xã hội.

2.2. Biện pháp giảm nhẹ hậu quả thảm họa

- Xây dựng kế hoạch và triển khai trồng rừng đầu nguồn, các dải ven bờ biển, các cồn bãi ven các sông lớn, khôi phục rừng ngập mặn, rừng chua phèn, rừng sinh thái; thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái sông, biển; quản lý bảo vệ chặt chẽ rừng tự nhiên; thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

- Lập kế hoạch và triển khai xây dựng thế trận phòng thủ dân sự. Kiện toàn hệ thống tổ chức phòng, chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ các cấp, các ngành; củng cố hệ thống dự báo, thông báo, cảnh báo, báo động, bảo đảm thông tin thông suốt đến người dân trong khu vực nguy hiểm trên đất liền và trên biển.

- Các địa phương đồng bằng, thành phố, vùng núi; biên giới, biển, đảo hiệp đồng chặt chẽ với Bộ đội chủ lực, Bộ đội địa phương, Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Không quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Công an đóng quân trên địa bàn, tổ chức lực lượng, phương tiện, sẵn sàng ứng phó sự cố, thảm họa, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ người và phương tiện bị nạn. Các chủ phương tiện tàu, thuyền sản xuất, hoạt động trên biển phải thực hiện chế độ đăng kiểm, trang bị phương tiện phòng thủ dân sự để bảo đảm an toàn khi xảy ra thảm họa.

- Các địa phương, các cấp, các ngành ở vùng hạ lưu, ven biển xây dựng kế hoạch sơ tán cho người và phương tiện ứng phó với sự cố, nguy cơ vỡ hồ, đập thủy điện cấp quốc gia, động đất, sóng thần, bão mạnh, siêu bão; định kỳ hàng năm tổ chức huấn luyện, diễn tập theo quy định.

- Thực hiện chế độ kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các nguy cơ xảy ra thảm họa. Những vùng thường bị lũ ngập sâu, lũ ống, lũ quét, bị nước biển dâng, sông xói lở, động đất, cháy rừng; chất thải, nước thải của khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp và bệnh viện gây ra, phải có phương án ứng phó, khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

- Các bộ, ngành trung ương, địa phương, cơ quan, tổ chức có kế hoạch và biện pháp phòng ngừa, ứng phó các sự cố hóa chất độc, bức xạ, hạt nhân, sinh học độc hại, sự cố môi trường theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan.

- Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất, thuốc, hóa chất, kế hoạch ứng phó với thương vong hàng loạt do thảm họa gây ra.

- Khi có cảnh báo, thông báo, báo động nguy cơ xảy ra thảm họa, người đứng đầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện:

+ Tổ chức và duy trì hoạt động của cơ quan thường trực phòng thủ dân sự ở các cấp theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

+ Triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp bảo vệ nhân dân, bảo vệ các cơ quan, tổ chức, các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, kiểm tra các công trình phòng, chống thảm họa để đưa vào sử dụng khi cần thiết;

+ Điều hành, chỉ huy các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý để chuẩn bị xử lý các tình huống, khắc phục hậu quả thảm họa theo kế hoạch phòng thủ dân sự;

+ Thực hiện các biện pháp đặc biệt khi có tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

2.3. Biện pháp khi có thảm họa

- Sơ tán nhân dân, phân tán tài sản của Nhà nước và nhân dân đến khu vực an toàn; bảo đảm trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân, lương thực thực phẩm, nước uống và các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu cho người trong khu vực xảy ra thảm họa.

- Quan sát, trinh sát phát hiện kịp thời, đánh dấu, khoanh vùng, tiêu độc, tẩy xạ, diệt trùng cho người, trang bị, phương tiện ở khu vực bị nhiễm phóng xạ, sinh học, hóa chất độc hại.

- Các cơ quan chức năng thuộc bộ, ngành trung ương, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng, phương tiện cơ động, tiếp cận, nhanh chóng đến hiện trường để kịp thời tiến hành các biện pháp khẩn cấp, ứng phó với các thảm họa.

- Sơ cứu, chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế gần nhất.

- Tiếp tế nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, thuốc y tế và các vật chất cần thiết khác đến các khu vực bị nạn, kịp thời cứu trợ và bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho nhân dân ở những vùng, khu vực bị chia cắt do thảm họa gây ra.

- Các cấp, các ngành triển khai thực hiện các biện pháp khẩn cấp, nhanh chóng khắc phục hậu quả thảm họa, sớm ổn định tình hình chính trị xã hội và đời sống của nhân dân.

- Bảo đảm an ninh trật tự; phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường tại những khu vực xảy ra thảm họa.

- Khi có sự hỗ trợ của quốc tế về ứng phó thảm họa và tìm kiếm cứu nạn: Bộ Quốc phòng chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Tài chính chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc quyền làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, nhập khẩu, xuất khẩu:

+ Đối với người được phép đến Việt Nam, được làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh ưu tiên tại các cửa khẩu đường không, đường thủy, đường bộ; trường hợp chưa có thị thực, được cấp thị thực tại cửa khẩu;

+ Phương tiện, trang thiết bị, hàng hóa được phép nhập khẩu, tái xuất sau khi hoàn thành hoạt động ứng phó thảm họa và tìm kiếm cứu nạn được ưu tiên làm thủ tục thông quan tại các cửa khẩu đường không, đường thủy, đường bộ;

+ Tiếp nhận, điều phối, triển khai bố trí lực lượng, phương tiện của nước ngoài tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa nhanh nhất, bảo đảm an toàn.

2.4. Biện pháp bảo vệ nhân dân trong và sau khi xảy ra thảm họa và chiến tranh

- Chủ động phòng ngừa, chuẩn bị trước các trang bị phòng hộ; kịp thời thông báo, báo động, hướng dẫn, phân tán, sơ tán nhân dân đến khu vực an toàn, ít nguy hiểm.

- Cấp cứu, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn người và phương tiện bị nạn.

- Kịp thời cứu trợ và bảo đảm các điều kiện về ăn, ở, vệ sinh cho nhân dân ở những vùng, khu vực bị chia cắt do thảm họa gây ra.

- Cảnh báo không cho người, phương tiện không có phận sự vào khu vực xảy ra thảm họa.

- Bảo vệ an ninh trật tự tại khu vực xảy ra thảm họa, nơi sơ tán nhân dân.

- Tiêu độc, tẩy xạ, diệt trùng, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân, phục hồi và phát triển sản xuất.

- Hành động của nhân dân:

+ Chấp hành lệnh thông báo, báo động và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan thường trực phòng thủ dân sự và lực lượng phòng thủ dân sự;

+ Các phương tiện, vật dụng bảo vệ cá nhân được chuẩn bị sẵn, sử dụng khi có báo động hoặc hướng dẫn của lực lượng phòng thủ dân sự;

+ Tự mình hoặc giúp đỡ người khác cấp cứu hoặc tiêu độc, tẩy xạ, diệt trùng ban đầu;

+ Chấp hành nghiêm việc sơ tán, ẩn nấp và chỉ được rời khỏi vị trí khi có lệnh, tín hiệu báo an toàn của cấp có thẩm quyền.

- Thực hiện các biện pháp đặc biệt khi có tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

2.5. Biện pháp bảo vệ cơ quan, tổ chức, nền kinh tế quốc dân trong và sau khi xảy ra thảm họa và chiến tranh

- Chỉ đạo, điều hành thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự theo kế hoạch và sự chỉ đạo của cơ quan thường trực về phòng thủ dân sự cùng cấp.

- Huy động lực lượng, phương tiện tiến hành sơ tán người, vật chất, trang bị, phương tiện của cơ quan, tổ chức đến khu vực an toàn, ít nguy hiểm; tiến hành biện pháp ngụy trang, che chắn, bảo đảm an ninh trật tự nơi ở, làm việc của cơ quan, tổ chức ở nơi sơ tán.

- Khắc phục hậu quả, nhanh chóng phục hồi sản xuất, công tác.

- Lực lượng phòng thủ dân sự thực hiện các biện pháp:

+ Triển khai lắp đặt các thiết bị an toàn cho các công trình, phòng tránh để đưa vào sử dụng; cấp phát các phương tiện phòng hộ cá nhân;

+ Thông báo, báo động, hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chấp hành các quy định về trú ẩn và sử dụng các công trình phòng tránh;

+ Tổ chức, hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sơ tán khi có lệnh, các lực lượng phòng cháy, chữa cháy, cứu sập, tìm kiếm cứu nạn, lực lượng hóa học sẵn sàng làm nhiệm vụ;

+ Tổ chức xử lý y tế và chôn cất người chết, xác động vật; khử trùng, tiêu độc và dập dịch; hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện các biện pháp phòng dịch;

+ Thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh trật tự, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, trinh sát, phát hiện, đánh dấu, khoanh vùng, tiêu độc, tẩy xạ, diệt trùng cho người, phương tiện, cơ sở vật chất bị nhiễm các tác nhân phóng xạ, hóa học và sinh học cách ly khu vực xảy ra thảm họa.

- Thực hiện các biện pháp đặc biệt khi có tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

(Điều 30 đến Điều 34 Nghị định 02/2019/NĐ-CP)

Xem thêm: Phòng thủ dân sự là gì? Nhiệm vụ phòng thủ dân sự

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,397

Bài viết về

lĩnh vực Quốc phòng - An ninh

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]