Cá nhân thu nhập 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
21/12/2021 15:18 PM

Với việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Thu nhập 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) chưa phải nộp thuế TNCN

Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trừ mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ (nếu có)... số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.

Theo Bộ Tài chính, đối với các cá nhân là người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nếu bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế thì không phải nộp thuế. Các khoản trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm... cũng không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.

Theo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), với việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) cũng chưa phải nộp thuế TNCN. Trường hợp cá nhân có thu nhập lớn hơn 17 triệu đồng/tháng, 22 triệu đồng/tháng thì số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập của cá nhân.

Ví dụ, trường hợp cá nhân có thu nhập tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng và có 1 người phụ thuộc, nếu trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì người này không phải nộp thuế TNCN. Cụ thể, nguyên tắc được tính như sau: bảo hiểm bắt buộc 10,5% (8% bảo hiểm xã hội + 1,5% bảo hiểm y tế + 1% bảo hiểm thất nghiệp) là 1,785 triệu đồng (17 triệu đồng x 10,5%), mức giảm trừ gia cảnh là 15,4 triệu đồng (11 triệu cho bản thân + 4,4 triệu cho người phụ thuộc), tổng cộng là 17,2 triệu đồng. Do đó, cá nhân này không phải nộp thuế TNCN.

Ngày 02/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020. Theo đó, việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN sẽ góp phần giảm bớt nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công. Đồng thời, theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trừ mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ (nếu có)... số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.

Cũng có 1 người phụ thuộc, nếu cá nhân có thu nhập 18 triệu đồng, trừ 10,5% bảo hiểm là 1,89 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh là 15,4 triệu đồng, thì phải nộp thuế là (18 triệu đồng - 1,89 triệu đồng - 15,4 triệu đồng) x 5% = 35 nghìn đồng/tháng, số tiền thuế rất nhỏ so với mức thu nhập 18 triệu đồng/tháng, chỉ chiếm khoảng 0,19% tổng thu nhập của cá nhân.

Do đó, một cá nhân có thu nhập 18 triệu đồng/tháng thì chỉ nộp thuế 35 nghìn đồng/tháng. Trường hợp có các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ trước khi tính thuế nữa thì số thuế phải nộp còn thấp hơn (hoặc không phải nộp). Thu nhập sau khi nộp thuế là thu nhập được chi tiêu: tổng thu nhập 18 triệu đồng - thuế TNCN (35 nghìn đồng), còn lại 17 triệu 965 nghìn đồng.

Trong trường hợp cá nhân có 2 người phụ thuộc, thu nhập tiền lương, tiền công của cá nhân là 22 triệu đồng/tháng, nếu trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… thì người này không phải nộp thuế TNCN. Cụ thể, bảo hiểm bắt buộc 10,5% (8% bảo hiểm xã hội + 1,5% bảo hiểm y tế + 1% bảo hiểm thất nghiệp) là 2,31 triệu đồng (22 triệu đồng x 10,5%), mức giảm trừ gia cảnh là 19,8 triệu đồng (02 người phụ thuộc), tổng cộng là 22,1 triệu đồng. Do đó, không phải nộp thuế TNCN.

Nếu cá nhân có thu nhập từ 23 triệu đồng/tháng thì sau khi nộp bảo hiểm bắt buộc và giảm trừ gia cảnh, chỉ nộp thuế TNCN là 39 nghìn 500 đồng/tháng. Đây là số tiền thuế rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 0,17% tổng thu nhập của cá nhân.

Nếu cá nhân có thu nhập 30 triệu đồng/tháng, nộp bảo hiểm bắt buộc là 3,13 triệu đồng, giảm trừ gia cảnh cho 2 người (giảm trừ 19,8 triệu đồng) thì thu nhập tính thuế là 30 - 3,13 - 19,8 = 7,07 triệu đồng/tháng. Mức thuế sẽ nộp là Bậc 1 (5 triệu đồng x 5%) là 250 nghìn đồng, bậc 2 [(7,07 - 5) x 10%] làm tròn là 210 nghìn đồng. Tổng tiền thuế phải nộp là 460 nghìn đồng/tháng.

Do đó, một cá nhân có thu nhập 30 triệu đồng/tháng thì chỉ nộp thuế 460 nghìn đồng/tháng, tỷ lệ thuế TNCN trên tổng thu nhập khoảng 1,53%. Trường hợp có các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ trước khi tính thuế nữa thì số thuế phải nộp còn thấp hơn. Thu nhập sau khi nộp thuế là thu nhập được chi tiêu: 30 triệu đồng - nộp thuế TNCN (460 nghìn đồng) = 29 triệu 540 nghìn đồng.

>>> Xem thêm: Cấp lại chứng từ khấu trừ thuế TNCN từ những năm trước có được hay không? Quy định về khấu trừ thuế TNCN hiện nay như thế nào?

Thuế thu nhập cá nhân từ hợp tác kinh doanh với tổ chức được quy định như thế nào theo pháp luật hiện hành?

Có được phép ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân khi đã chuyển công tác sang đơn vị khác không?

Tôn Trường

Theo Tổng cục Thuế

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 83,404

Bài viết về

lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]