Quy định về phân định ranh giới rừng trên thực địa

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
13/09/2022 08:38 AM

Việc phân định ranh giới rừng trên thực địa dựa trên các căn cứ nào? Nội dung trong hồ sơ phân định ranh giới rừng trên thực địa được quy định như thế nào? - Hoàng Yến (Sóc Trăng)

Quy định về phân định ranh giới rừng trên thực địa

Quy định về phân định ranh giới rừng trên thực địa

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Căn cứ phân định ranh giới rừng trên thực địa

Theo Điều 7 Thông tư 31/2018/BNNPTNT, việc phân định ranh giới rừng trên thực địa được dựa theo các căn cứ sau:

- Bản đồ phân định ranh giới quy định tại Điều 5 Thông tư 31/2018/BNNPTNT, cụ thể như sau:

+ Sử dụng bản đồ hiện trạng rừng làm bản đồ phân định ranh giới rừng.

+ Trường hợp có sự thay đổi về ranh giới, diện tích do chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng; điều chỉnh địa giới hành chính; chuyển nhượng có thay đổi tên chủ rừng, thực hiện hiệu chỉnh bản đồ hiện trạng rừng để sử dụng làm bản đồ phân định ranh giới theo trình tự sau:

(i) Cập nhật, thu thập số liệu, tài liệu về sự thay đổi ranh giới, diện tích rừng;

(ii) Chuyển ranh giới tiểu khu, khoảnh, lô và ranh giới chủ rừng lên bản đồ hiện trạng rừng.

- Sơ đồ vị trí mốc, bảng trên bản đồ phân định ranh giới rừng quy định tại Điều 6 Thông tư 31/2018/BNNPTNT.

- Một trong các tài liệu sau: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyết định thành lập khu rừng; quyết định giao đất; quyết định thuê đất; quyết định giao rừng; quyết định thuê rừng.

- Hồ sơ mốc ranh giới sử dụng đất theo quyết định giao đất, quyết định giao rừng, quyết định cho thuê đất, quyết định thuê rừng được cấp thẩm quyền phê duyệt (nếu có).

2. Hồ sơ phân định ranh giới rừng trên thực địa

Hồ sơ cho việc phân định ranh giới rừng phải đủ các nội dung được quy định tại Điều 14 Thông tư 31/2018/BNNPTNT, bao gồm: 

- Sơ đồ vị trí mốc, bảng trên bản đồ phân định ranh giới rừng quy định tại Điều 6 Thông tư 31/2018/BNNPTNT, cụ thể như sau:

+ Sử dụng bản đồ phân định ranh giới rừng tại Điều 5 Thông tư 31/2018/BNNPTNT để xác định sơ đồ vị trí mốc, bảng.

+ Vị trí mốc: chỉ xác định vị trí mốc đối với ranh giới tiếp giáp giữa các chủ rừng lân cận tại các vị trí đổi hướng của đường ranh giới, nơi không có điểm đặc trưng, khó phân định ranh giới; không xác định mốc ở những nơi đường ranh giới có các điểm đặc trưng. Khoảng cách giữa các mốc không quá 2.000 m.

Trường hợp những nơi giáp khu dân cư có nhiều nguy cơ bị xâm hại, nơi ranh giới khó nhận biết do có quá ít các điểm đặc trưng như vùng đồi bát úp hoặc đất bằng ven biển, khoảng cách các mốc không quá 1.000 m.

Số hiệu mốc đánh theo thứ tự từ mốc số 1 đến mốc cuối cùng trên đường ranh giới theo chiều kim đồng hồ.

+ Vị trí bảng: được xác định ở các vị trí có đường giao thông qua lại hoặc nơi gần các khu dân cư, nơi rừng có nguy cơ bị xâm hại cao.

- Bản mô tả đường phân định ranh giới rừng theo Mẫu số 02 Phụ lục kèm theo Thông tư 31/2018/BNNPTNT.

Bản mô tả đường phân định ranh giới rừng

- Bảng tọa độ các điểm đặc trưng trên đường phân định ranh giới rừng theo Mẫu số 03 Phụ lục kèm theo Thông tư 31/2018/BNNPTNT.

Bảng tọa độ các điểm đặc trưng trên đường phân định ranh giới rừng

- Bản tọa độ vị trí mốc, bảng theo Mẫu số 04 Phụ lục kèm theo Thông tư 31/2018/BNNPTNT.

Bản tọa độ vị trí mốc, bảng

- Bảng tổng hợp vị trí tọa độ vị trí mốc, bảng theo Mẫu số 05 Phụ lục kèm theo Thông tư 31/2018/BNNPTNT.

Bảng tổng hợp vị trí tọa độ vị trí mốc, bảng

3. Nội dung phân định ranh giới rừng trên thực địa

Cụ thể tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 31/2018/BNNPTNT, trường hợp chưa thực hiện phân định ranh giới rừng trên thực địa hoặc có sự thay đổi về ranh giới rừng, tiến hành phân định ranh giới rừng theo trình tự sau:

- Thu thập tài liệu và bản đồ quy định tại mục 1;

- Mô tả đường phân định ranh giới rừng trên bản đồ phân định ranh giới rừng quy định tại Điều 5 Thông tư 31/2018/BNNPTNT;

- Xác định vị trí mốc, bảng trên thực địa theo sơ đồ vị trí mốc, bảng trên bản đồ phân định ranh giới rừng quy định tại Điều 6 Thông tư 31/2018/BNNPTNT;

- Cắm mốc, bảng trên thực địa.

Đối với những khu vực có tranh chấp mà không thỏa thuận được giữa các chủ rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì lập biên bản đối với từng trường hợp cụ thể theo Mẫu số 01 Phụ lục kèm theo Thông tư 31/2018/BNNPTNT; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo thẩm quyền.

Biên bản kiểm tra hiện trạng khu vực ranh giới rừng có tranh chấp

Sau khi khu vực có tranh chấp được giải quyết, thực hiện phân định ranh giới rừng theo nội dung trên.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,751

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn