Khi nào ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Châu Văn Trọng
26/08/2022 10:25 AM

Kiểm soát đặc biệt là gì? Khi nào ngân hàng, tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt? – Thanh Uyên (Bình Dương)

Khi nào ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt?

Khi nào ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt?

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Kiểm soát đặc biệt là gì?

Theo quy định tại khoản 34 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi, bổ sung 2017, kiểm soát đặc biệt là việc đặt một tổ chức tín dụng dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Mục 1 Chương VIII Luật Các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi, bổ sung 2017

Ngân hàng là một trong các loại hình tổ chức tín dụng theo khoản 1 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi, bổ sung 2017. Do đó, ngân hàng thuộc đối tượng có thể bị kiểm soát đặc biệt.

2. 04 trường hợp thực hiện kiểm soát đặc biệt với ngân hàng

Theo khoản 1 Điều 145 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi, bổ sung 2017 có 04 trường hợp ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, bao gồm: 

Trường hợp 1: Ngân hàng mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trong đó:

- Có nguy cơ mất khả năng chi trả: Là khi ngân hàng thiếu hụt tài sản có tính thanh khoản cao ở mức 20% trở lên tại thời điểm tính toán tỷ lệ khả năng chi trả dẫn đến không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 130 của Luật Các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi, bổ sung 2017, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian 03 tháng liên tục. (Căn cứ khoản 1 Điều 4 Thông tư 11/2019/TT-NHNN)

- Mất khả năng chi trả: Là khi ngân hàng không có khả năng thực hiện thanh toán nghĩa vụ nợ trong thời gian 01 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán và có tỷ lệ giữa tổng nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản chưa xử lý được so với tổng nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản chưa xử lý được ở mức 10% trở lên tại thời điểm liền sau 01 tháng kể từ ngày nghĩa vụ nợ đến hạn thanh toán. (Căn cứ khoản 2 Điều 4 Thông tư 11/2019/TT-NHNN)

- Có nguy cơ mất khả năng thanh toán: Là khi ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục và có tỷ lệ giữa tổng nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản chưa xử lý được so với tổng nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản chưa xử lý được ở mức 10% trở lên tại thời điểm liền sau 06 tháng liên tục mà tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 của tổ chức tín dụng thấp hơn 4%. (Căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư 11/2019/TT-NHNN)

- Mất khả năng thanh toán: Là khi ngân hàng không có khả năng thực hiện thanh toán nghĩa vụ nợ trong thời gian 03 tháng kể từ ngày nghĩa vụ nợ đến hạn thanh toán. (Căn cứ khoản 2 Điều 5 Thông tư 11/2019/TT-NHNN)

Trường hợp 2: Số lỗ lũy kế của ngân hàng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất. 

Trường hợp 3: Ngân hàng không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục. 

Trường hợp 4: Ngân hàng có xếp hạng yếu kém trong 02 năm liên tục theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

3. Thẩm quyền quyết định đặt ngân hàng vào kiểm soát đặc biệt

Khoản 1 Điều 145a Luật Các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định đặt các ngân hàng thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 145 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi, bổ sung 2017 vào kiểm soát đặc biệt. 

Văn Trọng

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,789

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn