Làm giàu bất chính là có tội

12/02/2015 10:10 AM

Khi quan chức, công chức giàu lên một cách nhanh chóng mà không thể lý giải một cách hợp lý nguồn gốc của tài sản tăng thêm này (giàu bất thường) thì sẽ bị coi là có hành vi làm giàu bất chính - tham nhũng?

Giàu bất thường là phạm pháp

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này dự định hình sự hóa một số hành vi, trong đó có hành vi hoàn toàn mới và khá nhạy cảm là làm giàu bất chính. Cụ thể, tội làm giàu bất hợp pháp là trường hợp tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp của họ mà khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, họ không giải thích được một cách hợp lý về sự tăng đáng kể đó.

Theo Báo cáo đánh giá tác động dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), thực tế hiện nay xuất hiện nhiều trường hợp cá nhân (quan chức) giàu lên một cách nhanh chóng mà không thể lý giải hợp lý nguồn gốc tài sản tăng thêm này. Điều đó cho phép chúng ta nghi ngờ về một sự làm ăn không minh bạch, vi phạm pháp luật hoặc phạm tội trước đó...

Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định tội chứa chấp, hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (điều 250); và tội hợp pháp hóa tiền tài sản do phạm tội mà có (điều 252). Tuy nhiên, cả hai tội này, muốn kết tội, đều phải chứng minh hành vi phạm tội nguồn. Nếu không chứng minh được, thì không thể xử lý hành vi giàu lên nhanh chóng mà không chứng minh được nguồn gốc.

Hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp không phải là quy định bắt buộc, nhưng xuất phát từ đòi hỏi của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, việc bổ sung hành vi này là tội phạm là cần thiết, theo Báo cáo đánh giá tác động dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Theo Bộ Tư pháp, chính hạn chế này của hai điều luật nói trên (của Bộ luật Hình sự hiện hành) đã tạo cơ hội để những người có chức vụ, quyền hạn tham nhũng hoặc tham nhũng rồi tẩu tán tài sản cho người thân. “Nếu thực tâm muốn chống tham nhũng, thì việc hình sự hóa hành vi này sẽ là phương thuốc hữu hiệu để chống lại tội phạm tham nhũng”, báo cáo đánh giá tác động nói trên nêu rõ như vậy.

Báo cáo này còn nhận định: “Hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp không phải là quy định bắt buộc, nhưng xuất phát từ đòi hỏi của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, việc bổ sung hành vi này là tội phạm là cần thiết”.

Trao đổi với TBKTSG, các luật sư đều cho rằng, việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính là hết sức cần thiết và phù hợp với yêu cầu của Công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng mà Việt Nam là một thành viên. “Nếu việc hình sự hóa hành vi này thành hiện thực thì sẽ tạo ra đột phá trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng - thể hiện ở việc triệt tiêu được động cơ của hành vi tham nhũng, cũng như các hành vi phạm tội khác, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng ở Việt Nam”, luật sư Lê Thành Kính, Trưởng văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, nói.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi khi hình sự hóa hành vi này (có thời gian để triển khai các giải pháp khác như: quản lý thu nhập qua tài khoản, thực hiện việc tăng lương, nâng cao thu nhập cho công chức, viên chức và người lao động…), theo Bộ Tư pháp, cần tiếp tục nghiên cứu, quy định bổ sung tội làm giàu bất chính vào thời gian thích hợp.

Vì vậy, bộ này đã đề nghị bổ sung thêm điều luật quy định về tội làm giàu bất chính (điều 251a) vào dự luật, nhưng điều luật này chưa có hiệu lực ngay mà đề ra lộ trình áp dụng sau từ 3-5 năm.

Tư nhân cũng bị xử tội tham nhũng

Ngoài việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính của công chức, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) còn hình sự hóa (bằng cách mở rộng khái niệm chủ thể là người có chức vụ quyền hạn trong lĩnh vực tư và công chức nước ngoài) các hành vi: hối lộ công chức nước ngoài; đưa và nhận hối lộ trong khu vực tư, tham ô trong lĩnh vực tư.

Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ đối với người có chức vụ, quyền hạn làm việc trong bộ máy nhà nước Việt Nam - không áp dụng đối với công chức làm việc cho nước ngoài, tổ chức nước ngoài và công chức quốc tế công (điều 227).

Với quan điểm coi lĩnh vực tư là một lĩnh vực không thể phát sinh ra quyền lực nên Bộ luật Hình sự hiện hành cũng chưa quy trách nhiệm hình sự đối với hành vi đưa và nhận hối lộ trong lĩnh vực tư.

Tuy nhiên, theo Công ước của Liên hiệp quốc về phòng chống tham nhũng thì các hành vi như hối lộ công chức nước ngoài, đưa và nhận hối lộ trong khu vực tư đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, điều 16 công ước quy định về hối lộ công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công và điều 21 quy định hành vi hối lộ trong lĩnh vực tư.

Theo Bộ Tư pháp, công ước yêu cầu các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, có nghĩa vụ hình sự hóa hai hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ cả hai trường hợp trên. Vì vậy, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã bổ sung khiếm khuyết này theo hướng chỉ quy định chủ thể của tội này là những người có chức vụ, quyền hạn nói chung mà không giới hạn là người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội như hiện nay.

Đối với hành vi tham ô trong lĩnh vực tư cũng vậy. Thực tế xuất hiện nhiều trường hợp trong các công ty cổ phần, trong đó một số người có một số quyền hạn nhất định trong việc quản lý tiền và tài sản của doanh nghiệp đã lợi dụng quyền hạn được giao chiếm đoạt số tài sản đó.

Xét về bản chất, đây là hành vi tham ô tài sản của doanh nghiệp. Xét trên phương diện pháp luật hình sự, đây là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân cần phải được xử lý bằng các biện pháp hình sự.

Tuy nhiên, do người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản không thỏa mãn điều kiện về mặt chủ thể (không nằm trong bộ máy nhà nước) nên không thể xử lý người có hành vi nêu trên về tội tham ô tài sản. Cho nên, hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền thường xử lý những người có hành vi nêu trên về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Việc xử lý này là khiên cưỡng và không hoàn toàn phù hợp, theo Bộ Tư pháp.

Dự luật hình sự hóa các hành vi nói trên, theo Bộ Tư pháp là một việc làm cần thiết, không những đáp ứng được yêu cầu của Công ước của Liên hiệp quốc về phòng chống tham nhũng mà còn đảm bảo cho công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đạt kết quả.

Quang Chung

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,837

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn