Chế độ trực Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được hướng dẫn thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
26/01/2024 19:23 PM

Việc lập danh sách lãnh đạo trực Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được hướng dẫn thế nào? Chế độ trực Tết Nguyên đán với viên chức, người lao động được quy định ra sao?

Chế độ trực Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Chế độ trực Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (Hình từ internet)

Phân công trực Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Văn phòng Chính phủ có Công văn 573/VPCP-TH ngày 24/01/2024 về tổ chức, phân công trực và báo cáo tình hình trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

 (1) Về việc tổ chức, phân công trực Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Các Bộ, cơ quan, địa phương lập danh sách lãnh đạo trực, ứng trực trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 30/01/2024; thường xuyên nắm tình hình, kịp thời giải quyết công việc và xử lý những vấn đề đột xuất phát sinh thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý.

(2) Về thực hiện chế độ báo cáo trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

- Báo cáo nhanh tình hình từng ngày trong dịp nghỉ Tết, từ ngày 08 tháng 02 năm 2024 đến ngày 14 tháng 02 năm 2024 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến ngày mùng 05 tháng Giêng năm Giáp Thìn):

+ Các Bộ, cơ quan thực hiện: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công Thương, Tài chính, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Ủy ban nhân dân các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

+ Thời hạn gửi báo cáo về Văn phòng Chính phủ: trước 14 giờ 00 hàng ngày.

+ Nội dung báo cáo tập trung vào những vấn đề sau đây:

(i) Tình hình, công tác phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết…

(ii) Tình hình thị trường, cung - cầu và kiểm soát giá cả hàng hóa trong dịp Tết (khả năng cung ứng, sức mua, giá cả tăng hay giảm, đặc biệt ở những mặt hàng thiết yếu; vấn đề hàng kém chất lượng, hàng giả và gian lận thương mại…).

(iii) Công tác chăm lo, chuẩn bị Tết cho Nhân dân theo chủ trương mọi người, mọi nhà đều được vui xuân, đón Tết; bảo đảm an sinh xã hội cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; vấn đề lương, thưởng Tết cho người lao động ở các lĩnh vực…

(iv) Vấn đề bảo đảm giao thông đi lại và thông tin liên lạc trong dịp Tết.

(v) Công tác tổ chức các hoạt động vui chơi trong dịp Tết: Tổ chức bắn pháo hoa, các lễ hội truyền thông, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, tuyên truyền.

(vi) Thực hiện chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước (nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức, không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định…).

(vii) Tình hình an ninh, trật tự trong dịp Tết (an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, vận chuyển và sử dụng trái phép pháo nổ, an toàn giao thông, đua xe, những vụ việc đột xuất, phát sinh cần quan tâm…).

(viii) Hoạt động tổ chức Tết trồng cây và ra quân sản xuất đầu năm.

(ix) Vấn đề tổ chức làm việc, sản xuất ở những cơ quan, đơn vị ứng trực, không nghỉ Tết.

(x) Những vấn đề đột xuất, phát sinh cần quan tâm và những vấn đề khác (nếu có).

- Báo cáo tổng hợp tình hình Tết Nguyên đán Giáp Thìn:

+ Các Bộ, cơ quan thực hiện: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công Thương, Tài chính, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

+ Nội dung báo cáo: Ngoài những nội dung tại điểm a khoản 2 Công văn này, đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương bổ sung đề xuất Thủ tướng Chính phủ về những công việc trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, điều hành sau Tết thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý (nếu có).

+ Thời hạn gửi báo cáo về Văn phòng Chính phủ:

++ Đối với báo cáo nhanh giữa kỳ nghỉ Tết: gửi trước 16 giờ 00, Chủ nhật ngày 11 tháng 02 năm 2024 (tức ngày mùng 02 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

++ Đối với báo cáo đầy đủ: gửi trước 16 giờ 00, thứ Ba, ngày 13 tháng 02 năm 2024 (tức ngày mùng 04 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

+ Về số liệu báo cáo nhanh giữa kỳ nghỉ Tết và báo cáo đầy đủ: Ngoài số liệu của ngày báo cáo, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương tổng hợp số lũy kế từ đầu kỳ nghỉ Tết đến thời điểm báo cáo. Đồng thời, tiếp tục cập nhật thông tin, số liệu đến hết ngày 14 tháng 02 năm 2024 (tức ngày 05 tháng Giêng năm Giáp Thìn) và gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thường trực Chính phủ.

- Phương thức gửi báo cáo: Gửi hỏa tốc đến Văn phòng Chính phủ (hoặc gửi qua số fax 080.44130) và gửi kèm văn bản điện tử qua địa chỉ e-mail [email protected] (nếu không có nội dung thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước).

Thực hiện nghiêm chế độ trực Tết Nguyên đán

Ngày 22/11/2023, Bộ LĐTB&XH có Thông báo 5015/TB-LĐTBXH về việc nghỉ Tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Bên cạnh việc thông báo lịch nghỉ tết Âm lịch 2024 07 ngày, từ thứ năm ngày 08/02/2024 đến hết thứ tư ngày 14/02/2024, còn đề cập nội dung: Các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024 lưu ý thực hiện: bố trí, sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, đảm bảo tốt công tác phục vụ tổ chức, Nhân dân.

Hàng năm, các cơ quan, đơn vị sẽ bố trí cán bộ trực tết nguyên đán.

Đơn cử, tại TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vừa ký ban hành Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2024 về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 an toàn, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh.

Theo đó, UBND TPHCM yêu cầu sở, ngành, địa phương xây dựng lịch công tác, bố trí cán bộ, công chức thực hiện nghiêm chế độ trực Tết.

Qua đó xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả mọi công việc, tình huống phát sinh. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo trong thời gian nghỉ Tết.

>> Xem thêm: TPHCM yêu cầu thực hiện nghiêm chế độ trực Tết Nguyên đán 2024

Trả lời vướng mắc về chế độ trực Tết Nguyên đán

Sau đây là nội dung giải đáp một số vướng mắc về chế độ trực Tết của viên chức, người lao động:

Chế độ trực tết với viên chức trong đơn vị sự nghiệp

Hỏi: Đơn vị tôi là đơn vị sự nghiệp kinh tế (Chủ đầu tư khu công nghiệp) tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên (nhóm 2) theo quy định Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Vào các ngày lễ, Tết hàng năm đơn vị bắt buộc phải bố trí viên chức, người lao động trực đảm bảo an ninh trật tự tại cơ quan, đơn vị và tuần tra, kiểm soát (ca trực 24/24). Xin hỏi Bộ Tài chính: Ngoài thời gian làm việc theo tiêu chuẩn quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức thì đơn vị có được thanh toán tiền làm ban đêm, làm thêm ngoài giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch 08/2005/TTLT-BNV-BTC hay không? Vì theo quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BNV-BTC “2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện chế độ trực 12 giờ/24 giờ hoặc 24 giờ/24 giờ có hướng dẫn riêng”. Tuy nhiên, hiện nay việc thanh toán chế độ trực chưa thấy có hướng dẫn. Kính mong Bộ Tài chính quan tâm giải đáp. (ngày 26/11/2021)

Trả lời:

Tại khoản 1, khoản 2 Mục I Thông tư liên tịch 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp của nhà nước như sau:

“1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:

a) Cán bộ, công chức (kể cả công chức dự bị), viên chức, những người đang trong thời gian tập sự, thử việc và lao động hợp đồng đã được xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định làm việc trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập.

b) Cán bộ chuyên trách và công chức ở xã, phường, thị trấn.

c) Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế nhà nước và hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định được cử đến làm việc tại các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam.

2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện chế độ trực 12 giờ/24 giờ hoặc 24 giờ/24 giờ có hướng dẫn riêng”.

Theo nội dung câu hỏi của bạn đọc, đơn vị bạn đọc công tác là đơn vị sự nghiệp kinh tế (chủ đầu tư công nghiệp) tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên (nhóm 2) theo quy định Nghị định 60/2021/NĐ-CP, do đó chế độ tiền lương làm đêm, thêm giờ đối với cán bộ, viên chức của đơn vị thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính nêu trên (không thực hiện đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện chế độ trực 12 giờ/24 giờ hoặc 24 giờ/24 giờ).

Đối với một số ngành, nghề thực hiện chế độ trực 12 giờ/24 giờ hoặc 24 giờ/24 giờ thì thực hiện theo quy định riêng của từng ngành, nghề. Ví dụ như lĩnh vực ý tế: Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 về việc quy định một số chế độ phục cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phục cấp chống dịch, trong đó quy định chế độ trực 12 giờ/24 giờ hoặc 24 giờ/24 giờ.

Ngoài ra, Thông tư liên tịch 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 5/1/2005 do Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính ban hành, do đó đề nghị bạn đọc hỏi thêm ý kiến của Bộ Nội vụ về nội dung này. (Theo Cổng TTĐT Bộ Tài chính)

Trả lời vướng mắc về chế độ trực tết của giáo viên

Hỏi: Mặc dù việc trực lễ, Tết là nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trong các ngày lễ, Tết nhưng tại sao Sở lại không có hướng dẫn cụ thể về việc chi trả các chế độ cho cán bộ, giáo viên? (Ngày 18/01/2019)

Trả lời: Nội dung này được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh trả lời như sau:

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh tại Thông báo 3100/TB-UBND ngày 14/12/2018 về Nghỉ Tết Dương lịch, Âm lịch 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo có Thông báo 102/TB-SGDĐT, ngày 10/01/2019 về việc nghỉ tết Âm lịch 2019, trong đó có yêu cầu các đơn vị, trường học phân công, bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên trực để giải quyết công việc, phục vụ tốt nhân dân và bảo vệ trụ sở, tài sản, an toàn cơ quan, đơn vị, trường học.

- Đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia trực trong các ngày nghỉ Lễ, Tết được bố trí nghỉ bù hoặc bồi dưỡng theo chế độ quy định.

- Việc đăng ký, phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên trực Lễ, Tết được các đơn vị, trường học thực hiện công khai, dân chủ trong Hội đồng theo quy định.

- Tất cả các ca trực trong các ngày nghỉ Lễ, Tết đều phải đảm bảo đủ số lượng và đúng thành phần trực gồm cán bộ, giáo viên, nhân viên để giải quyết công việc, phục vụ tốt nhân dân và bảo vệ trụ sở, tài sản, an toàn. Các ca trực đều phải ghi chép tình hình diễn biến cụ thể, bàn giao và nhận ca trực theo đúng quy định. Khi phân công trực phải có số điện thoại liên hệ của lãnh đạo đơn vị, công an phòng cháy chữa cháy, công an địa phương sở tại để kịp thời giải quyết khi có sự cố xảy ra. (Theo Cổng TTĐT tỉnh Tây Ninh)

Nội dung hỏi – đáp về chế độ trực tết nêu trên mang tính chất tham khảo.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,676

Bài viết về

Lịch nghỉ lễ tết 2024

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]