Thủ tục cấp lần đầu Giấy chứng minh sĩ quan

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
02/12/2022 11:35 AM

Xin hỏi về thủ tục cấp lần đầu Giấy chứng minh sĩ quan được pháp luật quy định như thế nào? - Hùng Cường (TP.HCM)

Thủ tục cấp lần đầu Giấy chứng minh sĩ quan

Thủ tục cấp lần đầu Giấy chứng minh sĩ quan

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đối tượng được cấp Giấy chứng minh sĩ quan

Theo khoản 1 Điều 1 và Điều 2 Nghị định 130/2008/NĐ-CP thì đối tượng được cấp Giấy chứng minh sĩ quan như sau:

- Giấy chứng minh sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sau đây gọi là Giấy chứng minh sĩ quan) chỉ cấp cho sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đang phục vụ tại ngũ.

- Giấy chứng minh sĩ quan cấp cho người được phong quân hàm sĩ quan tại ngũ, bao gồm: Học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan và những người được bổ nhiệm giữ chức vụ sĩ quan được phong quân hàm sĩ quan.

2. Mục đích cấp Giấy chứng minh sĩ quan

Mục đích cấp Giấy chứng minh sĩ quan theo khoản 2 Điều 1 Nghị định 130/2008/NĐ-CP như sau:

- Chứng minh người được cấp Giấy chứng minh sĩ quan là sĩ quan đang phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam;

- Phục vụ công tác chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và thực hiện các giao dịch dân sự;

- Phục vụ công tác quản lý sĩ quan.

3. Thời hạn sử dụng của Giấy chứng minh sĩ quan

Thời hạn sử dụng của Giấy chứng minh sĩ quan theo khoản 1 Điều 14 Thông tư 218/2016/TT-BQP như sau:

(1) Sĩ quan cấp tướng và cấp tá thời hạn sử dụng là 08 năm;

(2) Sĩ quan cấp úy thời hạn sử dụng là 13 năm;

(3) Trường hợp thời gian phục vụ tại ngũ còn dưới thời hạn quy định tại (1) và (2) mục này thì lấy hạn tuổi còn lại để cấp nhưng không quá 05 năm quy định tại Điều 13 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam:

- Cấp Úy: nam 46, nữ 46;

- Thiếu tá: nam 48, nữ 48;

- Trung tá: nam 51, nữ 51;

- Thượng tá: nam 54, nữ 54;

- Đại tá: nam 57, nữ 55;

- Cấp Tướng: nam 60, nữ 55.

4. Thông tin trên Giấy chứng minh sĩ quan

Thông tin trên Giấy chứng minh sĩ quan theo khoản 1 và khoản 2 Điều 17 Thông tư 218/2016/TT-BQP như sau:

* Mặt trước Giấy chứng minh sĩ quan:

- Số: Là số hiệu sĩ quan gồm 8 chữ số;

- Họ tên: Ghi họ, chữ đệm, tên theo giấy khai sinh, chữ in hoa, đủ dấu;

- Cấp bậc: Cấp bậc thiếu úy đến cấp bậc đại úy, ghi cấp úy; cấp tá và cấp tướng ghi cấp bậc quân hàm sĩ quan hiện tại;

- Đơn vị cấp: Giấy chứng minh sĩ quan cấp tướng ghi Bộ Quốc phòng; Giấy chứng minh sĩ quan cấp tá, cấp úy ghi tên đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng;

- Ngày, tháng, năm: Ghi ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng minh sĩ quan;

- Ảnh: Số lượng 02 ảnh, cỡ 20 mm x 27 mm; không đội mũ, không đeo kính; sĩ quan tại ngũ và sĩ quan dự bị; quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ và quân nhân chuyên nghiệp dự bị; 

Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị mang mặc quân phục thường dùng, đúng điều lệnh; công nhân và viên chức quốc phòng mang mặc trang phục thường dùng.

- Hạn sử dụng: Quy định tại mục 3.

* Mặt sau Giấy chứng minh sĩ quan:

- Ngày, tháng, năm sinh: Ghi theo giấy khai sinh;

- Dân tộc: Ghi tên dân tộc theo quy định của pháp luật;

- Quê quán: Ghi xã, phường, thị trấn; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Nơi thường trú: Là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của gia đình; trường hợp chưa đăng ký hộ khẩu thì ghi theo hộ khẩu của vợ, chồng, con hoặc bố, mẹ, người nuôi dưỡng hợp pháp; địa danh hành chính cấp xã ghi thôn, bản, ấp, xã trở lên; thị xã, thành phố ghi số nhà, ngõ, ngách, đường phố, phường trở lên;

- Nhân dạng: Ghi chiều cao, đặc điểm riêng quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Thông tư 218/2016/TT-BQP;

- Nhóm máu: Do cơ quan quân y đơn vị cung cấp và viết bằng chữ in hoa

5. Trường hợp cấp lần đầu Giấy chứng minh sĩ quan

Trường hợp cấp lần đầu Giấy chứng minh sĩ quan theo khoản 1 Điều 15 Thông tư 218/2016/TT-BQP bao gồm:

- Khi được phong quân hàm sĩ quan tại ngũ;

- Sĩ quan dự bị được tuyển chọn bổ sung vào ngạch sĩ quan tại ngũ.

6. Thủ tục cấp lần đầu Giấy chứng minh sĩ quan

Theo khoản 1 Điều 16 Thông tư 218/2016/TT-BQP quy định về thủ tục cấp lần đầu Giấy chứng minh sĩ quan như sau:

- Cá nhân điền vào tờ khai theo mẫu;

- Cơ quan cán bộ sư đoàn, lữ đoàn và tương đương thực hiện chụp ảnh, lấy vân tay, lập danh sách đăng ký, cập nhật dữ liệu in Giấy chứng minh sĩ quan cấp tá, cấp úy báo cáo cơ quan cán bộ cấp trên trực tiếp; thời gian thực hiện không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thiện thủ tục;

- Cơ quan cán bộ đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định đối với sĩ quan tại ngũ, sĩ quan dự bị thuộc quyền quản lý; tiếp nhận danh sách đăng ký, dữ liệu in Giấy chứng minh sĩ quan và Thẻ sĩ quan dự bị của đơn vị cấp dưới; 

Kiểm tra, hoàn thiện thủ tục báo cáo người có thẩm quyền cấp quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 218/2016/TT-BQP là người chỉ huy hoặc Chính ủy đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng cấp Giấy chứng minh sĩ quan cấp tá, cấp úy; Thẻ sĩ quan dự bị.

Ép màng nhựa Thẻ sĩ quan dự bị và hoàn trả đơn vị; thời gian thực hiện không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận; tổng hợp danh sách và dữ liệu in Giấy chứng minh sĩ quan và Thẻ sĩ quan dự bị báo cáo Cục Cán bộ Tổng cục Chính trị;

- Cục Cán bộ Tổng cục Chính trị báo cáo người có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 và Khoản 6 Điều 12 Thông tư 218/2016/TT-BQP cấp Giấy chứng minh sĩ quan cấp tướng; sĩ quan của các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng và Ban Cơ yếu Chính phủ; 

Đồng thời, tiếp nhận danh sách và Giấy chứng minh sĩ quan tại ngũ của đơn vị, thực hiện kiểm tra, ép màng nhựa, hoàn trả đơn vị; thời gian thực hiện không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,448

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn