06 bước xử lý kỷ luật người lao động năm 2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
23/12/2022 16:24 PM

Khi người lao động vi phạm kỷ luật lao động có thể bị xử lý thông qua các hình thức xử lý kỷ luật như khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng, cách chức hoặc nặng nhất là sa thải. Việc xử lý kỷ luật người lao động được thực hiện theo 06 bước sau:

06 bước xử lý kỷ luật người lao động năm 2022

06 bước xử lý kỷ luật người lao động năm 2023 (Ảnh minh họa)

Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động tại khoản 6 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 được quy định như sau:

Bước 1: Lập biên bản vi phạm

Khi phát hiện người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, người sử dụng lao động tiến hành lập biên bản vi phạm đối với người lao động.

Bước 2: Thông báo đến tổ chức đại diện, người đại diện của người lao động

Sau khi lập biên bản, người sử dụng lao động thông báo đến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên, người đại diện theo pháp luật của người lao động chưa đủ 15 tuổi.

Bước 3: Thu thập chứng cứ chứng minh lỗi (nếu có)

Trường hợp người sử dụng lao động phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật lao động sau thời điểm hành vi vi phạm đã xảy ra thì thực hiện thu thập chứng cứ chứng minh lỗi của người lao động.

Nếu vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh thì người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động. 

(Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên).

Bước 4: Thông báo thông tin về cuộc họp xử lý kỷ luật lao động

Trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 123 Bộ luật Lao động 2019 , người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động như sau:

- Ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động thông báo các thông tin về cuộc họp xử lý kỷ luật lao động đến các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 , bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp, bao gồm:

+ Nội dung, thời gian, địa điểm tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động;

+ Họ tên người bị xử lý kỷ luật lao động;

+ Hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật lao động.

- Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 phải xác nhận tham dự cuộc họp với người sử dụng lao động. 

Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự không thể tham dự họp theo thời gian, địa điểm đã thông báo thì người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp; trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì người sử dụng lao động quyết định thời gian, địa điểm họp.

Bước 5: Họp xử lý kỷ luật lao động

Người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động theo thời gian, địa điểm đã thông báo tại bước 4. 

Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự họp không xác nhận tham dự cuộc họp hoặc vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động.

Lưu ý: Nội dung cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và có chữ ký của người tham dự cuộc họp.

Trường hợp có người không ký vào biên bản thì người ghi biên bản nêu rõ họ tên, lý do không ký (nếu có) vào nội dung biên bản.

Bước 6: Ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động

Trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động quy định tại khoản 1, 2 Điều 123 Bộ luật Lao động 2019 , người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động và gửi đến các thành phần phải tham dự quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 .

(Căn cứ Điều 70 Nghị định 145/2020 NĐ-CP )

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 142,781

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]